Các cuộc điều tra của Specsavers cho thấy chỉ có một người chịu trách nhiệm cho việc sửa đổi các kết quả đo thị lực. (Flickr: JLStricklin)

 

 

 

NAM ÚC - Một kỹ thuật viên nhãn khoa ở thành phố Adelaide  vừa bị tước giấy phép hành nghề vì đã bí mật giả mạo hơn 400 đơn thuốc đeo kính.

 

Tòa án dân sự và hành chính tiểu bang Nam Úc- SA Civil and Administrative Tribunal đã  phát hiện ra rằng, Ashok Bhoola, đã bí mật và gian dối sửa đổi đơn thuốc cho bệnh nhân của mình tới 410 lần trong năm 2015 và 2016.

 

Vào thời điểm đó, Ông Bhoola, đang làm việc cho cơ sở Specsavers West Lakes, phía bắc thành phố Adelaide,  phủ nhận việc sửa đổi các đơn thuốc.

 

Nhưng các cuộc điều tra của cơ sở nhượng quyền thương mại này, gồm cả phân tích của một kế toán viên pháp lý, cho thấy ông Bhoola "phải chịu trách nhiệm".

 

Tòa án đã không thể xác định lý do rõ ràng cho hành vi của người đàn ông này.

 

Nhưng những  gian dối trên gây ra tác dụng làm suy giảm lòng tin của đối tác kinh doanh của ông ấy, là một kỹ thuật viên nhãn khoa, khiến cô ấy nghĩ rằng cô ta đang mắc phải "những sai lầm ngớ ngẩn".

 

Phúc lợi của bệnh nhân gặp rủi ro.

Theo phán quyết của tòa án, tổng cộng  359 cặp kính đã được sản xuất bằng cách sử dụng các toa kính thuốc đã được thay đổi.

 

Trong đó, 313 cặp kính bị lỗi và 96 cặp kính được trả lại cửa hàng.

 

Bản án viết "Chúng tôi nhận thấy rằng bị đơn đã cố tình làm điều này mà không có sự biện minh về mặt lâm sàng, và đi ngược lại lợi ích của bệnh nhân, và hành động của ông ta khiến quyền lợi và sức khỏe của bệnh nhân gặp rủi ro".

"Ông Bhoola đã chọn cách từ chối trách nhiệm. Ông ấy đã duy trì quan điểm đó từ đó cho đến nay."

 

"Kế hoạch" của người đàn ông này bị phát hiện sau khi đối tác kinh doanh của ông ta, một đồng nghiệp kỹ thuật viên đo thị lực, nhận thấy cô ấy dường như đã mắc lỗi trong việc ghi kết quả kiểm tra thị lực.

 

Người phụ nữ ấy " bị mất tự tin nghiêm trọng",  và cảm thấy xấu hổ khi các đồng nghiệp khác nhận thấy nhiều kết quả không chính xác.

 

Cô ấy thậm chí còn cân nhắc đến việc rời bỏ công việc của mình để làm việc ở một nơi ít bận rộn hơn.

 

Tuy nhiên,  mối quan tâm của cô đã khiến cô lưu giữ lại một loạt hồ sơ và cuối cùng, doanh nghiệp nhượng quyền Specsavers đã điều tra ra vấn đề.

 

Cuộc điều tra cho thấy ai đó đã thay đổi "một cách có hệ thống" các toa thuốc bằng cách sử dụng thông tin đăng nhập của ông Bhoola.

 

Bởi vì ông Bhoola phủ nhận hành vi thay đổi toa thuốc, câu hỏi được đặt ra là liệu ông ta hay ai khác đã thực hiện việc sửa đổi.

 

Nhưng cuối cùng, cuộc điều tra cho thấy ông ta là người duy nhất có mặt tại cửa hàng vào mỗi dịp  sự sửa đổi xảy ra.

 

Specsavers đã chấm dứt hợp đồng làm việc với ông Bhoola, chính thức sa thải ông ta.

 

Bản án ghi "Bằng chứng pháp lý rất chi tiết ... đủ để nói rằng chúng tôi thấy bằng chứng có sức thuyết phục khi cho thấy rằng chính bị đơn là người đã thực hiện việc sửa đổi các toa thuốc".

 

Tòa án đã khiển trách người đàn ông này vì hành vi sai trái nghề nghiệp và hủy giấy phép hành nghề của ông ta trong 12 tháng.

 

Bản án cũng yêu cầu bị đơn phải trả chi phí pháp lý cho Hội Đồng Nhãn Khoa Úc Đại Lợi- Optometry Board of Australia.

BBT

(Theo abc.net.au)