Bất chấp xung đột Nga-Ukraine, Australia một trong số ít quốc qua tăng trưởng vượt trội. (Nguồn: Marine Insight)

 

AUSTRALIA - Nền kinh tế Úc sẽ được hưởng lợi khi giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao, bao gồm khí đốt, quặng sắt, than đá và lúa mì.

 

Úc là một trong số ít quốc gia được IMF nâng mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

 

IMF dự báo, nền kinh tế Úc sẽ tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia phát triển khác, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 là 4,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đã công bố vào tháng Một.

 

Giám đốc IMF tại Úc, Harald Finger,  cho biết nền kinh tế nước này sẽ được hưởng lợi khi giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cao, bao gồm khí đốt, quặng sắt, than đá và lúa mì.

 

Chuyên gia Finger nhận định, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, được xác định là một nguồn gây rủi ro ngày càng tăng đối với tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Các lệnh phong tỏa và hạn chế được áp dụng liên tục tại nhiều thành phố lớn tại quốc gia châu Á để duy trì chiến lược “Không Covid” đã làm chậm lại hoạt động sản xuất và “có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

 

Tuy nhiên, Úc có lợi thế là nước xuất cảng hàng hóa, với mức đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

 

Nhận định về triển vọng lạm phát của Úc, IMF cho rằng, trong năm 2022, lạm phát sẽ ở mức trung bình 3,9%, do giá xăng dầu nội địa tăng cao, gây ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt, nhưng tỷ lệ thất nghiệp thấp (4%) và mức tăng lương dự kiến khoảng 2,9% sẽ hạn chế một phần tác động.

 

Ông Finger nói, Ngân hàng Trữ kim Úc Đại Lợi (RBA) đã có hành động đúng đắn, khi báo hiệu sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới, để hạ nhiệt lạm phát, tránh tạo ra môi trường áp lực giá cả lớn như ở Mỹ, New Zealand và Nam Hàn.

 

Người đứng đầu IMF tại Úc nhận định, áp lực lạm phát của “xứ Chuột túi” chỉ là tạm thời, cho tới khi giá dầu thế giới được điều chỉnh giảm và chính sách tiền tệ, cùng với các khoản chi ngân sách của chính phủ, được thắt chặt.

 

Theo ước tính của quỹ trên, lạm phát của Úc sẽ giảm xuống còn 2,7% vào năm 2023, nằm trong phạm vi mục tiêu 2-3% của Ngân Hàng Trữ Kim Úc Đại Lợi (RBA).

 

Mặc dù nguồn nhiên liệu hóa thạch vẫn đang mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn cho Úc, nhưng chuyên gia Finger kêu gọi nước này cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác chống biến đổi khí hậu, sớm thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh và đưa ra mục tiêu giảm phát thải trung hạn "đáng tin cậy" để đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

 

Hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đang theo đuổi mục tiêu giảm 26-28% lượng khí thải nội địa vào năm 2030, nhưng dự kiến có thể vượt qua mục tiêu đó và đạt được mức cắt giảm 35% so với mức của năm 2005.

 

Chuyên gia Finger nhắc lại lời kêu gọi của IMF về việc các quốc gia cần tập trung sâu hơn vào cải cách để nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới, tăng cường cạnh tranh trên thị trường sản phẩm và cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó “khai thác tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số”.