Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, Penny Wong, trong lần tham dự Cuộc Họp Bộ Trưởng Hoa Kỳ-Đông Nam Á (ASEAN-US Ministerial Meeting) tại một khách sạn ở thủ đô Phnom Penh, Cambodia, ngày 4 tháng Tám,  2022. Nguồn: EPA / AAP Image/KITH SEREY/EPA

 

Úc là một quốc gia đa dạng phong phú, quê hương của hơn 250 sắc dân, nói 350 ngôn ngữ khác nhau. Kể từ khi lên nắm quyền, Chính phủ Lao động mới đã háo hức thể hiện bộ mặt đa văn hóa của nước Úc trong việc tăng cường gắn kết với thế giới.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Úc gốc Malaysia Penny Wong, thường được ca ngợi như một ví dụ điển hình về sự thành công của xã hội đa văn hóa ở Úc. Và kể từ khi vào Nội các Chính phủ Lao Động, bà nói rõ rằng bà muốn tái định hình hình ảnh của Úc với thế giới trong ánh sáng đa văn hóa đó.

 

Trong một chuyến thăm chính thức đến đất nước nơi chôn nhau cắt rốn hồi tháng 6, bà Wong đã trình bày viễn kiến của mình trong một bài phát biểu tại Kuala Lumpur.

"Di sản Malaysia của tôi là một trong 270 sắc tộc hiện đại diện ở Úc. Một nửa dân số Úc sinh ra ở nước ngoài hoặc có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài. Úc sẽ phản ảnh tính cách phong phú này với thế giới, vì vậy thế giới có thể nhìn thấy họ tại Úc. Bởi vì chúng ta có cùng điểm chung. Đã đến lúc phải kể câu chuyện đầy đủ của Úc: sự đa dạng hiện đại của chúng ta và di sản phong phú của người Thổ dân thuộc Các quốc gia thứ nhất."

 

Chính những nhận xét này đã thúc đẩy một cuộc thảo luận tại Viện Lowy về vai trò của chủ nghĩa đa văn hóa trong chính sách đối ngoại của Úc.

 

Các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo đồng ý rằng Úc đã đi được một chặng đường dài kể từ khi Chính phủ Liên bang rời bỏ chính sách Úc da trắng phân biệt chủng tộc và lần đầu tiên áp dụng một nền tảng đa văn hóa chính thức vào những năm 1970.

 

Nhưng cựu nhà ngoại giao Úc Jason Chai, hiện làm việc cho công ty trợ giúp người khiếm thính Cochlear Châu Á - Thái Bình Dương, nói thái độ của xã hội đối với chủ nghĩa đa văn hóa phần lớn vẫn còn hời hợt.

"Tôi không nghĩ bất kỳ tổ chức nào của Úc thực sự coi trọng vấn đề đại diện. Nhưng tôi rất, rất lạc quan về vị trí của tương lai. Chúng ta vừa bầu chọn một thủ tướng lớn lên từ nhà chính phủ, với cái tên Ý, cha là người Ý và mẹ là người Úc. Chúng ta vừa thấy Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong về thăm quê hương của bà ở Kota Kinabalu ở Sabah. Thật tình cờ, đó cũng quê quán của cha đẻ của tôi. Và chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng rằng có một mối quan tâm thực sự trong việc tiếp cận."

 

Các thành viên trong cuộc hội thảo tại Viện Lowy đã hoan nghênh mức độ đa dạng chưa từng có trong Quốc hội khóa 47. Nhưng họ chỉ ra rằng lãnh đạo cấp cao trong nhiều cơ sở giáo dục của Úc phần lớn vẫn là người da trắng và nam giới - bao gồm cả tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán ASX và các trường đại học.

 

Giáo sư Fethi Mansouri là Giám đốc sáng lập của Viện Alfred Deakin về Quốc tịch và Toàn cầu hóa tại Đại học Deakin. Ông nói cho đến khi Úc thay đổi trong sân nhà, họ sẽ không thể thể hiện hình ảnh mà họ muốn ra với thế giới.

"Một xã hội đa văn hóa là một nhãn hiệu rất cụ thể. Chúng ta ở đây đa dạng, đa dạng về sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo, bất cứ điều gì. Nhưng một nhà nước đa văn hóa là một nhà nước hoạt động theo cách phản ảnh được những đặc tính của sự đa dạng.”

“Đó là sự hòa nhập, sự tôn trọng, công bằng, tôn trọng bình đẳng, có nghĩa là tôn trọng sự đa dạng theo cách cho phép mọi người có không gian hoạt động như mọi cá thể khác.”

