Eddie Mabo. Source: SBS

 

 

Ngày Mabo, ngày lễ chính thức của những người dân đảo Torres Strait được tổ chức nhằm tôn vinh Eddie Mabo, người đã có công trong cuộc chiến giành quyền sở hữu đất của người Thổ dân. Vậy ông là ai?

 

Vào ngày 29 tháng Sáu 1936, Eddie Koiki Mabo được sinh ra tại đảo Mer, hay còn được biết với tên gọi đảo Murray, thuộc quần đảo Torres Strait.

 

Sau khi chuyển đến sống ở Townsville vào năm 1959, ông kết hôn một người Úc gốc đảo nam Thái Bình Dương, tên là Bonita Neehow, và họ có với nhau 10 người con.

 

Vào thời điểm đó, trong lúc tham gia vào chiến dịch trưng cầu dân ý năm 1967, nhà sử học Henry Reynolds và vợ ông Margaret đã trở thành bạn của gia đình Mabo.

 

“Tôi cảm thấy nói chuyện với Eddie rất thú vị, vì những trải nghiệm của ông ấy khi lớn lên tại đảo Torres Strait rất khác với trải nghiệm của tôi, và cũng hoàn toàn khách với những trải nghiệm của người Thổ dân tại Úc. Lý do là vì người dân đảo Torres Strait, đặc biệt là những người sống ở phía đông, không mấy tiếp xúc với người Âu châu, nên văn hóa của họ khác nhiều với văn hóa Papua New Guinea.”

 

Giáo sư Reynolds nói việc người dân đảo Torres Strait không có mấy tiếp xúc với người Âu châu khiến đời sống văn hóa của họ hầu như không thay đổi từ sau thời kỳ thuộc địa, tức là họ tự vận hành hệ thống đất nước họ, trong đó bao gồm hệ thống chủ quyền đất.

 

“Người dân đảo Torres Strait không sở hữu đất tập thể, họ có gia đình riêng, có đất riêng, với phần ranh giới được phân định, và nếu có tranh chấp về quyền sở hữu, hay ranh giới, hay quyền thừa kế, thì họ có luật riêng để giải quyết.”

 

Giáo sư Reynolds kể, ông Mabo thường kể về mảnh đất của gia đình ông ở đảo Mer. Và khi đó ông nhận ra rằng Mabo không hề biết người dân đảo Mer đã không còn được quyền sở hữu mảnh đất của họ theo luật của người Anh.

 

“Cuối cùng tôi đã suy nghĩ, và nói chuyện với một đồng nghiệp tên là Noel Loos, và chúng tôi quyết định phải nói cho Eddie Mabo biết. Thế nên trong một buổi ăn trưa, tôi đã nói, ‘Eddie này, ông có biết rằng ông không còn sở hữu đất của ông nữa không? Tất cả đất ở đó đều là đất của nước Anh.’ Nghe xong ông ấy đã vô cùng kinh ngạc và bị sốc.”

 

Giáo sư Reynolds nói ông khuyến khích Mabo những ngày sau đó thử tìm kiếm hỗ trợ pháp lý, nhưng thời điểm quyết định phải đến năm 1981, khi Mabo gặp một số luật sư tại hội thảo về quyền đất đai tại Đại học James Cook, những người có kinh nghiệm về kiện tụng đất đai của người bản địa ở Canada và New Zealand.

 

“Eddie nhận ra đây là những người có thể giúp ông ấy, đặc biệt là luật sư Bryan Keon-Cohen, và họ nhận thấy đây là một vụ rất hay. Ý tôi là họ không thể có một vụ nào hay hơn để trình lên Tối cao Pháp viện, những vụ khác đã thất bại. Chỉ trong vài tuần sau buổi hội thảo đó, Eddie đã nói chuyện qua điện thoại với một trong những trạng sư hàng đầu ở Melbourne, Ron Castan, và vụ kiện bắt đầu từ đó.”

 

Vào ngày 20 tháng Năm năm 1982, Mabo cùng một số người bạn bắt đầu vụ kiện đòi quyền sở hữu đảo Mer.

Phải mất hai phiên điều trần trước khi Tòa án Tối cao Úc đưa ra phán quyết có lợi cho Mabo với 6 phiếu thuận 1 phiếu chống vào ngày 3 tháng Sáu năm 1992.

 

Nhưng đáng buồn là ông Mabo đã không bao giờ có cơ hội được nghe tin mừng đó. Ông đã qua đời vì căn bệnh ung thư 5 tháng trước khi có phán quyết của Tòa.

 

Giáo sư Reynolds nói Phán quyết Mabo có lẽ là phán quyết quan trọng nhất trong lịch sử Úc.

 

“Về căn bản, từ năm 1788 đến năm 1992, theo luật thì người Thổ dân không có quyền sở hữu đất đai của họ, do đó, họ không có quyền pháp lý đất đai. Và qua vụ kiện Mabo, đây không chỉ ra một phán quyết về hệ thống quyền sở hữu đất đai cho riêng đảo Murray, mà cho toàn bộ hệ thống thuộc địa của Úc.”

 

Phán quyết lịch sử này đã dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Thổ quyền liên bang năm 1993.

 

Jamie Lowe là một người Gundjitmara Djabwurrung và là CEO của Hội đồng Thổ quyền quốc gia, ông nói:

 

“Chúng tôi vẫn còn phải xử lý rất nhiều đơn đòi thổ quyền ở Úc, nhưng tôi đoán nếu không có phán quyết của 30 năm trước thì chúng tôi không thể đi xa như vậy.”

 

Ông nói quyền của người Thổ dân vẫn chưa được hoàn toàn công nhận ở Úc.

 

“Mất 30 năm, có thể nói chúng tôi đã đi được khoảng 60% chặng đường, đây không phải là chuyện có thể làm xong ngày một ngày hai, nhưng trong thập niên tới đây là chuyện phải được giải quyết để nước Úc có thể tiếp tục phát triển như là một quốc gia hợp nhất.”