Benito Chan nói “Thành thật mà nói, lúc đầu tôi không hình dung được những việc mình sẽ phải làm. Tôi chỉ nghĩ mình rất vui vì được chăm sóc mẹ, nhưng khi làm công việc này mỗi ngày, tôi mới nhận ra nó không hề dễ dàng”. Nguồn: SBS

 

 

 

 

Một phúc trình mới đã phát hiện ra rằng có rất nhiều người bị sa sút trí tuệ vì cô đơn, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn do đại dịch. Một cuộc khảo sát của Dementia Australia nhận thấy 2/3 số người sống chung với tình trạng này có thể bị phân biệt đối xử.

 

 

Sau khi mẹ của mình bị chẩn đoán mất trí nhớ và sa sút trí tuệ, anh Benito Chan đã chăm sóc bà và cho biết có rất nhiều khó khăn.

 

 

Anh đã chăm sóc mẹ trong tám năm.

 

 

Khi mới bắt đầu, anh đã rất bất ngờ vì việc chăm sóc rất bận rộn.

 

Anh nói “Thành thật mà nói, lúc đầu tôi không hình dung được những việc mình sẽ phải làm. Tôi chỉ nghĩ mình rất vui vì được chăm sóc mẹ, nhưng khi làm công việc này mỗi ngày, tôi mới nhận ra nó không hề dễ dàng”.

 

 

Anh Chan là người duy nhất trong gia đình tình nguyện làm người chăm sóc mẹ.

 

Một cuộc khảo sát của Dementia Australia - Hiệp hội Sa sút trí tuệ Úc đã cho thấy hơn 90% người bị sa sút trí tuệ cho biết những người thân khác không giữ liên lạc với họ như trước đây.

 

 

87% những người bị sa sút trí tuệ cảm thấy mình phải phụ thuộc vào người thân và bị đối xử như những người không sáng suốt.

 

 

“Đó là tác động kép lên những người mắc bệnh, họ bị phân biệt đối xử không chỉ vì tình trạng bệnh tật mà còn vì họ là người châu Á.

 

“Đó là lý do tôi muốn trong cuộc vận động này, mọi người sẽ nhận thức được tình trạng trên. Bởi tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đang phớt lờ những người đang mắc bệnh này, đây là nguyên nhân tại sao chúng ta lại hành động như vậy”.

 

 

Maree McCabe là Giám đốc điều hành của Dementia Australia.

 

“Những gì đang xảy ra trong trường hợp này là ngoài ý muốn, mọi người không nhận biết được chứng sa sút trí tuệ là một dạng khuyết tật vô hình.”

 

“Khi chúng ta không hiểu, cũng không nhìn thấy được những triệu chứng bên ngoài, chúng ta sẽ tránh né nó.”

 

“Đó là kinh nghiệm của chúng tôi khi tiếp xúc với những người mắc bệnh này. Họ bị cô lập với xã hội này và điều này tác động nhiều đến sức khoẻ tinh thần của người bệnh”.

 

 

Viện Y tế và Phúc lợi Úc đã phát hiện sa sút trí tuệ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở Úc.

 

 

Ước tính có tới 472,000 người Úc đang sống chung với chứng bệnh này tính đến năm 2021, nhưng con số đó được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2058.

 

 

Và tỷ lệ này ở người Úc thổ dân ước tính cao gấp 3–5 lần so với người Úc nói chung.

 

 

Mẹ của Benito Chan qua đời vào năm 2018.

 

 

Anh nói rằng chăm sóc bà là một trong những việc quan trọng nhất mà anh từng làm.

 

“Tôi sẽ không đánh đổi việc này để lấy bất cứ thứ gì, đó là điều tuyệt nhất tôi có thể làm. Tôi rất biết ơn vì cơ hội được chăm sóc mẹ. Đó là một đặc ân khi được chăm sóc cho ai đó, trở thành cánh tay, đôi mắt và đôi tai của họ.”

 

 

Chính quyền Morrison vừa cam kết chi 13 triệu đô-la để đảm bảo dữ liệu về chứng sa sút trí tuệ luôn được cập nhật, nhằm cải thiện chính sách y tế cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ và người chăm sóc của họ.

 

 

Fleur deCrespigny, người đứng đầu bộ phận mất trí nhớ tại Viện Y tế và Phúc lợi Úc, cho biết bản báo cáo nhấn mạnh những áp lực mà người chăm sóc đang phải chịu đựng.

 

“Chúng tôi ước tính rằng có khoảng 337.000 người chăm sóc những người bị sa sút trí tuệ ở Úc và những người này không được hưởng số tiền lương tương xứng với công việc của họ. Trên thực tế, một nửa trong số họ phải làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần. 40% người làm công việc chăm sóc nói rằng họ cần được hỗ trợ nhiều hơn.”

 

 

Đó là điều mà Benito Chan ủng hộ mạnh mẽ.

 

“Chính những người chăm sóc như tôi cũng phải chịu gánh nặng của sự phân biệt đối xử. Tôi muốn giúp mọi người nhận ra rằng việc này không sao cả, nó không phải là một căn bệnh truyền nhiễm, không có lỗi trong việc bạn thừa nhận chính mình mắc bệnh”.