Sơ cứu có thể giúp người bị nạn cảm giác được đỡ hơn, chịu đựng được cơ nguy và có thể giữ được mạng sống. (Ảnh: SBS).

 

AUSTRALIA - Số liệu thống kê cho thấy số người được đào tạo sơ cứu ở Úc thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ thương tích cần phản ứng khẩn cấp. Vậy, cách tốt nhất để chúng ta nhận được đào tạo là gì?

 

Năm 2017, Hội Chữ thập đỏ nhận thấy Úc có tỷ lệ đào tạo sơ cứu thấp nhất trên thế giới, bất chấp gần nửa triệu người bị thương phải nhập viện hàng năm. Trong số đó gần 60,000 trường hợp là trẻ em.

 

Ước tính của Royal Life Saving Society cho thấy trung bình mỗi ngày có 20 người Úc chết vì đau tim. Số liệu cũng cho thấy 60 phần trăm các thương tích cần điều trị sơ cứu, xảy ra tại nhà.

 

Trong khi đó, ít hơn một trong ba nhân viên cảm thấy tự tin để thực hiện sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp tại nơi làm việc.

 

Buck Reed đã là một nhân viên y tế trong hơn 20 năm. Ông cũng là giảng viên ngành Cấp cứu tại Đại học Western Sydney.

 

Ông nói mặc dù hầu hết mọi người không thực hiện khóa đào tạo sơ cứu trừ khi được yêu cầu cho công việc, nhưng tham gia học về sơ cứu có nhiều lợi ích.

“Huấn luyện sơ cấp cứu làm được hai việc, nó vừa mang lại cho mọi người kỹ năng, để tự xử lý các tình huống và cải thiện kết quả y tế nếu họ bị thương hay không khỏe. Nó đồng thời cũng mang lại cho mọi người sự tự tin.”

"Đó là một cách tốt để mọi người tìm hiểu về cách phản ứng trong các tình huống, không chỉ về cách sơ cứu, mà còn về cách chuẩn bị tinh thần cho bản thân.”

 

Các khóa huấn luyện sơ cứu dạy cho mọi người kiến thức căn bản về cách phản ứng với các tình huống khẩn cấp khác nhau và điều trị các vết thương khác nhau.

 

Ông Reed cho biết mục đích là giúp những người bị ảnh hưởng có cơ hội khôi phục hoặc sống sót cao hơn, trước khi họ có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên nghiệp.

“Huấn luyện sơ cứu tập trung vào thời điểm trước khi trợ giúp đến nơi. Thí dụ như khi mọi người gọi ba số không, người nhận cuộc gọi sẽ hướng dẫn họ qua điện thoại để hỗ trợ. Rõ ràng, khi bạn gọi ba số không do chuyện gì đó đã xảy ra, đó có lẽ không phải là thời điểm tối ưu để tiếp nhận nhiều thông tin mới. Mọi người càng chuẩn bị trước thì điều đó càng hiệu quả. Chắc chắn, nếu ai đó bị bệnh hoặc bị thương nặng hơn, chúng tôi muốn mọi người làm mọi việc ngay từ giây phút trường hợp khẩn cấp xẩy ra, trước khi nhân viên y tế có mặt.”

 

Các khóa đào tạo sơ cứu dạy mọi người cách thực hiện hồi sức tim phổi, gọi tắt là CPR, và cách sử dụng máy khử rung tim.

 

Đây là hai biện pháp can thiệp quan trọng nhất, có khả năng cứu mạng người, mà ai đó có thể thực hiện để giúp đỡ người bị nhồi máu cơ tim.

 

Ông Reed nói rằng việc đào tạo CPR nên tuân theo các quy trình của Hội đồng Hồi sức Úc (ARC).

 

ARC là cơ quan cao nhất quy định các thực hành sơ cứu tốt nhất. Nó bao gồm khoảng 20 tổ chức thành viên, bao gồm các tổ chức như Đại học Y khoa Cấp cứu, Hội đồng Cơ quan Cấp cứu và Cơ quan Cứu hộ Hoàng gia.

“Các hướng dẫn của ARC cung cấp bằng chứng tốt nhất hiện có, cho các biện pháp can thiệp sơ cứu khác nhau. Và vai trò của ARC là tạo ra việc tiêu chuẩn hóa, để các tổ chức dạy sơ cứu có thể dễ dàng tham khảo các cách thức tốt. Vì vậy, các khóa học cần phải phù hợp với các khuyến nghị của ARC.”

 

Dr Finlay MacNeil là bác sĩ phẫu thuật và là người đứng đầu Tiểu ban Sơ cứu cho cả Hội đồng Hồi sức Úc và New Zealand.

 

Ông nói rằng có rất nhiều tổ chức cung cấp đào tạo sơ cứu.

