Thượng nghị sĩ đảng Tự do Jane Hume chỉ trích chính phủ về việc giam giữ người nhập cư Nguồn: AAP / LUKAS COCH

 

 

AUSTRALIA  - Việc giam giữ người nhập cư sẽ thống trị chính trường Úc trong tuần này, khi chính phủ chuẩn bị cho một vụ kiện khác tại Tòa án Tối cao có thể khiến hơn 100 người được thả. Một người đàn ông Iran, được gọi là ASF 17, sẽ đưa vụ án của mình tại Tối cao pháp viện vào tháng tới.

 

Vấn đề giam giữ người nhập cư đã gây khó khăn cho Chính phủ Liên bang trong bốn tháng qua.

 

Vào tháng 11 năm 2023, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết có lợi cho một tù nhân trong trum tâm giam giữ di trú được gọi là NZYQ, dẫn đến 151 người bị giam giữ được trả tự do.

 

Giờ đây, một trường hợp khác có thể giúp hơn 100 người được thả.

 

Thượng nghị sĩ đảng Tự do Jane Hume nói rằng đây đang trở thành chủ đề của chính phủ hiện tại.

“Một tuần quốc hội nữa, lại một tuần hỗn loạn và kém cỏi về việc giam giữ người nhập cư của Bộ trưởng Giles và Bộ trưởng O'Neill."

 

Chính phủ đang chuẩn bị cho trường hợp ASF-17.

 

ASF-17 là một người đàn ông Iran từ chối hợp tác với chính quyền, tuyên bố nếu bị trục xuất, ông ta phải đối mặt với sự đàn áp và có thể là án tử hình ở Iran.

 

Nghị sĩ Đảng Tự do, Dan Tehan, nói rằng Thủ tướng nên vào cuộc để giải quyết các vấn đề giam giữ người nhập cư này.

 

Nghị sĩ Đảng Tự do Dan Tehan nói “Bộ trưởng Giles đã vô vọng và bất lực trong việc giải quyết vấn đề này suốt hơn 12 tháng. Chúng tôi đã nói với Thủ tướng, đã đến lúc ông ấy phải can thiệp và làm điều gì đó, phải nhớ rằng đây là ưu tiên số một của chính phủ, giữ cho cộng đồng Úc được an toàn. Bộ trưởng Giles đã cho thấy ông ấy không đủ khả năng để làm điều đó. Thủ tướng bây giờ cần phải vào cuộc và hành động.”

 

 

Nhưng làm thế nào mà chính phủ lại rơi vào tình trạng này?

 

 

Mọi chuyện bắt đầu với vụ NZYQ năm ngoái.

 

Giáo sư Luật Hiến pháp của Đại học Monash Luke Beck cho biết vụ NZYQ về một người đàn ông đến từ Myanmar.

"Đó là về một cá nhân từ Myanmar đến ở Úc bất hợp pháp, anh ta không có quyền ở đây. Anh ta đến Úc vì sợ bị chính phủ Myanmar đàn áp. Lý do là anh ta không đủ điều kiện để được cấp thị thực, mặc dù thông thường anh ta sẽ đủ điều kiện cho visa tị nạn, là vì anh ta đã phạm một số tội rất nghiêm trọng khiến anh ta không đủ điều kiện."

 

Giáo sư Beck cho biết vì không đủ điều kiện xin thị thực nên thanh niên này cần bị trục xuất, nhưng điều đó là không thể.

"Chúng ta không thể gửi anh ta trở lại Myanmar vì đó là nơi anh ta sẽ bị bức hại. Chúng ta không thể trục xuất người này, vì vậy chính phủ có ý định nhốt anh ta vào trại giam nhập cư vô thời hạn, mãi mãi. Vụ đó cuối cùng được đưa lên Tòa án Tối cao, Tòa án Tối cao cho biết, bạn không thể giam giữ người này vì mục đích trục xuất.”

“Chúng ta nhốt anh ta lại vì tất cả đều thừa nhận rằng việc trục xuất người này là không hợp lý. Nhưng bạn không thể làm điều đó. Bạn chỉ có thể giam giữ những người với mục đích tạo điều kiện cho việc cấp visa."

 

Những người khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, dẫn đến 151 người được phóng thích.

 

Điều này làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của cộng đồng. Chính phủ tiếp tục bị chỉ trích về cách xử lý những người bị giam giữ. Những người không đủ điều kiện được cấp thị thực do từng bị kết án hình sự, lại tiến thoái lưỡng nan không thể bị trục xuất do lo ngại về an toàn ở quê nhà.

 

 

Trường hợp ASF-17 là gì?

 

Giáo sư Beck cho biết trường hợp ASF-17 hơi khác một chút.
 

"Điều khác biệt trong trường hợp này là không rõ liệu có thể trục xuất người này hay không, chính phủ nói rằng có thể trục xuất người này nếu anh ta hợp tác với chính quyền, nhưng anh ta lại chọn không hợp tác." 

 

Giáo sư Beck nói rằng vụ kiện sẽ giúp xác định ý nghĩa thực sự của việc "không có triển vọng trục xuất hợp lý".

"Các luật sư của người đàn ông này tranh luận rất có lý, nếu không có sự hợp tác của anh ta thì bạn không thể trục xuất anh ta. Việc giam giữ không nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc trục xuất anh ta. Mục đích của vụ án này là làm rõ các thông số của NZYQ. Điều này đi được bao xa?”

“Định nghĩa của việc 'không có triển vọng hợp lý nào trong việc trục xuất một người khỏi đất nước' là gì. Đây là một quyết định tiếp theo nhằm làm rõ phạm vi của quyết định NZYQ.”

 

 

Beck nói rằng những trường hợp này là do đấu đá quyền lực.

 

Giáo sư Beck cho rằng mức độ chú ý có thể không chính đáng.

"Mức độ chú ý chính trị mà vấn đề này nhận được có lẽ không tương xứng với số người bị ảnh hưởngy. Không có nhiều người rơi vào tình huống không thể trục xuất họ. Trong số này có rất ít người có khả năng không thể trục xuất, những người nguy hiểm có tiền án nghiêm trọng lại càng ít hơn. Nó chỉ hấp dẫn về mặt đấu đá chính trị thôi."

 

 

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Andrew Giles cho biết:

"Tòa án Tối cao, thông qua một loạt các quyết định quan trọng, đã vạch ra những ranh giới mới xung quanh quyền lực của cơ quan hành pháp và Nghị viện. Vẫn tiếp tục có sự không chắc chắn về chính xác những ranh giới đó cuối cùng sẽ được vạch ra ở đâu khi nói đến các khía cạnh quan trọng của luật di trú.”

“Trọng tâm của chúng tôi luôn là sự an toàn của cộng đồng. Chính phủ phải luôn hành động nhất quán với các quyết định của Tòa án Tối cao. Chính phủ sẵn sàng ứng phó với môi trường pháp lý đang thay đổi, đồng thời tiếp tục đảm bảo rằng có sẵn các lớp bảo vệ cộng đồng.”

“Chúng tôi không ngồi yên như chính phủ cũ đã làm, mà thuê các chuyên gia pháp lý và an ninh thông qua Ban Bảo vệ Cộng đồng để đảm bảo chúng tôi sẵn sàng và có khả năng ứng phó."