Sinh viên tại Đại Học Sydney - University of Sydney – trước khi xảy ra đại dịch, Nguồn: SBS

 

 

Việc đóng cửa biên giới và những khó khăn khác mà đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến ngành giáo dục đại học tại Úc đối mặt với những thách thức chưa từng thấy.

 

Nếu như không có một khóa học ngắn hạn miễn phí với một trường đại học Úc,  Anahy Wilde Dos Santos có thể đã chưa bao giờ đặt chân tới quốc gia này.

 

Người phụ nữ 38 tuổi này muốn rời Brazil để theo đuổi đam mê học tập, nhưng chưa đưa ra quyết định về địa điểm, cho đến khi cô tìm thấy khóa học miễn phí trong hai tuần “Future-Proofing the Health Workforce” của trường đại học Griffith.

 

“Khóa học này là một yếu tố chính, là động lực chính để tôi chắc chắn quyết định đến Úc để học.”

 

Cô Dos Santos đã đến Brisbane năm 2018 và hiện đang học khóa Thạc sỹ về Quản lý các dịch vụ y tế cao cấp tại trường Griffith.

 

Việc giữ chân sinh viên quốc tế cũng như tuyển học sinh mới đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mà COVID-19 buộc các quốc gia phải đóng cửa biên giới.

 

Thế nhưng, trong một bước đi đầu tiên trong lịch sử của ngành giáo dục Úc, 20 trường đại học, với sự ủng hộ từ Cơ quan Thương mại và Đầu tư Úc (Austrade), đã kết hợp với một nền tảng giáo dục kỹ thuật số có trụ sở tại Anh Quốc, với tên gọi FutureLearn, để cung cấp 50 khóa học miễn phí cho bất cứ ai trên toàn thế giới.

 

Người đứng đầu về Nội dung và Hợp tác của FutureLearn, ông Justin Cooke nói rằng, đây là một sự lựa chọn dễ dàng cho bất cứ học sinh nào, ở bất cứ nơi đâu.

“Nó được mở cho tất cả mọi người. Về căn bản bạn không phải học tại một trường đại học ở Úc hoặc đã tham gia một khóa học ở Úc, mới có thể bắt đầu một trong số những khóa học này”.

 

"Chúng tôi hướng đến các sinh viên hiện tại, những người không thể đến Úc để theo học như kế hoạch, những sinh viên tiềm năng sẽ đến học ở Úc, và nói chung là tất cả các học sinh trên toàn cầu.”

 

Chiến dịch “Học với nước Úc” đã nhận về hơn nửa triệu đăng ký - chủ yếu đến từ Anh Quốc, Ấn Độ, Colombia, Brazil, Philippines và Indonesia.

 

Một sinh viên đã đăng ký khóa học là Annisa Husni, ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Cô tìm thấy thời gian rảnh trong suốt thời kỳ phong tỏa và tháng lễ Ramadan. Cô Husni, 36 tuổi, đã đăng ký khóa học hai tuần của trường đại học Deakin.

 

“Trong suốt thời gian làm việc từ nhà và tháng lễ Ramadan, có vẻ như tôi có đủ thời gian rảnh để làm việc gì khác, và tôi nghĩ đó là thời gian tốt nhất để tôi làm một cái gì khác.”

 

Melissa Tan, ở Malaysia, cũng theo đuổi đam mê mở rộng kiến thức và kỹ năng, nên cô đã tham gia vào khóa học hai tuần “Power of Podcasting” của trường đại học Wollongong.

 

Cô Tan mong muốn theo học một khóa học dài hạn hơn tại trường này.

 

“Nó rõ ràng là một sự lựa chọn cho tôi đặc biệt khi mà biên giới quốc tế bắt đầu mở cửa trở lại. Việc tôi có thể dùng các tín chỉ trước đây rất có lợi cho tôi.”

 

Sinh viên quốc tế đóng vai trò lớn cho nền kinh tế Úc. Lãnh vực này tạo ra khoảng 250,000 việc làm cho nền kinh tế, và mang về một khoản thu khoảng 40 tỷ đô la trong năm ngoái.

 

Giám đốc mảng giáo dục toàn cầu của Austrade, bà Rebecca Hall nói rằng, chiến dịch này nhằm vào việc mang đến một cơ hội cho học sinh mở rộng kỹ năng trong thời gian đại dịch, và cũng là một chiến lược “thử trước khi mua hàng”.

 

“Về căn bản nó là về việc quảng bá thương hiệu giáo dục Úc, về chất lượng và những sự sáng tạo mà chúng ta cung cấp. Cũng có những người muốn thử để xem thế nào - chúng tôi biết có những sinh viên, những người mà đã học các khóa ngăn hạn trước đó, và sau đó quyết định đến Úc để học thạc sỹ hoặc cao hơn”.

 

Có một mối lo ngại về sự sụt giảm danh tiếng của Úc đối với thị trường du học sinh, vì những hỗ trợ hạn chế đối với sinh viên quốc tế trong thời gian phong tỏa vì COVID-19.

 

Chính phủ Úc cho phép người giữ visa tạm thời được rút tới 10,000 đô la trong quỹ hưu bổng của họ, nhưng chính sách này kết thúc vào ngày 30/6.

 

Trong khi đó một số nước khác trên thế giới như New Zealand, Canada, Pháp, và Đức đã cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính lớn cho sinh viên quốc tế.

 

Anh Quốc cung cấp thêm các hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và cho phép số lượng giờ làm linh động cho sinh viên trong thời gian này.

 

Tuy nhiên Tổng trưởng Giáo dục, Dan Tehan, nói rằng các nhu cầu học tập tại Úc sẽ không bị giảm bớt, mà nó sẽ tăng, do cách chính phủ đối phó với cuộc khủng hoảng y tế.

 

“Thông qua các trường đại học, các chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ, và thông qua chính phủ liên bang, đã có khoảng 1.3 tỷ đô la hỗ trợ cho các sinh viên quốc tế của chúng ta”.

 

Ông Tehan cũng nói rằng sinh viên quốc tế được kỳ vọng là có đủ khả năng chi trả học phí và tiền sinh hoạt cho năm đầu tiên sống ở Úc, cũng như có sự lựa chọn hỗ trợ tài chính từ gia đình nếu họ cần.

 

Phó hiệu trưởng danh dự trường đại học quốc gia Úc tại Canberra, ông Brian Schmidt, nói rằng chính phủ đáng ra đã có thể làm nhiều hơn để hỗ trợ.

 

“Đảm bảo rằng chúng ta có một mức trợ cấp chung cho tất cả mọi người khi mà họ đang ở đây, điều đó đáng ra có thể rất tốt cho sinh viên. Và một số nơi khác trên thế giới như Canada và Anh quốc đã làm chính xác như vậy.”

 

Sinh viên quốc tế chiếm một phần ba tổng số lượng ghi danh tại trường Đại học Quốc gia Úc.

 

Hiện tại trường Đại học quốc gia và đại học Canberra đang phối hợp với chính phủ liên bang trong một chương trình thí điểm, đưa sinh viên quốc tế tới Canberra trong kỳ hai bắt đầu vào tháng 7.

 

Các sinh viên sẽ phải cách ly kiểm dịch 14 ngày và làm xét nghiệm COVID-19 trước khi bắt đầu tham gia khóa học tại trường.