 

“Về mặt số lượng, St John là nơi đào tạo sơ cứu lớn nhất ở Úc và ở New Zealand, nhưng có nhiều cơ sở đào tạo sơ cứu khác. Hội Chữ thập đỏ là một ví dụ rất hay, hay Surf Life Saving, Royal Life Saving, đều dạy cách sơ cứu.”

"Và ở một số tiểu bang và vùng lãnh thổ, các cơ quan cứu thương cũng đã dạy sơ cứu trong quá khứ, và một số ngày nay vẫn còn làm việc đó.”

 

Ngoài ra còn có nhiều nhà cung cấp tư nhân được đăng ký để cung cấp đào tạo. Tiến sĩ MacNeil cho biết thêm.

“Bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ tư nhân nào, bất kỳ tổ chức giảng dạy sơ cứu nào có trạng thái RTO - trạng thái tổ chức đào tạo đã đăng ký - đều là lựa chọn hợp lệ để đến và học sơ cứu. Bạn nên đến một trong những tổ chức được công nhận; đó là RTO.”

 

Trong khi hầu hết các khóa học sơ cứu được giảng dạy trực tiếp, một số bao gồm các chương trình trực tuyến.

 

Deb Lowe làm việc với tư cách là Trưởng bộ phận sơ cứu khu vực cho Hội Chữ thập đỏ ở Brisbane.

 

Bà nói rằng các tùy chọn khóa học hỗn hợp giúp đáp ứng các nhu cầu học tập khác nhau.

“Tôi nghĩ một trong những lợi ích khi có một thành phần kết hợp học trực tuyến là nó cho phép bạn làm điều này vào thời gian và nhịp độ của riêng bạn, điều này rất quan trọng đối với những nhóm người học khác nhau, những người có thể cần thêm một chút thời gian để tiếp thu kiến thức. Và chúng tôi, với thành phần học tập trực tuyến, cũng có chức năng phụ đề chi tiết. Vì vậy, điều đó có thể cho phép thành phần trực tuyến được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau.”

 

Bà Lowe cho biết thêm, cha mẹ và người chăm sóc có thể lựa chọn thực hiện khóa đào tạo sơ cứu chuyên biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

“Nó đề cập sự khác biệt giữa sơ cứu cho người lớn so với trẻ em hoặc trẻ sơ sinh, hô hấp nhân tạo. Chúng tôi xem xét sự an toàn trong nhà và cách giảm thiểu rủi ro trong nhà, các tình huống y tế như nghẹt thở, hen suyễn, dị ứng, chảy máu. Toàn bộ ý tưởng đằng sau khóa học này là cung cấp cho chúng ta những công cụ đó để cảm thấy an toàn và tự tin vào các quyết định mà chúng ta đưa ra, và để biết rằng có những nguồn hỗ trợ khác nếu họ cần, chẳng hạn như Y tá trực ca.”

 

Ở Úc, các chứng chỉ sơ cứu nên được gia hạn ba năm một lần và việc đào tạo bồi dưỡng về CPR được khuyến nghị hàng năm.

 

Dr McNeil giải thích.

 

“Việc đào tạo thực sự quan trọng đối với CPR. Nó thực sự hữu ích nếu chúng ta được đào tạo về điều này."

“Và thật không may, hiện tại, có lẽ chỉ có 5% người Úc có chứng chỉ sơ cứu hiện hành. Và khả năng thực hiện hô hấp nhân tạo có thể mất dần theo thời gian, kể từ lần cuối bạn sử dụng nó.”

 

Các khóa học sơ cứu khác nhau về thời lượng. Một số được thực hiện trong vài giờ đến vài ngày. Một số được công nhận trên toàn quốc, một số khác thì không.

 

Một số phù hợp với môi trường văn phòng, một số khác phục vụ cho nơi làm việc ngoài trời.

 

Ngoài các khóa học được công nhận, nhiều tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức cộng đồng và dịch vụ xe cứu thương cũng cung cấp khóa đào tạo sơ cứu miễn phí.

 

Ông Reed khuyên mọi người nên xem xét các tùy chọn khác nhau có sẵn.

“Có nhiều nhà cung cấp mà mọi người có thể xem xét. Và mọi người nên xem các đánh giá về nhà cung cấp, hoặc cấu trúc của khóa học, những thứ kiểu như vậy. Và hầu hết các nhà cung cấp lớn, nhìn chung đều có chất lượng rất tốt. Nhưng cũng có nhiều nhà cung cấp ở cộng đồng địa phương, đó cũng là một lựa chọn rất tốt. Điều quan trọng là mọi người phải chọn một khóa học phù hợp với nhu cầu của họ. Thí dụ nếu họ có con nhỏ, thì việc tham gia một khóa học dành cho sơ cứu trẻ em, sẽ cung cấp cho họ những thông tin mà họ sẽ thấy hữu ích.”