Hình ảnh rượu vang Úc được trông thấy trên kệ hàng ở một tiệm bán rượu ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 8 tháng Mười Hai, 2020. Nguồn: EPA/ALEX PLAVEVSKI

 

 

 

 

 

 

Úc sẽ kiện Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, do việc Trung Quốc áp thuế quá đáng lên rượu vang cuả Úc. Chính phủ liên bang cho biết, sắc thuế mới gây thiệt hại lớn lao cho kỹ nghệ rượu vang của Úc và không còn giải pháp nào khác hơn, lả đưa Trung Quốc ra trước WTO để phân xử.

 

 

Các nhà sản xuất rượu vang Úc hoan nghênh quyết định của chính phủ liên bang đưa Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài về thương mại quốc tế, về việc Trung Quốc áp thuế quá cao khiến cho việc xuất cảng rượu vang Úc sang Trung Quốc bị sụp đổ hoàn toàn.

 

 

Cho đến gần đây, hầu hết rượu vang Úc xuất cảng là sang Trung Quốc, thế nhưng thuế suất của Bắc Kinh đã làm cho thị trường xuất cảng khô cạn, như lời của ông Tony Battaglene là giám đốc của Hiệp hội Nho và Rượu Úc Châu.

 

 

Ông Tony Battaglene nói: "Vì vậy thị trường Trung Quốc đã đóng lại đối với chúng ta, do thuế suất khiến cho việc xuất cảng sang đó không còn có lợi nữa".

 

 

"Những gì nó tạo nên một tình trạng là, liệu chúng ta có thể đối thoại thực sự với Trung Quốc về điểm nào".

 

"Chúng tôi không tin là chúng ta có một câu trả lời và đây là cách thức để giải quyết chuyện đó”.

 

 

Được biết thuế suất nầy được loan báo hồi tháng 11 năm rồi, với mức thuế từ 116 đến 220 phần trăm so với mức cũ và ngay lập tức đã gây ra hậu quả.

 

 

Mức xuất cảng rượu vang của Úc sang Trung Quốc đã giảm sụt 98 phần trăm, còn trị giá chỉ còn 20 triệu đô-la thay vì 1,1 tỷ đô-la.

 

 

Ông Battaglene cho biết, việc hồi phục từ việc xuất cảng bị sụp đổ là rất đau thương cho những nhà xuất cảng Úc và phải mất nhiều năm để sửa chữa.

 

Ông Tony Battaglene nói: “Trong một vài tháng khó khăn và thị trường đã sụp đổ, đó là khoảng 120 triệu lít rượu vang đỏ mỗi năm vào Trung Quốc, thêm nữa phần khó khăn thực sự đối với chúng tôi là rượu vang đỏ có giá trị rất cao".

 

"Vì vậy, nó chiếm khoảng 10 phần trăm sản lượng xuất cảng của chúng tôi, nhưng khoảng 30 đến 40 phần trăm giá trị, vì vậy việc tìm kiếm thị trường mới rất khó khăn”.

 

 

Phía Trung Quốc cho rằng, họ chỉ muốn ngưng việc nhập các rượu vang rẻ khỏi làm hại thị trường nội địa và cáo buộc Úc bán phá giá dưới mức thực tế.

 

 

Thế nhưng ông Chester Osborn, thuộc hãng rượu d’Arenberg ở Nam Úc nói rằng, các nhà sản xuất không phá giá rượu vang khi xuất cảng sang Trung Quốc.

 

 

Ông Chester Osborn nói “Đó là loại rượu vang đắt nhất tính theo lít và cũng là thị trường xuất cảng tốn kém nhất đối với rượu vang Úc tính theo lít, đến bất cứ nơi nào trên thế giới”.

 

Tiên khởi, Trung Quốc cho biết đó là các biện pháp tạm thời, thế nhưng sau đó chính phủ xác nhận hồi tháng 3 rằng, việc nầy sẽ giữ nguyên trong 5 năm.

 

 

Tổng Trưởng Thương mại Úc là ông Dan Tehan cho rằng, quyết định giải quyết tranh chấp qua WTO đã được chấp nhận, sau các cuộc tham vấn rộng rãi với những nhà sản xuất rượu vang Úc.

 

 

Ông Dan Tehan nói:  “Chúng tôi tin rằng hành động của chính phủ Trung Quốc, đã gây thiệt hại nặng nề cho kỹ nghệ rượu vang của Úc".

 

"Chính phủ Úc tiếp tục muốn có sự cam kết hết sức xây dựng, khi đối thoại với Trung Quốc".

 

"Chúng tôi rất muốn ngồi lại và có thể giải quyết các tranh chấp nầy".

 

"Thế nhưng trong khi chúng tôi ở trong vị thế không có thể làm như vậy, thì chúng tôi sẽ dùng mọi cơ chế để tìm cách giải quyết tranh chấp nầy cũng như các khó khăn khác, với chính phủ Trung Quốc”.

 

 

 

Ông Tehan thấu hiểu, tiến trình có thể mất từ 2 đến 4 năm để giải quyết.

 

 

Thế nhưng ông Chester Osborn nói rằng, nền kỹ nghệ nầy tin rằng vụ kiện của họ trước WTO, là giải pháp duy nhất mà họ có thể làm được.

 

 

Ông Chester Osborn nói:  “Chúng ta chẳng có thể đối thoại với Trung Quốc ở bất cứ đâu, vì vậy thực sự chúng ta có thể làm gì khác đây?".

 

"Tôi nghĩ, mặc dù Úc có thể đàm phán với Trung Quốc và giải quyết vấn đề nầy mà không cần phải qua WTO, thế nhưng tôi cho rằng chúng ta phải sử dụng bất cứ phương tiện nào trong khả năng của chúng ta”.

 

 

Được biết đây là tranh chấp thứ 9, mà Úc đã đưa ra trước WTO để giải quyết.

 

Úc đã khiếu nại trước WTO về việc Trung Quốc, ngăn chận việc xuất cảng lúa mạch.

 

Thế nhưng bông vải Úc, than đá và hải sản cũng bị ảnh hưởng, giữa lúc quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.

 

Hồi tuần qua, Thủ Tướng Scott Morrison nói rằng các nhà lãnh đạo G7 chia sẻ quan điểm là, thế giới nên tránh một cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh.

 

 

Thượng nghị sĩ Kristina Keneally, của đảng Lao Động nói rằng, Thủ Tướng Scott Morrison nên làm nhiều hơn nữa để hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc.

 

 

Bà Kristina Keneally nói: “Chúng ta cần giúp đỡ các nhà xuất cảng, những nông dân cùng các doanh nhân của chúng ta, trong việc đa dạng hoá các mối quan hệ về thương mại".

 

'Sự kiện là nước Úc ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong 8 năm trời của chính phủ Tự Do, chúng ta là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc hơn bất cứ nước nào trên thế giới".

 

"Việc này chỉ cho thấy sự thất bại khi bàn đến lãnh vực thương mại và cũng thất bại khi nói đến ngoại giao".

 

"Nói thật, hành động này đáng hoan nghênh khi khiếu nại với WTO, có lẽ khá chậm chạp để giúp các nhà xuất cảng rượu vang của chúng ta trong lúc này:.

 

 

Và trong khi tiến trình của WTO có thể phải mất vài năm mới có kết quả, thì kỹ nghệ rượu vang đã tự giải quyết vấn đề, khi tìm kiếm các thị trường khác như Nam Hàn và Anh quốc, do Trung Quốc đóng cửa đối với một số mặt hàng quan trọng của Úc.