Chính phủ Liên bang ủng hộ một sáng kiến nhằm đưa nước Úc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phục hồi sau cháy rừng và lũ lụt, trước năm 2025. Sáng kiến thuộc Quỹ Minderoo do tỷ phú khai khoáng Andrew Forrest sở hữu, có tên gọi “Khiên Lửa”, được cho là một kế hoạch ‘trong nháy mắt’ nhằm giảm bớt hậu quả và phạm vi ảnh hưởng của cháy rừng trước năm 2025. “Khiên Lửa” sẽ dựa vào các phương pháp mới có thể phát hiện, kiểm soát và dập tắt những vụ hỏa hoạn nguy hiểm chỉ trong vòng một giờ, tại bất kỳ nơi nào trên nước Úc.
Tin tức về các vụ cháy rừng khủng khiếp và lan rộng khắp nước Úc tràn ngập các bản tin trong suốt mùa hè vừa qua.
Thảm họa cháy rừng đã thiêu trụi 18,6 triệu héc ta đất đai, gần 6,000 tòa nhà bị phá hủy và ít nhất 34 nạn nhân bị thiệt mạng.
Hồi tháng trước, Ủy ban quốc gia về Cháy rừng đã cảnh báo thảm họa từ thiên nhiên sẽ xảy ra “thường xuyên hơn và trầm trọng hơn” trong những thập niên sắp tới.
Vì vậy các chuyên gia, cơ quan điều hợp, dịch vụ cứu cấp, cơ quan chính phủ và tổ chức từ thiện đã liên minh với nhau nhằm lập ra một kế hoạch bảo đảm tình trạng thương vong và phá hủy sau vụ cháy rừng vào Mùa đè Đen vừa rồi sẽ không tái diễn nữa.
Tổ chức Minderoo Foundation đã lập ra một chương trình mang tên “Khiên Lửa”, mà họ cho là một kế hoạch khôi phục chóng vánh nhằm giảm bớt hậu quả và phạm vi ảnh hưởng của cháy rừng trước năm 2025. “Khiên Lửa” sẽ dựa vào các phương pháp mới có thể phát hiện, kiểm soát và dập tắt những vụ hỏa hoạn nguy hiểm chỉ trong vòng một giờ, tại bất kỳ nơi nào trên nước Úc.
Ông Andrew Colvin là nhà điều hợp chương trình Phục hồi Cháy rừng Quốc gia.
‘Chương trình này nhắm đến các cộng đồng, nhất là những ai có sáng kiến về đối phó với thảm họa, những gì quỹ Minderoo đang làm là tập hợp tất cả các sáng kiến lại. Nếu có một năm để chúng ta có thể nhìn vào đó mà tìm hiểu những phương cách có thể đối phó với thảm họa và dịch bệnh hữu hiệu nhất, và lâu bền nhất, thì đó chính là năm 2020.’
Quỹ Minderoo do tỷ phú khai khoáng Andrew Forrest sở hữu, đã tiết lộ một chương trình hành động đầy tham vọng, chủ yếu có ba sứ mệnh then chốt: ngăn ngừa hỏa hoạn, xây dựng các cộng đồng có thể đối phó lâu dài với hỏa hoạn và quản lý đất đai.
Ông Adrian Turner thuộc tổ chức Minderoo là người đứng đầu chương trình này. Ông đã trực tiếp trải qua những vụ cháy rừng, ông đã gần như bị thiệt mạng khi đương đầu với cháy rừng nhằm bảo vệ tài sản cho người anh trai.
‘Đây là chương trình có thể khiến nước Úc thay đổi, có mục tiêu dập tắt bất kỳ vụ hỏa hoạn nào trước khi nó gây ra thảm họa, cũng như nó có thể dập tắt đám cháy chỉ trong vòng một giờ, và cách chúng tôi sẽ thực hiện là tăng cường sức mạnh cho các cộng đồng, chính phủ và nền kỹ nghệ.’
Ngoài ra kế hoạch còn nhắm tới việc đưa Úc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về khôi phục sau cháy rừng và lũ lụt trước năm 2025.
Sáng kiến tập hợp nguồn lực từ chính phủ, thương nghiệp, tổ chức từ thiện và các nhà nghiên cứu.
Các chuyên gia trong đó có Justin Leonard, người đứng đầu Dự án Thích nghi Cháy rừng thuộc tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Kỹ nghệ Úc CSIRO nói để có thể đi tiếp, các cộng đồng cần phải thôi nghĩ về quá khứ, và những gì đã xảy ra trong mùa hè vừa qua.
‘Chúng ta cần biết rằng chúng ta sống trong một môi trường có nguy cơ cao về cháy rừng, và những thảm họa tương tự khiến nhân mạng và tài sản bị mất mát có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai. ‘
Còn ông Adrian Turner nói kế hoạch luôn nhắm đến những cộng đồng bị nguy cơ này rình rập.
‘Chúng ta có sự tự tin và hy vọng, cũng như có một lối đi giúp các cộng đồng hồi sinh từ thảm họa. nhiều người không muốn lìa bỏ đất đai và lìa bỏ cộng đồng. chúng tôi sẽ chỉ cho họ lối đi này và sẽ cho họ biết họ đang đứng ở đâu’.
Sau các vụ cháy rừng khủng khiếp trong mùa hè vừa rồi, thủ tướng Scott Morrison đã hứng chịu nhiều áp lực đòi ông phải có hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với sự thay đổi khí hậu.
Lúc đó ông cho biết chính sách về khí hậu thay đổi của chính phủ sẽ được ban hành, nhưng vẫn chưa có thể nói rõ liệu chính sách đó cụ thể như thế nào và ảnh hưởng đến đâu.
Ông Andrew Colvin nói:
‘Khí hậu đang thay đổi và đây là một hậu quả tự nhiên, vì vậy cần phải xây dựng sự đối phó bền bỉ, nghĩa là chúng ta phải hiểu biết về sự thay đổi khí hậu một cách rõ ràng hơn, chúng ta cần phải biết mình có thể làm được gì, các cộng đồng có thể làm được gì để tham gia vào chương trình ứng phó này.’
Còn ông Justin Leonard nói chúng ta không nên chỉ nhìn vào tình hình hiện tại mà cần phải nhìn xa hơn nữa.
‘Để có một tư duy tốt và bền bỉ, thì không chỉ nhìn vào tình huống cháy rừng hiện nay mà còn phải nghĩ đến tình huống này có thể leo thang đến mức độ nào trong tương lai.’
(Theo SBS)