Liên Minh Châu Âu (EU) đã chấp thuận vắc-xin của Pfizer-BioNTech và sẽ triển khai sau Giáng Sinh. Nguồn: Photonews

 

 

 

 

 

Hoa Kỳ và Anh quốc đã bắt đầu được tiêm chủng ngừa COVID-19, vậy khi nào mới đến lượt người dân Úc? Vắc-xin của Đại học Queensland đã bị dừng phát triển, vậy người dân sẽ còn những chọn lựa nào?

 

 

Tốc độ nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19 trên thế giới đã khiến con người phải kinh ngạc. Anh quốc và Hoa Kỳ đã phê chuẩn vắc-xin Pfizer/BioNTech – và giờ là vắc-xin Moderna ở Hoa Kỳ - những người dễ bị phơi nhiễm sẽ được ưu tiên chủng ngừa trước.

 

 

Trong khi đó nhiều người Úc có lẽ đang tự hỏi khi nào mới đến lượt mình.

 

 

Vì sao Úc vẫn chưa phê chuẩn vắc-xin?

 

Chi tiết về việc chủng ngừa vắc-xin cho người dân Úc sẽ được chính phủ công bố vào tháng 1/2021.

 

 

Nhưng theo giáo sư về Dịch tễ học, Adrian Esterman, từ Đại học Nam Úc thì ông cho rằng không có gì phải vội vã.

 

 

Ông nói điều quan trọng phải nhớ rằng vắc-xin Pfizer/BioNTech của Anh quốc và Hoa Kỳ mới chỉ nhận được “sự phê chuẩn khẩn cấp”, có nghĩa là các cuộc thử nghiệm giai đoạn ba vẫn chưa hoàn thành, nhưng vì nhu cầu tại hai quốc gia đó quá cấp bách nên không thể chờ thêm được.

 

 

“Việc sử dụng khẩn cấp như thế này là chuyện không bình thường, nhưng vì những quốc gia như Anh quốc hoặc Hoa Kỳ đang trong tình huống nan giải với COVID-19, nên họ không thể chờ lâu thêm nữa, điều đó cũng dễ hiểu,” giáo sư Esterman nói.

 

 

Khi nào nước Úc mới bắt đầu việc chủng ngừa?

 

“Cơ quan Quản lý Dược phẩm sẽ chờ cho đến khi có đầy đủ các kết quả thử nghiệm, xem xét các số liệu cẩn thận trước khi có thể tiến hành việc chủng ngừa,” giáo sư Esterman cho hay.

 

 

Ông dự kiến điều này sẽ xảy ra cho vắc-xin Pfizer/BioNTech vào khoảng tháng Ba năm 2021.

 

 

Những ai sẽ được chích ngừa đầu tiên?

 

Theo Quyền trưởng ban y tế NSW Paul Kelly thì bất kỳ loại vắc-xin nào được triển khai đều sẽ ưu tiên cho nhóm người cao niên và những có vấn đề về mặt sức khỏe.

 

 

Ngoài ra, nhóm người có nguy cơ phơi nhiễm với virus sẽ là đối tượng ưu tiên thứ hai, chẳng hạn những nhân viên y tế và chăm sóc người cao niên, nhân viên trong lĩnh vực thiết yếu và những người làm trong các dịch vụ khẩn cấp.

 

 

Nước Úc đang đầu tư vào những loại vắc-xin nào?

 

Loại vắc-xin mà nước Úc đang phát triển trước đó là vắc-xin của Đại học Queensland, nhưng đã bị rút khỏi cuộc đua chế tạo vắc-xin vào tháng trước sau khi tất cả những người tham gia thử nghiệm cho kết quả dương tính giả với HIV

 

 

Như vậy, chính phủ Úc đang có ba lựa chọn sau khi vắc-xin của Đại học Queensland bị loại bỏ. Và tất cả những lựa chọn này đều yêu cầu mỗi người phải tiêm 2 mũi và việc chủng ngừa phải được thực hiện cho toàn bộ 25 triệu người dân Úc.

 

 

AstraZeneca

 

 

Chính phủ đã có quyết định tháng trước khi tăng lượng đơn đặt hàng loại vắc-xin AstraZeneca của Đại học Oxford từ 33.8 triệu liều lên 53.8 triệu liều. Tuy loại vắc-xin này vẫn chưa được chứng minh thực tế nhưng các kết quả cho thấy tính hiệu quả lên đến 90%.

 

 

Công ty CSL của Úc đã cam kết sẽ sản xuất 50 triệu liều vắc-xin này tại Melbourne. Quy trình sản xuất đã bắt đầu tiến hành nhưng vẫn phải đợi công ty AstraZeneca được phê chuẩn về mặt luật pháp.

 

 

Novavax

 

 

 

 

 

Một lựa chọn khác là 51 triệu liều vắc-xin của công ty Novavax của Mỹ, hiện đang trong giai đoạn ba của cuộc thử nghiệm, do đó chắc chắn loại vắc-xin này sẽ chưa thể có mặt trên thị trường ít nhất là đến tháng Năm hoặc tháng Sáu năm sau, giáo sư Esterman cho hay.

 

 

 

 

Pfizer/BioNTech

 

 

Mười triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech – được đánh giá tỷ lệ hiệu nghiệm lên tới 95% - sẽ có mặt ở Úc. Công nghệ mà loại vắc-xin này sử dụng được gọi là mRNA, là công nghệ khá mới và chưa từng được dùng để phát triển vắc-xin trước đây.

 

 

Nhưng đối với loại vắc-xin này mỗi người phải được tiêm hai liều, nghĩa là sẽ chỉ có 5 triệu người Úc được chủng ngừa.

 

 

Vắc-xin Pfizer có khó bảo quản không?

 

Loại vắc-xin này phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, điều này khiến việc triển khai vắc-xin sẽ khá phức tạp, nhưng điều này hoàn toàn có thể thực hiện được ở Úc, giáo sư Esterman cho hay.

 

 

Loại vắc-xin này cũng không thể được sản xuất ở Úc vì công nghệ sử dụng rất mới.

 

 

Liệu việc chủng ngừa có hiệu quả không?

 

Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc Chris Moy cho rằng cần phải làm rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chương trình chủng ngừa.

 

 

“Chúng ta không chỉ cố gắng bảo vệ cá nhân mà còn cố gắng ngăn việc lây lan cộng đồng nữa. Nhìn chung luôn có ưu và khuyết điểm ở mỗi loại vắc-xin và còn nhiều điều chưa được xác định, chẳng hạn như hiệu quả vắc-xin kéo dài bao lâu, bao lâu phải đi chủng ngừa lại.”

 

 

Tiến trình triển khai chủng ngừa COVID-19 sẽ được công bố vào tháng Một năm 2021.