AUSTRALIA - Liên danh các nhà đầu tư, do công ty IFM Investors đứng đầu, đã đạt được thỏa thuận mua lại Phi Trường Sydney với giá 23,6 tỷ Úc kim (17 tỷ Mỹ kim).

 

 

 

Phi trường lớn nhất và phi trưòng duy nhất có tên trên sàn chứng khoán được mua lại giữa bối cảnh nước Úc mới lỏng hạn chế biên giới quốc tế.  © Reuters

 

 

 

 

Thông báo từ Phi Trường Sydney cho biết, Hội đồng quản trị công ty Southern Cross Airports Corporation Holdings Ltd – tổ chức quản lý của Phi Trường Sydney, đã đồng ý chào bán phi trường với giá 8,75 AUD/cổ phiếu (6,3 USD/cổ phiếu), ấn định theo mức giá của phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần trước. Sau khi đạt được thỏa thuận về mức giá, Southern Cross Airports Corporation Holdings Ltd và các đối tác sẽ bắt đầu triển khai các thủ tục mua bán và chuyển nhượng cổ phần.

 

 

Mặc dù, mức giá 8,75 AUD/cổ phiếu được xem là cao gần gấp đôi so với mức giá 4,75 AUD/cổ phiếu tại được giao dịch trên thị trường chứng khoán vào tháng 7/2021, thời điểm liên danh các nhà đầu tư chào mua Phi Trường Sydney. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây vẫn là con số khiêm tốn nếu so với mức giá 9,69 AUD/cổ phiếu, được thiết lập vào cuối năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

 

 

Nhiều chuyên gia nhận định các nhà đầu tư muốn tận dụng thời điểm hiện tại, khi giá trị vốn hóa phi trường lớn nhất Úc sụt giảm vì dịch COVID-19 và kỳ vọng giá sẽ tăng trở lại sau khi các nước dỡ bỏ giãn cách xã hội.

 

 

IFM Investors là công ty quản lý cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của một nhóm quỹ hưu trí phi lợi nhuận ở Úc. Hiện tại IFM đang nắm giữ cổ phần tại 9 phi trường khác của Úc, bao gồm Phi Trường Melbourne, Phi Trường Brisbane, Phi Trường Perth, và Phi Trường Adelaide. Tập đoàn cũng là nhà quản lý của hơn 133 tỷ USD tài sản hạ tầng trên toàn cầu.

 

 

Do cơ cấu sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng hàng không trọng yếu của Úc, nên việc IFM Investors thâu tóm Phi Trường Sydney đã vấp phải sự giám sát chặt chẽ từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Đại Lợi (ACCC). Kể từ tháng 10/2021, ACCC bắt đầu rà soát thương vụ nói trên và yêu cầu giải trình từ hai bên (mua-bán). Ngoài ra, theo quy định hiện hành, thương vụ cũng sẽ phải chờ sự đánh giá và chấp thuận của Liên minh châu Âu và Ủy ban Đánh giá Đầu tư nước ngoài của Úc thông qua.

 

Liên danh các nhà đầu tư mua Phi trường Sydney nhấn mạnh họ đầu tư với tư cách đại diện cho hơn 6 triệu thành viên thuộc quỹ hưu trí Úc và thương vụ mua bán trên sẽ đảm bảo quyền sở hữu đa số cổ phần tại phi trường lớn nhất Úc. Bên cạnh đó, họ cho rằng đây là một lợi ích lâu dài đối với tiểu bang New South Wales và ngành vận tải công cộng.

 

 

Phi Trường Sydney, cửa ngõ chính vào Úc, đã phải vất vả “chống chọi” với dịch bệnh COVID-19 trong hơn 18 tháng qua. Trước dịch COVID-19, khoảng 4 triệu khách đi qua Phi Trường Sydney mỗi tháng, nhưng đến thời điểm hiện nay con số này đã sụt giảm hơn 90% do hầu hết các chuyến bay đều bị tạm dừng và Chính phủ Úc đã ra lệnh đóng cửa biên giới quốc tế từ tháng 3/2020.

 

 

Các chuyên gia nhận định nhà đầu tư mua lại Phi Trường Sydney hoàn toàn có cơ hội thu hồi vốn sớm. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho gần 300 hãng hàng không trên toàn thế giới, lượng hành khách toàn cầu sẽ vượt qua mức trước dịch COVID-19 vào năm 2023.