(Ảnh: SBS)
Một doanh nghiệp do người Bản địa sở hữu tại Tây Úc đang vận dụng kiến thức truyền thống để khôi phục lại mặt hàng xuất cảng đầu tiên của nước Úc – hải sâm. Tidal Moon xuất cảng món đặc sản được ưa chuộng này sang khu vực Đông Nam Á, đồng thời tạo công ăn việc làm tại một khu vực có ít cơ hội việc làm.
Gathaagudu, hay còn gọi là Shark Bay, nằm ở điểm cực tây của nước Úc.
Đây là khu vực được xếp hạng Di sản Thế giới, nơi đất đỏ hoà vào làn nước ngọc lam giàu sinh vật biển.
Rùa biển, cá cúi, cá voi, cá heo – và rải rác dưới đáy biển là một món đặc sản từng gắn liền với hàng thế kỷ lịch sử giao thương đường biển.
Hải sâm chính là mặt hàng xuất cảng đầu tiên của nước Úc.
Từ đầu những năm 1700, các ngư dân Makassan từ đảo Sulawesi – nay thuộc Indonesia – đã theo gió mùa nam tiến tới vùng đất Arnhem Land để buôn bán với người Bản địa.
“Các ghi chép cho thấy họ từng đổi hải sâm lấy sắt để làm giáo. Tôi thấy thật đáng kinh ngạc khi đã có hoạt động giao thương từ trước thời thuộc địa, và điều đó còn được lưu lại thành văn bản. Vậy tại sao không thử tái hiện lại điều đó?”
Đó là Michael Wear – người thừa kế truyền thống của tộc Malgana.
Ông đang điều hành một doanh nghiệp do người Bản địa sở hữu, với mục tiêu khôi phục ngành nghề cổ xưa này.
Tidal Moon dựa vào tri thức truyền thống để khai thác hải sâm một cách bền vững.
Những con hải sâm được nhặt bằng tay, từng con một, sau đó sẽ được phơi khô và chế biến tại một cơ sở hoàn toàn mới ở thị trấn Denham, Tây Úc.
Từ đây, sản phẩm được chuyển đến đối tác tại Tân Gia Ba (Singapore) trước khi phân phối khắp Đông Nam Á.
Tidal Moon cũng đang hướng đến thị trường Tây phương, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tiềm năng lợi ích sức khỏe từ loại sinh vật biển này.
Doanh nghiệp kỳ vọng khi quy mô mở rộng, cơ hội việc làm trong khu vực cũng sẽ tăng lên.
“Việc người Bản địa hầu như vắng bóng trong ngành đánh bắt thương mại là điều thật đáng tiếc. Nếu có thể xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững, dựa trên định hướng văn hóa, thì chúng ta có thể tạo ra việc làm và một tầng lớp trung lưu tại các thị trấn ven biển nhỏ.”
Kể từ năm 2017, công ty đã đào tạo khoảng một tá thợ lặn người bản địa, trong đó có Alex Dodd, 28 tuổi, người thuộc tộc Malgana và Amangu, hiện là thợ lặn chính của công ty.
“Tidal Moon thực sự đang xây dựng nền tảng cho tầng lớp trung lưu, giúp mọi người có thể trở về quê hương, có việc làm, mua nhà và ổn định cuộc sống cùng gia đình nơi đây. Rất nhiều bạn trẻ lớn lên ở đây rồi phải rời đi làm việc ở các mỏ khai thác hoặc đến Perth vì không có nhiều cơ hội bền vững để làm việc tại đây.”
Bảo tồn cũng là trọng tâm trong hoạt động của doanh nghiệp.
Gathaagudu là nơi lưu giữ khu dự trữ cỏ biển lớn nhất thế giới – vừa là nguồn thức ăn cho sinh vật biển, vừa là “cỗ máy” lưu trữ carbon hiệu quả.
Tuy nhiên, hơn một phần tư diện tích cỏ biển đã bị thiêu rụi trong đợt sóng nhiệt biển năm 2011 và hiện đang trong quá trình phục hồi, đồng thời phải đối mặt với đợt sóng nhiệt mới. Tháng Hai vừa qua, nhiệt độ nước biển tại đây cao hơn bình thường đến 4 độ C.
Tidal Moon đang dẫn đầu một trong những dự án phục hồi cỏ biển lớn nhất thế giới. Trong quá trình tìm kiếm hải sâm dưới đáy biển, các thợ lặn còn đồng thời trồng lại các khu vực cỏ biển.
“Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là giữ lượng carbon được lưu trữ dưới đáy biển. Nếu không có việc phục hồi cỏ biển, sẽ có những “quả bom carbon” phát nổ, với khoảng 40 triệu tấn CO2 đang bị đe dọa tại Shark Bay.”
Đội ngũ cũng đã lưu trữ hơn 4.000 giờ tư liệu — một “thư viện sống” ghi nhận các quan sát về biển, trong đó phát hiện mối quan hệ cộng sinh giữa cỏ biển và hải sâm.
Jennifer Verduin, nhà khoa học biển tại Đại học Murdoch ở Perth, đồng tình rằng mối quan hệ này có thể “cùng có lợi,” gọi hải sâm là “những con giun của đại dương.”
"Chức năng của hải sâm là xới đất và phân phối lại dưỡng chất. Điều này rất tốt vì giúp dưỡng chất thấm vào lớp trầm tích, tạo điều kiện cho cỏ biển phát triển khỏe mạnh hơn. Ngược lại, cỏ biển cũng giúp bảo vệ hải sâm.”
Bà cho biết các thợ lặn của Tidal Moon tiếp cận việc bảo tồn biển một cách “cẩn trọng” và theo phương pháp “tuần hoàn.”
“Chúng ta, với tư cách là các nhà khoa học Tây phương, thường đã mất đi nghệ thuật quan sát. Đó là lý do tôi nghĩ Tidal Moon thực sự quan trọng trong việc khôi phục lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về một hệ sinh thái tuần hoàn.”