Bộ Năng Lượng Úc dự báo nguồn cung cấp khí hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới đến năm 2023 tăng, giá giao ngay tại thị trường châu Á trong năm 2021 có thể tạm thời tăng lên 10,8 USD/MMBTU (305 USD/1000m3), nhưng sẽ giảm xuống còn 9,2 USD/MMBTU năm 2022 và 8,2 USD/MMBTU năm 2023 do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

 

 

 

 

 

Nhu cầu nhập cảng LNG trên thế giới năm 2021 dự báo tăng 2,5% so với năm ngoái lên 363,7 triệu tấn, năm 2022 tiếp tục tăng 7,7% lên 391,7 triệu tấn và sẽ đạt 398 triệu tấn vào năm 2023 (+1,6%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập cảng LNG đạt 195,6 triệu tấn (+5%), trong đó, thị trường châu Á tăng 14% lên 139,5 triệu tấn, EU giảm 20% xuống 43,1 triệu tấn.

 

 

Nhu cầu LNG của Nhật Bản – nước nhập cảng lớn nhất hiện nay - sẽ giảm nhẹ trong năm 2021 xuống còn 73 triệu tấn, giảm 5%, năm 2023 xuống còn 72 triệu tấn, giảm 1,4%, do việc khôi phục hoạt động các nhà máy điện hạt nhân.

 

 

Nhập cảng LNG của Trung Quốc năm nay dự báo đạt khoảng 72,8 triệu tấn, tăng 8,7% và 79,1 triệu tấn vào năm 2022, tăng 8,7%, trong khi nhu cầu LNG của EU sẽ giảm từ 85 triệu tấn năm 2020 xuống còn 69 triệu tấn vào năm 2023, tương ứng 19%, sau khi dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 và Trans-Adriatic được đưa vào hoạt động hết công suất.

 

 

Nguồn cung cấp của Qatar đến năm 2023 dự báo ổn định ở mức 79 triệu tấn/năm, sẽ tăng mạnh từ năm 2026 khi đưa dự án mở rộng North Field East (NFE) 33 triệu tấn/năm vào hoạt động thương mại.

 

 

Nguồn cung LNG của Úc năm tài chính 2021 dự báo giảm nhẹ 0,7% xuống 78,7 triệu tấn, nhưng sẽ tăng 5,3% lên 82,9 triệu tấn vào năm 2022 và lên 83,1 triệu tấn năm 2023. Mỹ sau khi đạt mức xuất khẩu 50 triệu tấn LNG trong năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021-2023, tăng 13% trong năm 2021 lên 56 triệu tấn, tăng 3,6% năm 2022 lên 58 triệu tấn và tăng 5,8% lên 62 triệu tấn năm 2023. Nguồn cung LNG từ Nga trong giai đoạn này được dự báo từ 25-30 triệu tấn/năm.

(Nguồn petrotimes.vn)