Một con bò được tiêm chủng vắc xin bệnh lở mồn long móng trong một nông trại ở Bogor, West Java, Indonesia, vào ngày 29 tháng Sáu,  2022. Nguồn: EPA

 

AUSTRALIA - Các chính trị gia và nông dân Úc yêu cầu du khách trở về từ Indonesia hãy vứt bỏ những đôi dép lê vào thùng rác, nhằm giúp ngăn chặn dịch. Một đợt bùng phát dịch lở mồm long móng, vốn ảnh hưởng đến gia súc đã lan rộng tại quần đảo du lịch nổi tiếng Bali, càng làm tăng thêm nguy cơ dịch bệnh này có thể đi vào Úc lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ. Các nông dân nói dịch này có nguy cơ tàn phá ngành chăn nuôi của Úc.

 

Đó là một ngày bận rộn đối với Mahlah và Kel Grey tại nông trại sản xuất bơ sữa.

 

Nông trại nằm trên một ngọn đồi ở ngay trên thị trấn biển Kiama thuộc New South Wales, với những cánh đồng xanh mướt và đồi núi trập trùng, đó là thiên đường cho đàn bò 80 con của hai người.

 

Tuy nhiên dịch bệnh gây chết người đã quanh quẩn gần nơi đây, Mahlah Grey nói triển vọng kinh doanh của gia đình có thể trở nên ảm đạm.

Người ta đang suy nghĩ về ảnh hưởng mà bệnh dịch này gây ra cho kỹ nghệ của chúng tôi, tôi biết tất cả chúng tôi đang khẩn trương tìm hiểu về các quy định liên quan đến an toàn sinh học để bảo đảm rằng nếu nó xảy ra ở đây, chúng tôi có thể chuẩn bị sẵn sàng.

 

Các nhà sản xuất yoghurt và phô mai nói họ sẵn sàng ngưng mọi quy trình sản xuất nhằm chặn đứng dịch lở mồm long móng không để nó ảnh hưởng đến đàn gia súc.

 

Nhưng họ sợ rằng nếu dịch bệnh xâm nhập, thì mọi thứ sẽ không thể quay trở lại như trước.

Chúng tôi đã sản xuất ở nông trại này trong suốt 160 năm qua, một dịch bệnh như lở mồm long móng có thể là dấu chấm hết cho di sản này.

 

Tại thị trấn Nowra gần đó, nông dân thế hệ thứ sáu Daniel Cochrane cũng hiểu rõ về nguy cơ này.

 

Ông và các anh em trong gia đình đã điều hành một vài sản phẩm bơ sữa. Việc kinh doanh của họ đã sống sót qua hạn hán, cháy rừng và lũ lụt.

 

Mối đe dọa từ dịch bệnh này là một cú đánh mạnh nữa.

Điều này khiến chúng tôi rất lo ngại, chúng tôi là những nông dân chăn nuôi bò sữa, chúng tôi quan tâm và chăm sóc những con bò của mình vì đó là cách chúng tôi kiếm sống, từ quan điểm đó, việc kinh doanh của chúng tôi có thể sẽ bị xóa sổ chỉ trong một sớm một chiều.

 

Bệnh lở mồm long móng, gọi tắt là FMD, gây ra các vết phồng rộp và vết thương trên miệng và móng chân của động vật bao gồm gia súc nói chung, cừu, heo, dê và thậm chí cả lạc đà.

 

Dịch bệnh khiến các động vật này biếng ăn và trong một vài trường hợp có thể gây què quặt hoặc tử vong.

 

Mặc dù dịch FMD không phải là một nguy cơ cho sức khỏe con người, nhưng con người thường là nguồn mang mầm bệnh.

 

Họ có thể lây bệnh cho động vật qua giày dép, quần áo hoặc nơi mũi của họ, ở đó virus có thể tồn tại đến 24 giờ.

 

Điều này có nghĩa là du khách trở vế từ Indonesia có thể vô tình mang dịch lở mồm long móng vào Úc.

 

Trưởng Ban Thú Y Úc, Tiến sĩ Mark Schipp giải thích.

Chúng tôi lo lắng các du khách quay về từ Bali có thể mang theo đất bị nhiễm khuẩn trong giày dép của họ, hoặc mang về Úc các sản phẩm từ động vật đã bị nhiễm khuẩn như thịt hoặc bơ sữa.