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã đến đó, bởi vì nó là một dự án xã hội nghiêm túc. Đó không phải là một dự án của các nhà lãnh đạo chính trị, mặc dù vai trò lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, vâng, chúng ta đang đạt được tiến độ rất rất chậm về mặt nhân khẩu học của quốc hội. Nhưng con đường còn dài và gian nan. Và tôi muốn nói thêm rằng chúng ta cần sự lãnh đạo can đảm."

 

Tiến sĩ Melissa Phillips từ Đại học Western Sydney cho biết có thể làm nhiều hơn nữa để thu hút các cộng đồng đa văn hóa ở Úc trong việc phát triển chính sách đối ngoại. Cô cho biết nhiều thành viên của các cộng đồng di dân tị nạn vẫn tích cực tham gia vào chính trị và xã hội của đất nước họ. Giáo sư Philips đưa ra những ví dụ của người Miến Điện tham gia vào các hoạt động ở quê nhà, hoặc những người dân các đảo ở Thái Bình Dương gửi tiền về nước.

"Bây giờ thay vì một Penny Wong bay vòng quanh Nam Thái Bình Dương, cố gắng lấy thông tin và thông tin tình báo, thì đây, chúng ta đã có các cộng đồng di dân đang tích cực tham gia ở đó và họ là một nguồn thông tin đáng kinh ngạc, lời khuyên, sự vận động mà chúng ta có thể tham gia. Chuyện đó đang xảy ra. Chúng ta thường chậm nhận ra thực tế của các cộng đồng đa văn hóa của chúng ta. Và đây là một tài sản lớn của cộng đồng mà chúng ta tiếp tục bỏ qua. Và như tôi đã nói, chúng ta làm như vậy chỉ thiệt thòi cho chúng ta."

 

Còn ông Jason Chai tin rằng có hai lĩnh vực nếu được đầu tư và chú ý có thể giúp ích cho việc điều chỉnh về chính sách đối ngoại. Đầu tiên là bằng cách cải thiện sự tương tác với sinh viên quốc tế. Ông đã khen ngợi các chương trình trao đổi như Colombo, nhưng nói rằng có thể làm nhiều việc hơn tại Úc.

"Chúng ta có sinh viên quốc tế đến đây mỗi ngày những rất khó để họ tham gia. Tôi nghĩ chúng ta nên làm, chúng ta nên nỗ lực hơn nữa và giới thiệu sự đa dạng sao cho hấp dẫn và bao gồm cả họ. Và khi họ trở về nước, họ có thể trở thành những đại sứ tuyệt vời, những người ủng hộ tuyệt vời cho nước Úc, khi họ về nước."

 

Và thứ hai theo ông Jason Chai là thông qua việc bổ nhiệm các vị trí trong Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc.

"Đã có một sự thay đổi rõ rệt trong việc bổ nhiệm các đại sứ có trình độ kỹ năng và thông thạo ngôn ngữ. Cũng có những người có nguồn gốc văn hóa hiện đang được đại diện cho Úc ở nước ngoài. Nhưng nấc thang tiến thân ở đó rất, rất hẹp, nếu bạn thực sự nghiêm túc về một chính sách đối ngoại có sự tham gia và khả năng xử lý một số vấn đề rất lớn ở nước ngoài, thì bạn cần có nguồn nhân lực thích hợp để thực sự làm được điều đó và cho nhiều người hơn có cơ hội để thăng tiến."

 

Các tham luận viên cũng đã kêu gọi tài trợ tốt hơn cho các sáng kiến quản trị đa văn hóa, tránh lãng phí nguồn lực tại các sự kiện văn hóa và cộng đồng.

 

Chính sách đa văn hóa cũng cần được tuân thủ tốt hơn trong luật pháp Úc. Giáo sư Fethi Mansouri cho biết mặc dù đang vận động hành lang cho Đạo luật Đa văn hóa Liên bang, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

 

Còn ông Jason Chai thì lạc quan về hướng đi của nước Úc đối với chủ nghĩa đa văn hóa. Ông đã đưa ra ví dụ về một nhóm các nhà báo từ Nam Hàn đến thăm Cochlear ở New South Wales, nơi họ gặp Erin, một cô bé khiếm thính chín tuổi sinh ra với cha mẹ là người Nam Hàn đang học ở Nam Úc.

"Tôi nghĩ đó là một điểm thực sự mạnh mẽ đó là Úc khác biệt và bao dung, mang đến cho người này một cơ hội mới trong cuộc sống. Và khi các nhà báo này quay trở lại Hàn Quốc, họ đã viết những câu chuyện về Erin, một cách rất tinh tế, họ đã có thể truyền đạt những gì mà nước Úc thực sự đại diện. Đó là sự bình đẳng, rằng chúng tôi không bỏ rơi bất kỳ ai, rằng bất kể bạn đến từ đâu, bạn sẽ được chăm sóc."