Hình ảnh một lọ vắc-xin Pfizer Covid-19. Nguồn: Sipa USA/AAP

 

 

Các nhà khoa học Úc đã phát triển một kỹ thuật có thể giúp chấm dứt nhu cầu bảo quản lạnh vắc-xin cho động vật và người, bao gồm vắc-xin COVID-19.

 

Một nhóm các nhà khoa học của CSIRO (Cơ Quan Nghiên Cứu Công Nghiệp và Khoa Học Liên Bang Úc) đã dành 3 năm để cố gắng tìm cách vận chuyển và bảo quản vắc-xin mà không cần giữ chúng ở nhiệt độ dưới 0°C.

 

Nhà khoa học và miễn dịch học, Tiến sĩ Daniel Layton, người đứng đầu dự án, nói với AAP rằng bước đột phá đến sau hàng chục nỗ lực để bảo quản vắc-xin.

 

Nghiên cứu này hiện đã được bình duyệt và công bố trên tạp chí khoa học Acta Biomaterialia.

 

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có tới một nửa số vắc-xin trên thế giới bị lãng phí mỗi năm vì bị hỏng, do nhạy cảm với nhiệt độ.

 

Một trong hai loại văc-xin trong thử nghiệm này vốn được sử dụng để điều trị bệnh Newcastle ở gia cầm – một căn bệnh nguy hiểm có thể giết chết hàng trăm ngàn con gia cầm cùng một lúc.

 

Mặc dù Úc không có các chủng virus nghiêm trọng trên, căn bệnh này vẫn rất phổ biến ở một số nước đang phát triển do không có cơ hội tiếp cận với vắc-xin.

 

Nhóm nghiên cứu đã có thể bảo quản thành công vắc-xin ở 37°C trong vài tuần, trong khi thông thường chúng chỉ tồn tại được vài ngày khi không giữ lạnh.

 

Tiến sĩ Layton nói “Nếu chúng tôi có thể cung cấp vắc-xin ở nhiệt độ phòng hoặc cao hơn, chúng tôi sẽ có thể bắt đầu tiêm vắc-xin cho gia cầm ở các quốc gia đang phát triển”.

 

Các nhà nghiên cứu đã bọc vắc-xin bằng một vật liệu tinh thể có thể hòa tan được gọi là MOFs (khung hữu cơ kim loại), bảo vệ vắc-xin khỏi tác động của nhiệt độ.

 

Nhà khoa học cao cấp của CSIRO, Tiến sĩ Cara Doherty cho biết MOFs là vật liệu hoàn hảo để bảo vệ vắc-xin khỏi các biến đổi của nhiệt độ.

 

Bà nói “MOFs hoạt động tương tự như một giàn che mà bạn có thể đặt xung quanh nhà của mình, một khi bạn dỡ bỏ giàn che, ngôi nhà của bạn vẫn còn – đó là điều xảy ra khi chúng tôi hòa tan MOFs trong vắc-xin.”

 

Tác giả của bài báo, Tiến sĩ Ruhani Singh, cho biết kỹ thuật này hiệu quả về chi phí và có thể mở rộng.

 

Bà nói “Cách tiếp cận đầu tiên trên thế giới để ổn định vắc-xin với MOFs rất đơn giản, nhanh chóng và có thể mở rộng vì chỉ cần một bước.”

 

Tiến sĩ Layton nói với AAP rằng tác động của nghiên cứu này là rất lớn, đặc biệt là với một số loại vắc-xin COVID-19, vốn phải được bảo quản ở nhiệt độ -70°C hoặc thấp hơn.

 

“Chúng tôi bắt đầu hướng sự chú ý đến việc: liệu chúng tôi có thể bọc vắc-xin mRNA bằng cùng một công nghệ hay không?”

 

Các nhà khoa học của CSIRO hiện đang tìm cách hợp tác với các công ty để biến bước đột phá này thành một giải pháp trong thế giới thực.

 

Họ hy vọng phương pháp này sẽ được áp dụng cho các loại vắc-xin dùng trong thú y và nông nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm, và trong vòng một thập niên đối với các loại vắc-xin dành cho người.