Một lá cờ tự hào tung bay trong Ngày hội Mardi Gras tại Công viên Victoria ở thành phố Sydney, Chủ Nhật, ngày 16 tháng Hai, 2025. Nguồn: AAP / STEVEN MARKHAM/AAPIMAGE

 

 

 

NSW - Khi lễ hội Mardi Gras dành cho người đồng tính nam và đồng tính nữ ở Sydney năm 2025 bắt đầu, ba tổ chức hàng đầu của Úc về dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật đang hợp tác để đại diện cho cộng đồng LGBTIQ+ khuyết tật. Với chủ đề năm nay là 'Free to be' - 'Tự do là chính mình' các nhà vận động vì quyền của người khuyết tật cho biết việc thể hiện sự hòa nhập trong lễ diễu hành gửi đi một thông điệp quan trọng.

 

Khi lễ hội Mardi Gras dành cho người đồng tính nam và đồng tính nữ ở Sydney khởi động trong  tuần này, ngày 17/02, các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật đang cùng nhau nhấn mạnh tinh thần hòa nhập và kết nối trong cộng đồng.

 

Ba tổ chức hàng đầu của Úc trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật – Australian Foundation for Disability, Cerebral Palsy Alliance, và Northcott – một lần nữa hợp tác để đại diện cho cộng đồng LGBTIQ+ khuyết tật tại lễ diễu hành năm nay.

 

Chủ đề của Mardi Gras năm nay là "Tự do là chính mình", mà theo ban tổ chức, đây vừa là sự tôn vinh những bước tiến hướng tới bình đẳng thực sự, vừa là lời nhắc nhở rằng cuộc chiến vì bình đẳng vẫn chưa kết thúc.

 

Liz Forsyth, Giám đốc điều hành của Northcott, đã chia sẻ với SBS về chủ đề năm nay.

“Chủ đề của xe diễu hành của chúng tôi là 'Tự do bay cao', và điều đó thực sự là một biểu hiện tuyệt vời về sự tự do và bình đẳng mà Mardi Gras đại diện. Chúng tôi thực hiện xe diễu hành này cùng với Cerebral Palsy Alliance và Afford, hai tổ chức khác cũng cam kết mạnh mẽ với sự hòa nhập và đa dạng như Northcott. Tất cả chúng tôi đang cùng nhau thực hiện điều này. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để xây dựng, sáng tạo. Sẽ có rất nhiều biển hiệu rực rỡ, rất nhiều sắc hồng, rất nhiều kim tuyến – luôn có thật nhiều kim tuyến! Không gian sẽ đầy màu sắc và vui nhộn. Chúng tôi cũng tìm cách làm cho trải nghiệm này trở nên hòa nhập nhất có thể, ví dụ như sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong các bài hát và động tác nhảy múa. Hãy đón chờ nhé, sẽ rất tuyệt vời!”

 

Dữ liệu từ năm 2018 cho thấy cứ sáu người Úc thì có một người đang sống chung với khuyết tật.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng từ 30 đến 40 phần trăm người khuyết tật nhận diện là LGBTIQ+.

 

Với sự giao thoa của cả hai bản dạng này, người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận, không chỉ trong cộng đồng rộng lớn mà ngay cả trong chính cộng đồng LGBTQ+.

 

Rebecca O'Sullivan, là Quyền Giám đốc Điều hành Bộ phận Ảnh hưởng và Vận động của Cerebral Palsy Australia, cho biết mặc dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều định kiến về đời sống cá nhân của người khuyết tật.

“Một số quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng người khuyết tật không có các mối quan hệ tình cảm, không thể thể hiện bản dạng của mình hoặc không thuộc về không gian LGBTQI. Khi tham gia sự kiện này, chúng tôi muốn khẳng định rằng khuyết tật và bản dạng LGBTQI không phải là hai trải nghiệm tách biệt, mà có sự gắn kết chặt chẽ. Chúng ta cần lắng nghe và nâng cao tiếng nói của cộng đồng này.”

 

 

Mardi Gras Sydney là một trong những lễ hội LGBTIQ+ lớn nhất thế giới, thu hút khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới.

 

Tại lễ diễu hành năm nay, các khu vực chỗ ngồi dành cho người đi đứng khó khăn sẽ được bố trí dọc theo tuyến đường để đảm bảo mọi người đều có thể thưởng thức các màn trình diễn.

 

Ban tổ chức cũng đã thiết lập các "khu vực yên tĩnh" để hỗ trợ những người mắc chứng tự kỷ và sa sút trí tuệ có thể phần nào tránh được sự náo nhiệt của lễ hội.

 

Nhiều sự kiện trong khuôn khổ Mardi Gras cũng có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Auslan để giúp người khiếm thính hiểu được các bài phát biểu, thông báo và tiết mục biểu diễn.

 

Nhưng mặc dù khả năng tiếp cận tại Mardi Gras ngày càng được cải thiện, Liz Forsyth cho biết những sự kiện sôi động và rực rỡ như Mardi Gras vẫn có thể gây ra thách thức.

"Giống như bất kỳ sự kiện lớn nào khác, Mardi Gras có thể đặt ra những vấn đề đối với người khuyết tật, những người có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển hay tiếp cận không gian vật lý, hoặc cũng có thể cảm thấy choáng ngợp bởi môi trường cảm giác quá mạnh. Tôi đã tham dự vài kỳ Mardi Gras và tôi biết nó rất ồn ào, rất nhiều màu sắc – và đôi khi, điều này có thể là một trở ngại đối với những người gặp khó khăn về cảm giác. Vì vậy, trong nhiều năm qua, ban tổ chức đã làm việc với chúng tôi và các tổ chức trong ngành hỗ trợ người khuyết tật để làm cho sự kiện này trở nên dễ tiếp cận và hòa nhập hơn. Hiện nay có nhiều cải tiến như tăng cường khả năng tiếp cận vật lý, nhà vệ sinh phù hợp cho người có nhu cầu di chuyển đặc biệt."

 

 

Lễ diễu hành Mardi Gras đồng tính nam và đồng tính nữ Sydney lần thứ 47 sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 1 tháng Ba.

 

 

Liz Forsyth cho biết đây là thời điểm để tất cả mọi người được tôn vinh con người của họ.

"Chúng tôi nhìn nhận con người thật của nhau, và đó là điều chúng tôi luôn khuyến khích – thay vì dán nhãn hay đóng khung ai đó, hãy để họ là chính họ. Chúng tôi muốn tìm ra nhiều cơ hội hơn để người khuyết tật có thể tự do thể hiện bản thân. Đôi khi điều đó cần có sự hỗ trợ và nỗ lực, nhưng đó là lý do chúng tôi làm những điều này. Đó là lý do chúng tôi hợp tác với các tổ chức khác và với Mardi Gras để mang đến những cơ hội công bằng cho người khuyết tật – những cơ hội mà nhiều người thường coi là hiển nhiên."