Tổng trưởng Di trú và Đa Văn Hóa, Tony Burke. Nguồn: AAP

 

 

AUSTRALIA - Chính phủ liên bang vừa bổ nhiệm đặc phái viên chống lại hiện tượng Thù Ghét Hồi Giáo, đây là chức vụ đầu tiên tại Úc và ông Aftab Malik sẽ bắt tay vào việc vào ngày 14 tháng 10. Với kinh nghiệm hoạt động là một chuyên viên của Liên Hiệp Quốc trong lãnh vực nầy, liệu vấn nạn nói trên sẽ được giải quyết ra sao?.

 

Úc luôn tự hào là một quốc gia đa văn hóa thành công nhất trên thế giới.

 

Các sắc tộc sống hòa hợp nhau và chủ trương của các chính phủ các cấp đều hỗ trợ cho chủ trương nầy của chính phủ thuộc mọi cấp, từ địa phương đến tiểu bang và liên bang.

 

Thế nhưng trong quá khứ vẫn có những sự kiện lẻ tẻ chống đối Do Thái giáo cũng như Hồi Giáo, qua những vụ phá hoại bên ngoài các thánh đường mà cảnh sát sau đó đã bắt được ngay thủ phạm, thường là những thiếu niên bị tẩy não theo một chủ thuyết cực đoan nào đó.

 

Vụ mới nhất diễn ra hồi tháng Tư năm nay, Cảnh sát Úc đã tuyên bố vụ đâm dao hôm thứ Hai tại một nhà thờ ở Sydney là một "hành động khủng bố" có động cơ tôn giáo.

 

Một thiếu niên 16 tuổi đã bị bắt sau khi một giám mục, một linh mục và những người đi lễ bị tấn công, trong thánh lễ tại Nhà thờ Assyrian 'Christ The Good Shepherd'.

 

Cảnh sát cho biết ít nhất bốn người bị thương "không nguy hiểm đến tính mạng" và kẻ tấn công cũng bị thương.

 

Vụ việc đã được ghi lại trên một buổi phát trực tiếp của nhà thờ và nhanh chóng gây ra tình trạng bất ổn ở vùng ngoại ô Wakeley, thuộc Sydney.

 

Cảnh sát Úc định nghĩa các tội danh khủng bố là có động cơ tư tưởng.

 

Các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, nhưng họ cho biết họ tin rằng đây là một trường hợp cực đoan tôn giáo.

 

Do đó việc bổ nhiệm chuyên viên được gọi là toàn cầu của Liên Hiệp Quốc -UN Global Expert, là ông Aftab Malik vào chức vụ mới được thành lập là Đặc Sứ chống lại việc Thù Ghét Hồi Giáo - Islamophibia, là một hành động của chính phủ liên bang nhằm đáp ứng quan ngại về sự gắn kết xã hội tại Úc, đặc biệt là từ cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông.

 

Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestin diễn ra hầu như vào mỗi cuối tuần tại các thành phố lớn ở Úc, cho thấy khuynh hướng hỗ trợ cho Palestin và dĩ nhiên ngược lại là lên án Israel xâm lược và tàn bạo.

 

Số thương vong không tránh khỏi trong cuộc xung đột kể từ ngày 7 tháng 10 năm rồi, khi Hamas đột kích sang lãnh thổ Israel giết chết 1200 người và bắt cóc khoảng 400 người.

 

Đổi lại Israel trả đũa với số người chết tại dải Gaza lên đến hơn 41 ngàn người và hàng chục ngàn người khác bị thương.

 

Trong khi đó một mặt trận khác diễn ra giữa Israel và Hezbollah ở phía nam của Lebanon, cũng tạo nên chú ý của các cộng đồng liên hệ tại Úc, khi số thương vong ngày càng gia tăng cũng như thường dân ở hai bên biên giới đã phải di dời sâu vào trong nội địa mỗi nước.

 

Được biết Hội đồng Các Giáo Sĩ Hồi Giáo – Imam Council – đã vận động chính phủ liên bang bổ nhiệm một vị Đặc sứ chống lại sự Thù Ghét Hồi Giáo từ lâu và đặc biệt là sau khi Chính phủ liên bang đã bổ nhiệm một vị Đặc Sứ Chống lại sự Thù Ghét Do Thái giáo.

 

Đó là bà Jilian Segal đã được bổ nhiệm trong vài tháng trước, nhằm hóa giải những căng thẳng trong cộng đồng về những hiểu lầm và giải độc các luận điệu quá khích bài Do Thái giáo và các tín đồ của đạo nầy.

 

Về phần ông Aftab Malik, nhiệm kỳ 3 năm của ông bắt đầu từ ngày 14 tháng 10 sắp tới.

 

Ông đã từng làm việc tại Văn phòng Thủ Hiến New South Wales trong gần 10 năm qua.

