Ngày 25 tháng 5 năm 2023, Bavaria, Munich: Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI, và người phát minh ra phần mềm AI ChatGPT Sam Altman, nói chuyện với khán giả sau cuộc thảo luận nhóm tại Đại học Kỹ thuật Munich (TUM). Ảnh: Sven Hoppe/dpa Nguồn: DPA/Sven Hoppe/DPA

 

Các công ty ở Úc đang ngày càng cấm sử dụng các sản phẩm do A.I tạo ra (generative A.I) tại nơi làm việc. Một trong những phần mềm A.I được biết đến nhiều nhất là ChatGPT - đã trở nên phổ biến sau khi ra mắt vào cuối năm ngoái. Nhưng hiện có nhiều lo ngại rằng công nghệ này có thể làm tăng nguy cơ vi phạm dữ liệu.

 

Chat GPT đang là ứng dụng phát triển nhanh nhất trên thế giới và nó đang nhanh chóng chiếm lĩnh các văn phòng.

 

Ứng dụng này hoạt động dưới dạng một chatbot trí thông minh nhân tạo do công ty nghiên cứu Open AI phát triển, có khả năng sản xuất nội dung từ văn bản đến hình ảnh.

 

Evan Tait-Styles, giám đốc Công nghệ tại LegalVision Australia,  cho biết trải nghiệm của họ về ChatGPT hầu hết là tích cực.

“Giảm lượng công việc hành chính, phân tích dữ liệu, và tôi nghĩ chúng tôi đã loại bỏ gánh nặng hành chính trong doanh nghiệp của mình và cho phép nhóm của chúng tôi tương tác nhiều hơn với khách hàng.”

"Và chúng tôi đã nhận thấy một số lợi ích. Rõ ràng là vẫn còn những lo ngại về khía cạnh riêng tư và bảo mật. Nhưng đối với các công việc hành chính cấp thấp, chúng tôi đã nhận thấy sự cải thiện lớn về mặt hiệu quả."

 

ChatGPT được phát hành vào tháng 11 năm 2022, trong một phần của làn sóng được gọi là AI tạo sinh (generative AI).

 

Khác với các loại AI phổ biến khác, Generative AI có khả năng tạo ra nội dung hoàn toàn mới - từ văn bản, hình ảnh, thậm chí cả code phần mềm máy tính, thay vì chỉ đơn giản phân loại hay xác định dữ liệu.

 

Trưởng bộ phận nghiên cứu về công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), Y tế và Khoa học tại Đại học Deakin, Giáo sư Truyền Trần nói rằng, một trong những yếu tố khiến ChatGPT được sử dụng phổ biến là khả năng tương tác cao.

“Trước đến giờ thì chúng ta sử dụng AI, nhưng mà thường nó không tương tác, nó thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Chúng ta có khả năng kiểm soát nó. Tuy nhiên khi bạn đối diện với một loại máy móc mà nó có khả năng giao tiếp như con người đối diện mình thì mình có xu thế là nhân hóa công cụ đấy, nghĩ rằng đây là một nhân vật, một con người khác đối diện với mình chứ không phải là máy móc.”

 

Nhưng nó không phải là hoàn hảo: câu trả lời chatbot không phải lúc nào cũng chính xác, các nguồn của nó không được kiểm chứng thực tế, và nó dựa vào phản hồi của con người để cải thiện độ chính xác của nó.

 

Cũng có những lo ngại về quyền riêng tư.

 

Ông Tait-Styles cho biết việc áp dụng ChatGPT trong công ty của ông hiện vẫn chỉ tập trung vào những khía cạnh hành chính bậc thấp.

“Hiện tại, chúng tôi có chính sách không sử dụng bất kỳ dữ liệu khách hàng hoặc dữ liệu nhạy cảm về mặt thương mại nào trên các nền tảng này. Điều đó có thể sẽ thay đổi theo thời gian khi chúng tôi có quyền kiểm soát dữ liệu tốt hơn.”

"Nhưng hiện tại, chúng tôi thực sự chỉ tập trung vào khía cạnh hành chính của mọi thứ cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về nơi mà dữ liệu đang được sử dụng.”

 

Chính những lo ngại này đã khiến một số nơi làm việc yêu cầu nhân viên của họ không sử dụng ChatGPT.

 

Trong đó có công ty phát triển bất động sản Dexus, công ty này đã viện dẫn những lo ngại liên quan đến rủi ro an ninh mạng và quản lý dữ liệu.

 

Samsung cũng đã cấm hoàn toàn việc sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm tại tập đoàn của họ.

 

Tại các văn phòng, nhiều người sử dụng ChatGPT như một trợ lý để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khách hàng và tìm kiếm thông tin nhanh chóng.

 

Bất chấp các cải thiện đáng kể về năng suất, các chuyên gia cho rằng các công ty nên thận trọng.

 

Toby Walsh, là chuyên gia khoa học và là giáo sư về trí thông minh nhân tạo tại Đại học New South Wales, nói “Thật khó để biết thông tin nào sẽ được chia sẻ vì các công ty không cởi mở lắm về cách họ làm việc. Nhưng rõ ràng là thông tin có thể bị rò rỉ ra khỏi các tổ chức, thông qua các truy vấn mà bạn đã nhập, thông qua các tương tác với phần mềm trò chuyện.”

 

Sự phát triển của công nghệ đã diễn ra rất nhanh chóng.

 

Ông Walsh cho biết ChatGPT đã được sử dụng bởi hơn một triệu người chỉ sau 5 ngày phát hành, một trăm triệu người dùng vào cuối tháng đầu tiên, và hiện tại nó đã được dùng bởi hơn một tỷ người.

 

Ông nói rằng tốc độ tăng trưởng đó đồng nghĩa với việc mọi người có thể sớm chứng kiến vi phạm dữ liệu.

"Nếu bạn đang sử dụng ChatGPT, bạn cũng đang vô tình cung cấp thông tin cho open AI, công ty đứng sau ChatGPT. Họ đang sử dụng nó, một phần để cải thiện chất lượng câu trả lời mỗi khi bạn đặt câu hỏi. Thách thức căn bản đó là bạn đang chia sẻ thông tin với Open AI, và nếu họ cẩn thận thì thông tin đó sẽ không được chia sẻ với người khác. Rất khó để biết họ sẽ cẩn thận đến mức nào và rất dễ để phạm sai lầm. Tôi chắc rằng chúng ta sẽ nghe nhiều câu chuyện trong tương lai gần về dữ liệu vô tình bị rò rỉ do sử dụng các công cụ này."

 

Những viễn cảnh này đã có trong tâm trí của các nhà chức trách trên toàn thế giới.

 

Hội nghị thượng đỉnh G-7 đã đồng ý phát triển các tiêu chuẩn quốc tế để duy trì công nghệ đáng tin cậy và phù hợp với các giá trị dân chủ.

 

Và các quan chức chính phủ nhóm các quốc gia G7 tổ chức cuộc họp AI cấp độ làm việc đầu tiên vào ngày 30 tháng 5 để xem xét cách quản lý công nghệ này, với hy vọng nó có thể ngăn chặn các kết quả tiêu cực.