Màn biểu diễn của đoàn múa lân Da Hung Lion Dance & Martial Arts trong buổi ra mắt Lễ hội Âm lịch Sydney 2024, tại Dixon Street Mall ở Sydney, Thứ Năm, ngày 8 tháng 2 năm 2024. (Hình ảnh AAP / Bianca De Marchi) KHÔNG LƯU TRỮ- Nguồn: AAP / BIANCA DE MARCHI/AAPIMAGE

 

 

AUSTRALIA - Được biết đến là một trong những ngày lễ lớn nhất trong văn hóa Đông Á, Tết Nguyên đán đang dần được nhiều người Úc đón nhận hơn mỗi năm. Úc hiện tự hào có các hoạt động kỷ niệm Tết lớn nhất bên ngoài châu Á, góp phần tạo nên bản sắc của Úc như một quốc gia đa văn hóa.

 

Tại chùa Phật giáo Nan Tien ở Wollongong đang diễn ra lễ kỷ niệm Tết Nguyên đán.

 

Bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 và được tổ chức trong 15 ngày, lễ hội thu hút sự tham gia của mọi người từ khắp nơi trên nước Úc.

 

Thị trưởng Wollongong ông Gordon Bradbery, người khởi xướng sự kiện này, nói với SBS News rằng các lễ hội là một phần quan trọng của nước Úc, một xã hội đa văn hóa.

“Theo quan điểm của tôi, các lễ hội góp phần giúp cuộc sống của chúng ta thêm phong phú, với những quan điểm khác nhau và cách tiếp cận khác nhau. Và đặc biệt hơn, đây là cơ hội để ăn mừng và thưởng thức ẩm thực Châu Á, cũng như làm những điều khác biệt hơn một chút so với truyền thống châu Âu.”

 

 

Những người tham gia lễ hội cho biết.
 

“Lễ hội giúp gắn kết mọi người lại với nhau. Như những gì các bạn nhìn thấy hôm nay, mọi người từ mọi quốc tịch khác nhau đến đây và thật tốt khi nhìn thấy mọi người xích lại gần nhau hơn.”
"Thật tuyệt vời vì rất nhiều người đã bắt đầu thừa nhận truyền thống này. Và thật vui khi thấy mọi người ăn mừng Tết.”

 

 

Đối với nhiều cộng đồng Đông Á, Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng trong năm, được xem là cơ hội để bắt đầu lại từ đầu, suy ngẫm và dành thời gian cho gia đình và những người thân yêu.

 

Jieh-Yung Lo là giám đốc Trung tâm Lãnh đạo người Úc gốc Á của Đại học Quốc gia Úc (ANU).

 

Ông Lo cho biết các truyền thống như tụ tập cùng gia đình trong đêm giao thừa, là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành của ông với tư cách là một người Úc gốc Hoa.

Ông Lo nói “Tết Nguyên đán bây giờ rất đa dạng, mang tính toàn diện, nó đại diện cho cộng đồng người Úc gốc Á đa dạng mà chúng ta có ở Úc, và thật tuyệt khi thấy lễ hội này cũng được những người Úc không phải gốc Á đón nhận, những người Úc có nguồn gốc khác nhau.

 

 

Năm 2024 là năm con rồng, được xem là năm đặc biệt vì rồng là sinh vật thần thoại duy nhất trong số 12 con giáp trong cung hoàng đạo Trung Quốc.

 

Nổi tiếng với sự lôi cuốn và tràn đầy sự tự tin, những người sinh năm rồng được cho là có khả năng thể hiện bản thân mình ở bất cứ nơi đâu.

 

Ông Lo cho biết nhiều trẻ em, trong đó có ông, lớn lên đã học được truyền thuyết về Cung hoàng đạo Trung Quốc do người xưa kể lại.