 

Ông hứa hẹn sẽ cộng tác với các lãnh đạo Hồi Giáo cũng như với người đồng nhiệm là bà Jilian Segal, trong nỗ lực nhằm mang lại các cộng đồng xích lại gần nhau hơn.

 

Trước đó ông Aftab Malik là một chuyên viên toàn cầu về vấn đề Hồi Giáo của Liên Hiệp Quốc và hoạt động trong lãnh vực nầy trong gần 10 năm.

 

Ông chào đời tại Anh Quốc có cha mẹ gốc Pakistan và di cư sang Úc vào năm 2012, khi ông được Hiệp hội Hồi Giáo Lebanon mời cộng tác với tư cách là một học giả phụ trách việc giảng dạy và hướng dẫn cho những người trẻ Hồi Giáo ở vùng ngoại ô miền Tây Sydney.

 

Công việc gần đây nhất của ông là làm việc trong văn phòng Thủ Hiến New South Wales, trong lãnh vực hoà hợp cộng đồng và chống lại chủ nghĩa bạo động cực đoan.

 

Trước đó bà Jilian Segal được bổ nhiệm là Đặc Sứ chống Do Thái – antiSemitism envoy- hồi đầu tháng 7 vừa qua, với Thủ Tướng hứa hẹn sẽ bổ nhiệm một vị Đặc Sứ tương tự Chống Kỳ thị Hồi Giáo trong nay mai .

 

Thế nhưng trong nhiều tháng qua, chức vụ nói trên vẫn bị bỏ trống và Hội đồng Giáo Sĩ Toàn quốc Úc Châu cảnh báo chính phủ về lời hứa nói trên là giả dối, nếu một vị Đặc Sứ không được bổ nhiệm với hạn chót là cuối tháng 9.

 

Hạn kỳ nói trên của Hội đồng Giáo Sĩ mới chạm đến và ông Aftab Malik đã được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 3 năm, nhưng chỉ bắt đầu vào ngày 14 tháng Mười.

 

Được biết Tổng Trưởng Di trú và Đa văn hóa là ông Tony Burke cho biết, việc bổ nhiệm ông Malik sẽ gia tăng các sáng kiến trị giá 90 triệu đô-la, vốn đã được chính phủ đầu tư nhằm đáp ứng các hậu quả hiện nay từ cuộc xung đột giữa Hamas-Israel có ảnh hưởng đến các cộng đồng Úc.

 

Trong một tuyên bố ông Burke cho biết, "Sự cố chấp luôn là sai trái. Bạn phải được sống an toàn và tự do ở Úc, bất kể bạn là ai hay bạn tin vào điều gì".

 

Còn ông Malik với tư cách là đặc phái viên, chính phủ cho biết ông Malik sẽ lắng nghe và tham gia với các thành viên của cộng đồng Hồi giáo, các chuyên gia phân biệt đối xử tôn giáo và trực tiếp với "mọi cấp" chính quyền, về cuộc chiến chống lại nạn kỳ thị Hồi giáo.

 

Trong một tuyên bố, ông Malik cho biết ông cũng mong muốn được tham gia với người đồng cấp của mình, bà Segal, "để đưa cộng đồng của chúng ta lại gần nhau hơn trên một nền tảng chung".

 

Ông Aftab Malik nói, "Chủ nghĩa bài Do Thái và kỳ thị Hồi giáo không loại trừ lẫn nhau: khi có một bên, rất có thể bạn sẽ thấy bên kia ẩn núp".

"Tôi không có ý định sử dụng vai trò này để ủng hộ quan điểm cho rằng, một hình thức thù hận quan trọng hơn hình thức khác, vì cả chủ nghĩa bài Do Thái và kỳ thị Hồi giáo đều không thể chấp nhận được".

"Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một phần để bảo đảm rằng, bạo lực và thù hận không có chỗ trong cộng đồng của chúng ta".

"Chúng ta có thể làm điều này bằng cách coi trọng và củng cố mối quan hệ giữa chúng ta, bằng cách lên án sự phân biệt đối xử và trở thành đồng minh của những người trải qua nó".

 

Đầu tháng này, các ứng cử viên cho biết họ đã được chính phủ tiếp cận liên quan đến vai trò nói trên đã cảnh báo rằng, vai trò này không thể được coi là "một số vai trò quan liêu của chính phủ".

 

Giám đốc điều hành của Cao đẳng Hồi giáo Brisbane, Ali Kadri, một trong những người được tiếp cận, cho biết, vai trò này sẽ không hiệu quả trừ khi đặc phái viên tham gia với cộng đồng Hồi giáo tại cơ sở của họ.

 

Chính phủ cho biết ông Malik được bổ nhiệm, sau khi tham vấn "rộng rãi" với cộng đồng.