Phó giáo sư Benjamin Tang, trưởng nhóm nghiên cứu. Nguồn JANIE BARRETT
Nếu thành công, phương pháp này sẽ giúp các bác sỹ sớm đưa ra các phương án điều trị phù hợp, làm giảm tình trạng ca bệnh nặng bị phát hiện muộn.
Nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Sydney, Viện nghiên cứu y khoa Westmead và Bệnh viện Nepean đang nghiên cứu phương pháp xét nghiệm máu để có thể sớm phát hiện các ca bệnh Covid-19 sẽ tiến triển nặng. Theo đó, các nhà khoa học tìm ra phương pháp xét nghiệm để có thể nhận biết dấu ấn sinh học gien IFI27, được sử dụng như là dấu hiệu cảnh báo sớm đối với những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cúm cao. Gien IFI27 được giải phóng vào máu bệnh nhân, huy động hệ thống miễn dịch của họ chống lại virus.
Phó Giáo sư Benjamin Tang, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết, “khi cơ thể bị virus tấn công, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt. Sau khi được kích hoạt, hệ thống miễn dịch bắt đầu báo cho tất cả các tế bào miễn dịch khác đến và chống lại virus. Trong quá trình đó, hệ thống miễn dịch đưa ra rất nhiều tín hiệu nguy hiểm”. Và “đây chính là điều mà các nhà nghiên cứu muốn tính toán trong xét nghiệm máu”. Phó giáo sư Tang khẳng định, nghiên cứu của nhóm ông có mục tiêu giúp các bác sỹ trong vòng 24h có thể sớm xác định các ca bệnh sẽ trở nặng hoặc việc hệ thống miễn dịch của người bệnh có thể chiến đấu với virus hay không.
Giáo sư Stuart Tangye thuộc Viện nghiên cứu Garvan cho biết, xét nghiệm máu mà nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư Tang đang phát triển có nhiều triển vọng bởi gien IFI27 đã được phép sử dụng trong chẩn đoán bệnh cúm. Và một nghiên cứu gần đây của Viện Doherty cho thấy, các tế bào miễn dịch của bệnh nhân Covid-19 nặng có biểu hiện giống như các bệnh nhân mắc cúm. Vì vậy, nghiên cứu này có thể có triển vọng. Tuy vậy, giáo sư Stuart Tangye khẳng định “nghiên cứu này vẫn cần được tiến hành trên một số lượng lớn bệnh nhân và được cấp phép để có thể sử dụng rộng rãi, đồng thời các số liệu cũng cần phải đạt kết quả như mong muốn”.
Hiện nay, các nhà khoa học mới tìm ra các phương pháp xét nghiệm để xác định người bị Covid-19. Tuy vậy, vẫn chưa có xét nghiệm nào có thể tiên lượng chiều hướng phát triển của bệnh. Vì vậy, nếu thành công, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học sẽ giúp các bác sỹ quyết định để bệnh nhân nào về nhà và tự chữa trị và bệnh nhân nào sẽ được nhập viện hoặc bệnh nhân nào sẽ được theo dõi trong phòng cấp cứu.
Cho đến lúc này, kết quả của nghiên cứu này vẫn chỉ là sơ bộ. Phó Giáo sư Tang hy vọng, nghiên cứu này sẽ được tiến hành trên quy mô lớn hơn để cho kết quả chính xác hơn. Đồng thời, nghiên cứu cũng cần được cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu và đạo đức phê duyệt trong lúc kết quả cần được nhân rộng và cần được đánh giá kỹ hơn nữa.