Hình ảnh một vụ bắt giữ của cảnh sát ở Rosehill. Nguồn: AFP Media

 

 

AUSTRALIA - Cuộc điều tra của Lực lượng Đặc nhiệm Vanguard do AFP dẫn đầu về những kẻ lừa đảo bị cáo buộc mạo danh giới chức AFP và nhân viên của Services Australia để ăn cắp tiền từ các nạn nhân Úc đã bắt giữ và đưa hai người đàn ông Sydney ra trước Tòa án Địa phương Parramatta cuối tuần qua.

 

Lực lượng Đặc nhiệm Vanguard do Cảnh sát Liên bang Úc - AFP tiên phong đã bắt đầu điều tra một tổ chức lừa đảo được cho là mạo danh các giới chức chính phủ khi một nạn nhân liên lạc với AFP vào tháng Mười năm 2021 để xác minh mối liên hệ của họ với các giới chức tự nhận là người của Services Australia và AFP.

 

Từ đó cảnh sát phát hiện ra rằng các thành viên của một tổ chức lừa đảo được cho là đã liên hệ với nạn nhân, tự nhận là giới chức của Chính phủ Liên bang và lừa nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của họ.

 

Lực lượng Đặc nhiệm Vanguard do AFP dẫn đầu kết hợp các nguồn lực từ Lực lượng Biên phòng Úc - ABF, AUSTRAC và Bộ Nội vụ để chống lại hành động rửa tiền và tội phạm ma túy ở NSW.

 

Làm sao biết người xưng là Cảnh sát Liên bang hay nhân viên Services Australia là thật?

Thám tử của AFP, Quyền Chỉ huy Matthew Veraguth cho biết công chúng Úc có thể thực hiện các bước để tự bảo vệ mình trước những kẻ lừa đảo giả danh là giới chức chính phủ.

 

 

Cảnh sát Veraguth hướng dẫn “Nếu có ai đó tự xưng là nhân viên AFP liên hệ với quý vị, hãy hỏi tên và số huy hiệu của họ - họ phải cung cấp thông tin này cho quý vị. Hãy gác máy ngay lập tức và gọi cho Tổng đài AFP theo số (02) 5126 0000 để xác minh thông tin họ đã cung cấp cho quý vị.”

 

AFP, cùng với nhân viên của Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) đã thực hiện nhiều lệnh khám xét ở vùng Rosehill, phía tây Sydney vào ngày 1 tháng Tư 2022 và thu giữ điện thoại di động, cũng như các tài liệu được nghi là của các nạn nhân bị lừa đảo khác.

 

Hai người đàn ông Rosehill 27 tuổi và 26 tuổi đã bị bắt tại nhà của họ và mỗi người bị buộc tội phạm tội vì lợi ích của một tổ chức với hình phạt tối đa cho tội này là bảy năm tù.

 

Cụ thể hai người này bị buộc tội có liên quan đến tổ chức lừa đảo đã đánh cắp hơn $17,000 đô la vào tháng Mười năm 2021 từ nạn nhân, người đã liên lạc với AFP. Còn có lừa đảo thẻ tín dụng của nạn nhân và dùng nó ở các máy ATM. Và buộc tội giả mạo bản thân là công chức của Chính phủ Liên bang khi họ bắt đầu liên hệ với nạn nhân.

 

Nghi ngờ có những người giữ visa Úc tham gia lừa đảo

Ông Brett Totten, Giám đốc điều tra của Lực lượng Biên phòng Úc - ABF tại NSW, cho biết những người có đang sống ở Úc với một loại visa, khi phạm tội ở Úc có thể bị hủy bỏ visa, giam giữ và trục xuất khỏi nước Úc.

 

Ông Totten nói “Làm việc với các đối tác hành pháp của chúng tôi, các cuộc điều tra đang tiếp tục về tổ chức này. Những người đang ở Úc bằng một loại visa tham gia vào các nhóm tội phạm lừa đảo và rửa tiền thu được từ tội phạm có thể biết trước là ABF sẽ hủy bỏ visa của họ, giam giữ họ và loại họ khỏi nước Úc.”

“Bất kỳ ai ở ngoại quốc bị xác định là có liên quan đến các hoạt động như thế này nên biết bất kỳ đơn xin visa nào  của họ sẽ nộp trong tương lai để xin đến Úc sẽ có thể bị từ chối theo những cân nhắc nghiêm ngặt về nhân phẩm.”

 

Các cuộc điều tra về tổ chức gian lận này đang tiếp tục.

Cách thức hoạt động của trò lừa đảo bị cáo buộc

  • Những kẻ lừa đảo gọi điện thoại cho nạn nhân và cố tình lừa đảo rằng đến từ Services Australia và / hoặc AFP.
  • Nạn nhân được thông báo rằng họ đang bị điều tra về tội lừa đảo và họ có thể cung cấp thông tin cá nhân của mình hoặc có thể phải đối mặt với án tù vì tội này.
  • Nạn nhân được cho biết danh tính của họ đã bị đánh cắp và họ cần chuyển tiền của mình vào một tài khoản cụ thể để giữ an toàn.
  • Nạn nhân được yêu cầu bỏ tất cả các thẻ tín dụng của họ vào một phong bì và một quan chức sẽ đến nhà của họ để lấy phong bì và cung cấp cho họ số hồ sơ thuế mới và các giấy tờ tùy thân mới.
  • Nạn nhân được yêu cầu không hỏi bất kỳ câu hỏi nào của viên chức đến nhà của họ; chỉ cung cấp phong bì.
  • Những kẻ lừa đảo mạo danh các giới chức Chính phủ Liên bang đến nhà nạn nhân và lấy phong bì.
  • Giao tiếp trong tương lai thông qua ứng dụng nhắn tin để xác nhận việc chuyển tiền và lấy bản sao kỹ thuật số của ID từ nạn nhân, bao gồm bằng lái xe, thẻ thành viên hoặc thẻ sinh viên.
  • Những kẻ lừa đảo sử dụng tất cả những thông tin này để đánh cắp hàng chục ngàn đô la từ nạn nhân.

Thông cáo báo chí của AFP và Bộ Nội vụ nhắc nhở rằng:

  • Để biết thêm thông tin về các trò gian lận, cách báo cáo gian lận và các phương thức bảo vệ bản thân, hãy truy cập trang mạng Scamwatch của Chính phủ Liên bang.
  • Và nếu lo ngại rằng danh tính của mình đã bị tổn hại hay đánh cắp, hãy liên hệ với dịch vụ hỗ trợ không gian mạng và nhận dạng quốc gia IDCARE.