Tiến sĩ Abdul Aziz Hayat Muhammad và tiến sĩ Sohel Azad – Khoa Tài Chánh của Trường Đại Học Kinh Doanh Deakin (Deakin Business School). Nguồn: SBS

 

AUSTRALIA - Các chuyên gia tài chánh Hồi giáo cho biết, chính phủ liên bang nên thực hiện các bước để tạo điều kiện cho đầu tư từ Trung Đông, nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo đầy tham vọng. Các quốc gia Tây phương đang hưởng lợi từ thị trường trái phiếu Hồi giáo tuân thủ luật Sharia và các chuyên gia đang khuyến khích nước Úc tham gia.

 

Một chuyên gia tài chính Hồi giáo cho biết, đây là một thị trường đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ Mỹ Kim và cho đến nay vẫn chưa được khai thác ở Úc.

 

Được biết Sukuk là một thị trường trái phiếu Hồi giáo tuân thủ luậtsharia, được giới thiệu ở Trung Đông trong thập niên qua đã nhanh chóng mở rộng sang Âu châu và Mỹ châu.

 

Thế nhưng cho đến nay, Chuyên gia Tài chính Hồi giáo của Đại học Deakin, Tiến sĩ Sohel Azad nói rằng, nước Úc vẫn chưa tận dụng được lợi thế này.

 

Tiến sĩ Sohel Azad nói “Luxembourg đã liệt kê Sukuk và họ đã huy động được hơn 10 tỷ đô la thông qua Sukuk và tôi nghĩ Úc có thể tận dụng cơ hội như vậy”.

 

Được biết Sukuk liên quan đến quyền sở hữu tài sản với các luồng thanh toán liên quan đến việc đánh giá tài sản, không giống như các trái phiếu thông thường vốn thúc đẩy thu nhập từ các nghĩa vụ nợ chịu lãi suất.

 

Ông Azad nói rằng, việc ra mắt thị trường trái phiếu sukuk chính thức ở Úc, sẽ đòi hỏi một sự thay đổi về luật pháp.

 

Ông nói “Về căn bản là để cho phép các nhà đầu tư có một số lợi ích về thuế, để các nhà đầu tư ở nước ngoài sẽ quan tâm đến thị trường sukuk này”.

 

Trong khi trái phiếu về rượu, thuốc lá, cờ bạc và các sản phẩm không Halal khác bị cấm theo chương trình này, thì việc đầu tư vào các thị trường tuân thủ sharia như năng lượng tái tạo, đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ trong những năm gần đây.

 

Malaysia (Mã Lai Á) đã phát hành trái phiếu sukuk xanh đầu tiên vào năm 2017, để tài trợ cho hạ tầng cơ sở bền vững của mình.

 

Ông Azad nói rằng, nước Úc có thể làm điều tương tự để chi trả cho các kế hoạch biến đổi khí hậu trị giá hàng tỷ đô la của Thủ tướng Anthony Albanese.

 

Ông Sohel Azad nói “Câu hỏi là tất cả tiền đến từ đâu? Do mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng xấu đi, Úc phải tìm kiếm thị trường mới, nhà đầu tư mới".

 

Trong khi khái niệm tài chính Hồi giáo còn sơ khai ở Úc, thì hoạt động ngân hàng và đầu tư tuân thủ luật sharia, đã phát triển theo cấp số nhân ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Hồng Kông và Nhật Bản.

 

Giám đốc điều hành của Ngân hàng Hồi giáo đầu tiên của Úc, là ông Dean Gillespie, nói rằng vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào Úc làm theo.

 

Ông Dean Gillespie nói “Với việc đầu tư tái tạo, được quyền tiếp cận với số tiền tối đa trên khắp thế giới, bao gồm cả tài chánh Hồi giáo sẽ rất quan trọng, đối với sự thành công của chúng ta, với tư cách là một quốc gia tiến lên phía trước”.

 

Được biết Ngân hàng Hồi giáo Úc Châu đã được cấp phép chỉ vào tuần trước và trong khi nó chưa mở cửa cho công chúng, ông Gillespie nói rằng họ có gần 10 ngàn khách hàng trong danh sách chờ đợi, từ các nguồn gốc tôn giáo khác nhau.

 

Ông Dean Gillespie nói “Chúng tôi luôn nhận được câu hỏi từ những người có thể là người nước ngoài sống ở Trung Đông, họ không nhất thiết phải là người Hồi giáo, nhưng rất vui khi chúng tôi mang những sản phẩm này lần đầu tiên đến Úc”.

 

Ông cho biết, một chiến thắng ngoạn mục với dân số Hồi giáo ngày càng tăng tại Úc.