Nhiều tàu chiến của Úc được lệnh rời căn cứ để chuẩn bị tham gia các cuộc tập trận cùng Mỹ và các nước đối tác tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo tin từ báo điện tử The Australian, ngày hôm nay (18/6), 3 tàu chiến của Hải quân Australia gồm HMAS Canberra, Hobart và Stuart đã rời căn cứ Hạm đội phía Đông ở Sydney vào ngày 16/6 để tham gia các hoạt động tập trận quân sự và giám sát hàng hải. Trước đó vào ngày 15/6, 3 tàu chiến khác gồm HMAS Anzac, Ballarat và Arunta cũng đã rời căn cứ Hạm đội phía Tây thuộc tiểu bang Tây Úc để lên đường tham gia các cuộc tập trận quân sự.
Tàu khu trục HMAS Canberra (II) của Hải quân Úc Đại Lợi. Ảnh: Hải quân Úc Đại Lợi.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc, vào tối qua (17/6), xác nhận các tàu chiến của Hải quân đang tham gia huấn luyện phối hợp các nhiệm vụ trên biển với các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt. Các tàu chiến sẽ được triển khai trên toàn khu vực, bao gồm tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thài Bình Dương (RIMPAC).
Trong một tuyên bố mới đây về các cuộc tập trận không quân ở khu vực ngoài khơi đảo Guam của Mỹ, quân đội Úc Đại Lợi cho biết các lực lượng quân sự của Úc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vào ngày 11/6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Úc cũng cho biết, Bộ này đã ký hợp đồng trị giá 3 triệu AUD với một cơ sở lưu trú tại Guam trong thời gian từ ngày 10/6 đến 31/8 để đảm bảo hậu cần cho các cuộc tập trận không quân.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp Euan Graham của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), các cuộc tập trận của Không quân Úc tại Guam có thể liên quan đến các nội dung huấn luyện tác chiến điện tử cho phi đội Growler (EA18G Growler), cũng có thể là các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất F-35 hoặc các cuộc tập trận tấn công trên biển ở ngoài khơi đảo Guam.
Dự kiến cuộc tập trận RIMPAC do Mỹ tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 17/8 tại Hawaii và các nội dung tập trận bao gồm huấn luyện bắn đạn thật và chống ngầm. Ngoài việc tham dự RIMPAC, Úc đang chờ được Ấn Độ mời tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar cùng Mỹ và Nhật Bản vào cuối năm nay nhằm tăng cường liên kết an ninh giữa các quốc gia thuộc nhóm Bộ Tứ Quad.