 

Khi nói đến việc hình thành các cung hoàng đạo Trung Quốc, Ngọc Hoàng - vị hoàng đế của thiên cung trong văn hóa Trung Quốc - đã ra lệnh tập hợp tất cả 12 sinh vật trên Trái đất và khởi xướng một cuộc chạy đua giữa các loài động vật.

 

Mười hai con vật đã đáp lại lời kêu gọi và tham gia cuộc đua.

“Truyền thuyết kể rằng con rồng dường như đã đến muộn, không dậy đúng giờ và đến cuộc đua muộn, vì vậy nó chỉ đứng ở vị trí thứ năm khiêm tốn. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi luôn tự hỏi tại sao Rồng lại đứng thứ năm trong trong lịch, xét theo thứ tự, bởi vì nó là một sinh vật thần thoại, có sức mạnh vô cùng to lớn. Rõ ràng là rồng có thể bay, có thể thay đổi thời tiết, nên rồng có một nét riêng biệt. Rồng có lợi thế, thu hút sự chú ý nhờ sự hiện diện của nó trong các cung hoàng đạo."

 

 

Đây cũng là một năm đặc biệt đối với những người sinh năm 1964, do tính chất kết hợp giữa con giáp rồng và hành mộc.

 

Jieh-Yung Lo, Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo người Úc gốc Á của Đại học Quốc gia Úc, nói “Năm nay, đối với những người bước sang tuổi 60, sẽ là một năm rất đặc biệt đối với họ, bởi vì đây là lúc họ thể hiện trọn vẹn cung con giáp của mình.”

"Tôi đoán đối với tất cả những người không phải sinh năm rồng, đây là cơ hội để chúng ta tìm hiểu về những gì mà năm Thìn sẽ mang lại, bởi vì nó có thể có lợi hoặc bất lợi cho bạn, tùy thuộc vào con giáp của bạn là gì.”

 

 

 

Mặc dù truyền thống của cộng đồng người Đông Á ở hải ngoại có khác nhau nhưng người ta thường mặc quần áo màu đỏ, làm bánh bao hoặc cho tiền trong bao lì xì hoặc phong bì màu đỏ.
 

"Đối với tôi, buổi họp mặt gia đình vào đêm giao thừa luôn là sự kiện lớn nhất, và sau đó, chúng tôi sẽ đi thăm và chúc mừng năm mới các thành viên khác trong gia đình trong suốt 15 ngày. Khi chúng tôi khi còn nhỏ, chúng tôi nhận được tiền lì xì, và để dành trong những con heo đất. Nhưng khi bạn trưởng thành, kết hôn, bạn không còn được lì xì nữa, nhường lại cho thế hệ trẻ kế tiếp.”
 

 

Ông Lo, cựu ủy viên hội đồng đảng Lao động, cũng đang đề xuất cho phép nhân viên đổi thời gian nghỉ phép cho các ngày lễ truyền thống như Giáng sinh, các lễ kỷ niệm có liên quan đến văn hóa của họ như Tết Nguyên đán.
 

“Tôi ủng hộ ý tưởng xem Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ cũng như các lễ hội văn hóa khác như Diwali, Eid, Hanukkah… Nó cũng cho phép chúng tôi gửi một thông điệp rất tích cực rằng chúng tôi thực sự là một xã hội đa văn hóa và một đất nước đa văn hóa thành công."

 

 

Trong khi Tết Nguyên đán có thể góp phần tạo nên sự gắn kết xã hội rộng rãi hơn, Tiến sĩ Shanthi Robertson, giáo sư tại Đại học Western Sydney, cho biết đây không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho những vấn đề lớn hơn.
 

“Mỗi năm một lần đi dự lễ hội, đi xem đua thuyền rồng hoặc đi xem các cảnh trang trí quanh thành phố thật sự không đủ để xây dựng một cộng đồng gắn kết và đa văn hóa. Nỗ lực gắn kết với bạn bè, hàng xóm và cộng đồng của bạn, cũng như giải quyết những vấn đề khó khắn và thách thức cũng rất quan trọng.”