Cuộc biểu tình của nghiệp đoàn CFMEU tại thành phố Melbourne . Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Hàng nghìn thành viên nghiệp đoàn đã tập hợp trên khắp đất nước để bày tỏ sự tức giận của họ về quyết định của chính phủ Liên bang đưa Nghiệp đoàn Công nhân Xây dựng, Lâm nghiệp và Hàng hải vào tình trạng chịu sự quản lý. Quyết định này được đưa ra sau những cáo buộc tham nhũng trong ban lãnh đạo nghiệp đoàn.

 

Ở hầu hết mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ, những người thợ đã bỏ việc và xuống đường biểu tình.

 

Hàng ngàn thành viên của nghiệp đoàn Xây dựng, Lâm nghiệp và Hàng hải [CFMEU], được một số nghiệp đoàn khác ủng hộ, cùng đoàn kết phản đối động thái tiếp quản nghiệp đoàn của chính phủ liên bang.

 

Christy Cain, thư ký quốc gia của CFMEU, cho biết họ quyết tâm chứng kiến các yêu sách của mình được chính phủ chấp thuận.

"Chúng tôi sẽ ở lại. Chúng tôi ở đây để chiến đấu, ở đây để đấu tranh. Chúng tôi sẽ ở đây khi ông ta biến mất. Murray Watt, chúng tôi sẽ ở đây."

 

Vik Sharma từ nghiệp đoàn Đường sắt, Xe điện và Xe buýt đã phát biểu trước đám đông ở Melbourne.

"Chính phủ Liên bang với cuộc trấn áp này, họ nghĩ rằng họ lớn hơn tất cả mọi người, họ quên rằng Đảng Lao động được thành lập bởi những người lao động và vì những người lao động."

 

Có tới 8.000 thành viên nghiệp đoàn tụ tập bên ngoài Trades Hall của Melbourne khi cuộc biểu tình diễn ra tại quê nhà của nghiệp đoàn vào thứ Ba.

 

Giơ cao những tấm biển như "Đừng động vào CFMEU" trong khi mặc đồ phản quang và đồ bảo hộ lao động, những người biểu tình vẫy cờ nghiệp đoàn khi họ chặn một số khu vực của trung tâm thành phố.

 

Tại Canberra, thư ký quốc gia của CFMEU, Zach Smith đã nói với đám đông rằng nghiệp đoàn sẽ không đi đâu cả.

"Tất cả các thành viên trong cộng đồng và từ các nghiệp đoàn khác đã đến đây đoàn kết với CFMEU và các thành viên của chúng tôi ngày hôm nay. Sự đoàn kết đó rất quan trọng vào thời điểm này. Chính sự đoàn kết đó sẽ khiến nghiệp đoàn này luôn đứng vững. Chính quyền sẽ đến rồi đi, các chính trị gia sẽ đến rồi đi, nhưng nghiệp đoàn này sẽ tồn tại lâu dài sau khi họ không còn nữa."

 

Những người biểu tình có nguy cơ bị cơ quan giám sát ngành kỹ nghệ phạt nếu họ bỏ việc để tham gia các cuộc biểu tình, vì hành động của họ không được bảo vệ.

 

Các thành viên của Nghiệp đoàn Melbourne đã đưa cuộc đấu tranh của họ lên Ủy ban Công bằng Lao động.

 

Ralph Edwards là chủ tịch của chi nhánh CFMEU tại Victoria.

"Chúng tôi bị buộc tội biểu tình bất hợp pháp. Đạo luật Công bằng Lao động được chính phủ Lao động đưa ra và thời điểm duy nhất hợp pháp để biểu tình đòi hỏi quyền lợi lao động là khi bạn nhận được một tờ giấy từ ủy ban nói rằng đó là hành động được bảo vệ."

 

Ủy ban Công bằng Lao động khuyến khích bất kỳ chủ lao động nào liên hệ với họ nếu công nhân không đến làm việc hoặc bỏ việc, vì điều này có thể coi là phạm luật nơi làm việc.

 

Mặc dù đã từ chức Thư ký Tiểu bang Victoria, John Setka, một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất của nghiệp đoàn, rõ ràng vẫn nhận được sự ủng hộ của các thành viên nghiệp đoàn.

 

Nhiều người cũng bày tỏ sự ủng hộ của họ với cựu thư ký nghiệp đoàn New South Wales Darren Greenfield, người hiện phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.

 

Chính phủ Liên bang đã triệu tập các nhà quản lý, sau khi các cáo buộc tham nhũng và hành vi phạm tội được tiết lộ trong một cuộc điều tra của đài số 9.

 

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết họ muốn đảm bảo nghiệp đoàn hoạt động mà không đối xử bất công với công nhân của mình.

"Những gì chúng tôi muốn làm là đảm bảo nghiệp đoàn của họ không có tham nhũng. Điều đó vì lợi ích của tất cả các thành viên. Các thành viên nghiệp đoàn làm rất tốt, bảo vệ sức khỏe và an toàn nghề nghiệp, vận động cho mức lương và điều kiện tốt hơn cho các thành viên của họ. Những gì họ không nên tham gia là loại hoạt động mà John Setka và những người khác tham gia."

 

Ông cho biết chính phủ không có kế hoạch rút lại quyết định của họ, mà ông tin rằng cuối cùng sẽ có lợi cho toàn bộ ngành.

"Chính phủ không muốn thay đổi và công chúng Úc cũng vậy. Họ muốn thấy ngành này được trong sạch. Họ muốn thấy các nghiệp đoàn tốt và các doanh nghiệp tốt tiếp tục công việc hàng ngày. Vì vậy, các nhà quản lý đã có mặt trong một khoảng thời gian. Điều đó sẽ giúp ngành này trong sạch hơn."

 

Điều rõ ràng mà tất cả mọi người đều thấy cho đến hôm nay là nhiều thành viên của nghiệp đoàn không đồng ý với đánh giá của Thủ tướng, dẫn đến bế tắc không thể tránh khỏi.