Một người đang làm việc trên máy tính xách tay trong Diễn đàn An ninh mạng Quốc tế lần thứ 11 ở Lille, Pháp, vào ngày 22/1/2019. (Nguồn ảnh: Philippe Huguen / AFP / Getty Images)

 

 

Các cơ quan an ninh quốc gia Úc đã nhận được 59.806 báo cáo về tội phạm mạng trong khoảng 12 tháng, cứ 10 phút lại có một báo cáo, theo báo cáo của Trung tâm An ninh mạng Úc Đại Lợi.

 

 

Gia đình và doanh nghiệp Úc được khuyên tăng cường bảo vệ an ninh mạng khi một báo cáo mới đây cho thấy tấn công mạng đang gia tăng nhắm vào nước này, khiến họ tổn thất 29 tỷ đô-la mỗi năm.

 

 

Báo cáo từ Trung tâm An ninh mạng Úc Đại Lợi (ACSC) cho thấy các cơ quan an ninh quốc gia đã nhận được 59,806 báo cáo về tội phạm mạng trong khoảng 12 tháng, cứ 10 phút lại có một báo cáo.

 

 

ACSC cũng đã ứng phó với 2.266 sự cố lớn, gần 6 sự cố lớn mỗi ngày.

 

Trong khi đó, người dân Úc đã mất 634 triệu Úc kim chỉ riêng trong năm 2019, trong khi tội phạm mạng được ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước lên tới 29 tỷ Úc kim.

 

 

Vào tháng Sáu, Thủ tướng Scott Morrison đã cảnh báo rằng các tổ chức thuộc nhà nước và tư nhân của nước này đang bị tấn công từ một "tác nhân mạng tinh vi của nhà nước [nước ngoài]".

 

 

Ông Morrison không tiết lộ nước nào chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công mạng vào Úc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tội phạm tình nghi nhiều khả năng là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds cho biết, mối đe dọa an ninh mạng tiếp tục gia tăng trong vài tháng qua.

 

 

“Mối đe dọa đó không hề giảm đi kể từ đó. Trên thực tế, nó còn tăng lên”, Thượng nghị sĩ Reynolds nói với các phóng viên vào ngày 4/9.

 

 

Mức độ tinh vi và số lượng của các cuộc tấn công đã tăng lên. Trung tâm an ninh mạng đã nhận ​​số lượng cuộc gọi tăng 300% kể từ khi ông Morrison đưa ra cảnh báo công khai vào tháng Sáu. Việc nâng cao nhận thức của công chúng về mối đe dọa cũng có thể là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng đột biến của các cuộc gọi.

 

 

Các quốc gia thù địch Úc đang sử dụng tin tặc hoặc tội phạm mạng để truyền bá thông tin sai lệch và can thiệp vào nền kinh tế, chính trị và cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới năng lượng của Úc.

 

 

Bà Reynolds cho biết: “Loại hoạt động này thực sự thay đổi những gì chúng ta hiểu trước đây về hòa bình và chiến tranh. Bây giờ chúng tôi gọi nó là vùng xám".

 

 

Bà cũng cảnh báo về hoạt động vùng xám gia tăng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những tháng gần đây.

 

 

Ngày 4/9, giáo sư về an ninh mạng tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, ông Matt Warren cho biết, các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng từ các tổ chức nhà nước là “kiểu mới”.

 

 

Bà nói: “Những kẻ đe dọa với sự hậu thuẫn của nhà nước này có những động cơ khác nhau trong các cuộc tấn công mạng của chúng; đối với Trung Quốc, đó là việc giành được quyền sở hữu trí tuệ và tầm ảnh hưởng trên mạng; đối với Triều Tiên, đó là việc giành được tiền cho chính phủ.

 

 

Các tội phạm mạng tập trung nhắm vào thông tin tuyệt mật của chính phủ hoặc tập trung vào các cá nhân để thực hiện hành vi gian lận và trộm danh tính.

 

 

Bà Reynolds giải thích: “Một mặt, có những tội phạm mạng nhắm mục tiêu đến người Úc và các công ty Úc để thu lợi tài chính”.

 

 

Bà nói thêm “Mặt khác, có những tội phạm phức tạp và có nguồn lực hậu thuẫn rất tốt từ nhà nước đang tìm cách can thiệp vào quốc gia của chúng ta”.

 

 

Những hệ thống bị tội phạm mạng nhắm mục tiêu nhiều nhất là hệ thống của chính phủ liên bang với 436 vụ, hệ thống của chính quyền cấp tiểu bang là mục tiêu tiếp theo, với 367 vụ.

 

 

Lĩnh vực y tế đứng thứ 3 với 164 vụ. Ông Warren cho biết, điều này đặc biệt quan trọng. Ông nói: “Hãy tưởng tượng một bệnh viện ở Victoria đang điều trị bệnh nhân Covid-19 và sau đó trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công [mạng] bằng virus mã hoá”.

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Reynolds cho biết trách nhiệm về an ninh mạng cần được công chúng chia sẻ.

 

 

Bà nêu ra một loạt các biện pháp để cải thiện an ninh mạng, bao gồm thường xuyên thay đổi mật khẩu, cập nhật máy tính hoặc điện thoại, tránh thực hiện các giao dịch quan trọng trên Wifi công cộng và tránh mở các email lừa đảo.

 

 

Báo cáo cũng cho thấy công cụ được tin tặc sử dụng phổ biến nhất là “email độc hại”, công cụ này có thể nắm bắt thông tin đăng nhập của một người khi họ nhấp vào liên kết hoặc tệp đính kèm trong email, sau đó tội phạm sẽ sử dụng các thông tin đăng nhập đó để truy cập vào mạng của họ.

(Theo ntdvn.com)