Úc cam kết hỗ trợ 80 triệu AUD nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 đối với các nước khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Bốn Bộ trưởng Ngoại Giao, Bộ các vấn đề Phụ nữ, Bộ Y tế, Bộ Phát triển Quốc tế và Khu vực Thái Bình Dương, tuyên bố điều này trong một thông cáo chung, hôm 26/8.
Khoản hỗ trợ nằm trong chương trình COVAX AMC thuộc Liên minh vaccine Gavi, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các quốc gia khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á đối với vaccine một cách an toàn, hiệu quả với mức giá hợp lý. Úc cam kết đảm bảo phân phối các liều tiêm đến tất cả quốc gia, không chỉ những nước có khả năng tự mua hoặc sản xuất vaccine.
Khoản hỗ trợ 80 triệu AUD (hơn 58 triệu USD) sẽ giúp giải quyết giai đoạn cấp bách của đại dịch. Mục tiêu là cung cấp đủ vaccine cho 20% dân số tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu tiên, đảm bảo nhân viên y tế và nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, được tiếp cận chương trình tiêm chủng.
Vaccine Covax-19 được thử nghiệm trên người tại Úc. Ảnh: ABC News
Các quốc gia khu vực quần đảo Thái Bình Dương đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ cam kết COVAX bao gồm Papua New Guinea, quốc đảo Solomon, Vanuatu, Fiji, Samoa, Tonga, Tuvalu và Kiribati. Các quốc gia đủ điều kiện tại khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Đông Timor, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam.
Việc tiếp cận vaccine sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Khoản đầu tư của Úc được cho là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Liên minh Vacicne Gavi. Nước này cam kết tiếp tục thúc đẩy an ninh kinh tế trong khu vực, thông qua vai trò Phó Chủ tịch Gavi.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia và hãng dược trên thế giới tham gia vào cuộc chạy đua phát triển vaccine ngừa Covid-19. Đến nay, có 8 “ứng viên” bước đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trung tuần tháng 8, Nga phê duyệt loại vaccine đầu tiên trên thế giới. Tối 14/8, Bộ Y tế Việt Nam thông báo đã đăng ký mua các liều tiêm của Nga và Anh, đồng thời khẳng định đang rất nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp trên thế giới để mua và sản xuất vaccine, ví dụ Mỹ.
Quá trình phát triển vaccine trong nước cũng tăng tốc. Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) và Trường Đại học Briston, Anh đang phối hợp nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ vector virus. Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) cùng tổ chức PATH, Mỹ, cũng nỗ lực phát triển vaccine dựa trên quy trình làm vaccine cúm mùa và cúm đại dịch.