Visa bạn đời, visa đầu tư, visa tay nghề, luật quốc tịch… tất cả đều có thay đổi trong tài khoá tới mà người dân cần biết.
Những thay đổi mới nhất này nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực trọng yếu và giúp thúc đấy kinh tế nước Úc trong bối cảnh nước Úc vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới quốc tế ít nhất đến giữa năm sau vì đại dịch COVID-19.
Chỉ tiêu nhập cư.
Giới hạn số di dân đến Úc vẫn duy trì ở mức 160,000 người trong năm 2021-22, trong đó bao gồm 79,600 chỗ của chương trình di dân tay nghề, do chính phủ muốn tập trung vào việc giải quyết các hồ sơ xin visa bạn đời còn tồn đọng.
Trả lời phỏng vấn SBS Radio, phát ngôn nhân Bộ Nội vụ đã cho biết “chương trình định cư tay nghề sẽ tiếp tục tập trung vào những loại visa giúp thúc đẩy nền kinh tế Úc sau đại dịch COVID-19, với ưu tiên sẽ dành cho những visa giúp tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm và tăng đầu tư vào Úc”.
Ưu tiên cho các visa trong Chương trình Đầu tư và Kinh doanh Sáng tạo.
Trong tài khoá 2020 – 21, số lượng visa dành cho Chương trình Kinh doanh, Sáng tạo và Đầu tư đã tăng gần gấp đôi lên 13,500 chỗ, trong khi đó loại visa Tài năng Toàn cầu (Global Talent) tăng gấp ba lên 15,000 chỗ.
Tuy nhiên những con số này có thể thay đổi trong tài khoá 2021 – 22.
“Số lượng những visa này có thể được điều chỉnh linh động vì hiện không có gì chắc chắn trong các điều kiện về kinh tế, y tế, và tình hình biên giới,” phát ngôn nhân Bộ Nội vụ nói.
Ngoài ra, kể từ ngày 1/7/2021, tổng số loại visa của chương trình này sẽ giảm xuống từ 9 chỉ còn 4 loại.
Sẽ có bài kiểm tra về tình hình doanh thu và tài sản của doanh nhân đối với loại visa Business Innovation, người giữ visa đầu tư được yêu cầu phải có vốn đầu tư $2.5 triệu, trước đây là $1.5 triệu.
Visa đoàn tụ gia đình.
Khi bàn đến các loại visa đoàn tụ gia đình, luật sư di trú Chris Johnston cho biết số lượng chỗ cho visa này vẫn là 77,300.
Chính phủ đã có ưu đãi cho phép đương đơn được nộp hồ sơ visa bạn đời trong lúc vẫn đang ở Úc vì những hạn chế đi lại do COVID-19. Điều này được cho là sẽ giúp giảm thời gian xét duyệt đối với các hồ sơ visa bạn đời.
Theo những thay đổi mới, quy trình mới nộp hồ sơ visa bạn đời sẽ được chia làm hai bước, bước một yêu cầu người bảo lãnh tại Úc phải nộp hồ sơ để được chấp thuận là người bảo lãnh, bước hai là khi người bạn đời nộp hồ sơ xin visa.
Thế nhưng theo lời một chuyên gia về di trú là cố vấn di trú Julie Williams thì bà lại quan ngại rằng những thay đổi này lại làm tăng thời gian xét duyệt hồ sơ.
Ở bước xét duyệt tư cách người bảo lãnh, “chúng ta không biết thời gian quy định cho việc xét duyệt là trong bao lâu”, cố vấn di trú Williams nói.
Một thay đổi đáng chú ý khác là người xin visa vợ chồng hay hôn phối có thể sẽ phải qua bài kiểm tra tiếng Anh để được xét duyệt. Bài kiểm tra Anh ngữ sẽ áp dụng cho cả hai: người bảo lãnh và người được bảo lãnh.
Thay đổi này được ban hành trong ngân sách 2020 – 21 và bắt đầu có hiệu lực trong năm nay.
Visa nông nghiệp dành cho các nước ASEAN.
Loại visa mới này sẽ có mặt vào cuối năm nay và sẽ áp dụng cho 10 nước ASEAN bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia, Brunei, Myanmar, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Thoả thuận này được đưa ra sau khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Úc và Anh cho phép du khách ba lô Anh quốc sẽ không cần phải làm việc trong một nông trại Úc trong 88 ngày để gia hạn visa lao động kết hợp kỳ nghỉ.
Tổng trưởng Thương mại David Littleproud nói rằng quyết định này sẽ khiến lực lượng lao động thời vụ bị thiếu hụt 10,000 người – con số này sẽ được thay thế bằng loại Visa Nông nghiệp nói trên.
Bổ sung Danh sách Tay nghề ưu tiên.
Tổng trưởng Di trú Alex Hawke cho biết 22 ngành nghề đã được bổ sung vào Danh sách Tay nghề Định cư Ưu tiên (Priority Migration Skilled Occupation List – PMSOL), nhằm thu hút những người lao động có tay nghề đến Úc để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế sau COVID-19.
Danh sách PMSOL đã được bổ sung bao gồm 41 ngành nghề, trong đó có cả những ngành nghề như kế toán, kỹ sư, kỹ sư phát triển phần mềm, đầu bếp.
Tăng lệ phí nộp đơn xin quốc tịch Úc.
Lệ phí đăng ký thi quốc tịch Úc sẽ tăng từ $285 lên $490 từ ngày 1/7, để bù đắp cho chi phí xử lý các bộ hồ sơ ngày càng phức tạp.
Những người nộp đơn xin nhập quốc tịch theo dòng dõi hoặc trong các tình huống khác cũng sẽ phải trả lệ phí nhiều hơn đáng kể, cũng như những người muốn từ bỏ, tiếp tục hoặc xin bằng chứng về quốc tịch Úc.
Tổng trưởng Di trú Alex Hawke khẳng định việc tăng lệ phí từ ngày 1/7 là do các bộ hồ sơ ngày càng phức tạp và mất nhiều thời gian để xử lý hơn.
Ông Hawke cho biết đây là thay đổi đầu tiên đối với lệ phí nộp đơn xin quốc tịch kể từ năm 2016.
Di dân phải đợi 4 năm mới được nhận tài trợ xã hội.
Bắt đầu từ 1/1/2022, chính sách “Thời gian Chờ đợi 4 năm đối với Di dân mới” sẽ áp dụng cho bất cứ ai được cấp thường trú từ ngày 1/1/2022, theo đó tất cả các loại visa đều phải chờ đợi 4 năm mới có thể được nhận các tài trợ như JobSeeker, Austudy hoặc tài trợ người trẻ thất nghiệp.
Trước đây, di dân mới tới phải chờ bao lâu và nhận được tài trợ nào sẽ tùy thuộc vào loại visa và hoàn cảnh của di dân đó. Chẳng hạn, thường trú nhân sẽ được nhận trợ cấp Family Tax Benefit B ngay lập tức nếu đủ điều kiện. Nhiều loại tài trợ trước đây có thời gian chờ chỉ 2 năm như trợ cấp người chăm sóc (carer), trợ cấp nghỉ sanh (parental leave) và trợ cấp Family Tax Benefit A.
Nay với biện pháp này, chính phủ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền là $671 triệu trong vòng 5 năm.