 

Chính phủ liên bang đã tung ra các đoạn phim vận động được chiếu trên các chuyến bay từ Indonesia đi Úc, cũng như chiếu khắp nơi ở các phi trường.

 

Chính phủ cũng ra lệnh các biện pháp an ninh sinh học tại sân bay cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, tăng thêm số lương nhân viên tuần tra và chó trinh sát.

 

Tuy nhiên làm như vậy vẫn chưa đủ, theo phát ngôn nhân Nông nghiệp phe đối lập David Littleproud.

 

Ông kêu gọi lắp đặt các điểm ngâm chân bằng hoá chất diệt khuẩn tại phi trường.

Chúng tôi hoan nghênh việc chính phủ trình chiếu những đoạn phim trên máy bay và đưa các nhân viên an ninh sinh học lên kiểm tra các máy bay đi vào Úc, nhưng rất tiếc vẫn có thể bị sót những người không khai báo hoặc khai báo sai lệch, vì vậy đó là lý do tại sao cần phải bảo đảm có thêm các biện pháp bổ sung và bổ sung bằng việc lắp đặt các điểm ngâm chân.

 

Chính phủ bác bỏ ý tưởng này, cho rằng các bồn ngâm chân không phải là một biện pháp thực tiễn và có thể gây hại cho da.

 

Thay vào đó, Phó Thủ hiến NSW Paul Toole nói du khách nên giúp chính phủ bằng cách vứt bỏ các đôi giày mình đang mang khi ra khỏi máy bay và đi vào Úc.

Một việc làm đơn giản hơn là những du khách quay về Úc có thể vứt bỏ giày dép họ đang mang và thay một đôi mới khi đến phi trường Úc. Không ai muốn mang virus FMD vào nước mình cả.

 

Ước đoán đã có hơn 330,000 động vật bị nhiễm dịch bệnh tại 21 tỉnh của Indonesia, trong có bao gồm Bali.

 

Một phái đoàn Úc, trong đó có Tổng trưởng Nông nghiệp Murray Watt và Trưởng Ban Thú Y Úc Mark Schipp đã đến Indionesia để kiểm tra về tình huống đang xảy ra.

 

Ông Schipp nói: “Mục đích của chuyến đi là chúng tôi gặp gỡ các nhà đồng cấp Indonesisa để xác định Úc có thể giúp đỡ gì cho Indonesisa đối phó với dịch chân và miệng, cũng như nhấn mạnh việc Indonesia kiểm soát thành công dịch bệnh này sẽ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng với nước Úc.”

 

Nếu virus này xâm nhập biên giới Úc, nông dân trên khắp cả nước có thể bị buộc phải phá hủy đàn gia súc của họ, các giao dịch trong nước có thể bị hạn chế và toàn bộ các trang trại có thể bị đóng cửa.

 

Bất kỳ sự hiện diện nào của căn bệnh này cũng sẽ chặn đứng mọi hoạt động xuất cảng của ngành.

 

70% nông sản của Úc là hàng hoá xuất cảng, vì vậy chi phí ước đoán cho một đợt bùng phát dịch FMD có thể lên đến 80 tỷ đô la.

 

Vương quốc Anh đã từng gặp tổn thất kinh tế và tinh thần vì dịch bệnh này.

 

Năm 2001, những người nông dân ở Anh đã bị buộc phải tiêu hủy 6 triệu gia súc sau đợt dịch bệnh bùng phát, quét sạch 13 tỷ đô la ra khỏi nền kinh tế.

 

Bác sĩ Thú y tại Nowra, Andrew Havadjia nói tác hại có thể xảy ra trầm trọng trong vùng, đặc biệt trong trường hợp virus thoát ra ngoài tự nhiên.

Đây sẽ là thảm họa với tất cả chúng tôi. Vấn đề lớn nhất ở Úc đó là Úc là một nơi rộng lớn với nhiều loài động vật, bao gồm đàn heo nữa, chúng ta có rất nhiều động vật hoang dã, như hươu nai, và nếu virus xâm nhập vào những quần thể đó, chúng ta thậm chí có thể không có thể thoát khỏi dịch bệnh, đó là nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi.