Các chuyên gia kêu gọi phải có sự thay đổi trong việc bảo vệ các phụ nữ di dân có visa tạm tại Úc đang chạy trốn vì nạn bạo lực giao đình. Nguồn: Unsplash

 

 

 

Tác giả của một nghiên cứu mà chính phủ Úc đã sử dụng để biện minh cho những thay đổi đối với visa bạn đời nói rằng công trình của bà đã bị hiểu sai, và dự luật này sẽ khiến phụ nữ di dân gặp nhiều bất lợi hơn.

 

 

Quyền Tổng trưởng Di trú Alan Tudge gần đây đã công bố những thay đổi đổi với visa bạn đời (partner visa), trong đó người bảo lãnh sẽ phải vượt qua bài kiểm tra nhân thân để ngăn ngừa bạo hành gia đình.

 

 

Trước đây, việc kiểm tra lịch sử bạo hành (nếu có) được thực hiện như một phần của hồ sơ xin visa bạn đời, với tổng chi phí khoảng $7715 và mất hơn hai năm để xét duyệt.

 

 

Từ năm 2021, chính phủ sẽ yêu cầu người bảo lãnh cung cấp lý lịch tư pháp và chia sẻ kết quả với vợ hoặc chồng trước khi nộp hồ sơ visa.

 

 

Bên cạnh đó, người nước ngoài muốn kết hôn với người Úc sẽ phải chứng minh khả năng tiếng Anh của mình, hoặc tham gia 500 giờ học tiếng Anh miễn phí do chính phủ tài trợ.

 

 

Ông Tudge nói rằng các biện pháp bổ sung là nhằm bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em di dân. 

 

 

Thế nhưng ông không đưa ra bất kỳ dữ liệu nào cho thấy mối liên hệ giữa bạo hành gia đình và việc vợ hoặc chồng không sử dụng tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ.

 

Thay vào đó, ông viện dẫn một báo cáo của Trung tâm Phòng chống Bạo lực Gia đình và Giới tính thuộc Đại học Monash, cho thấy 27 trong số 100 phụ nữ tìm kiếm hỗ trợ từ Trung tâm Đa văn hóa Phòng chống Bạo hành Gia đình inTouch của Melbourne trong đợt phong toả đầu tiên đều giữ visa bạn đời.

 

 

---

 

 

Tác giả của bài báo cáo, Phó giáo sư Marie Segrave, nói với The Age rằng chính phủ đã hiểu sai công trình nghiên cứu của bà, vốn không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào về việc thay đổi điều kiện visa bạn đời như là một biện pháp chống bạo hành gia đình.

 

 

Bà Segrave đã chỉ trích những thay đổi được đề xuất, và nói rằng đây là hành động đổ lỗi cho những phụ nữ dễ bị ức hiếp, thay vì bảo vệ họ.

 

 

Bà nói  “Việc phát đi thông điệp đó trong cộng đồng chẳng khác nào nói với phụ nữ rằng, ‘quý vị có sự rủi ro vì trình độ tiếng Anh của mình’,”

 

“Hành động này gửi đi một thông điệp rất xấu về cam kết của chúng ta đối với sự an toàn của phụ nữ”.

 

 

Bà Segrave nói rằng bạo hành gia đình được xem là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, vốn ảnh hưởng đến cả phụ nữ sinh ra tại Úc và nói tiếng Anh, lẫn phụ nữ di dân.

 

Bên cạnh đó, bà cho biết việc chính phủ hạn chế không cho các phụ nữ giữ visa tạm trú được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, nhà ở và y tế đã khiến họ dễ bị tổn thương hơn, vì họ không được giúp đỡ khi chạy trốn khỏi người bạn đời bạo lực.

 

 

Phụ nữ di dân giữ visa tạm trú cũng không thể tiếp cận các gói trợ cấp JobKeeper và JobSeeker. Điều đó có nghĩa là nếu họ bị mất công việc trong thời gian phong toả, thì họ sẽ bị phụ thuộc tài chính vào người bạn đời.

 

Bà lấy ví dụ về trường hợp của một phụ nữ Anh quốc đã tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc đối phó với người bạn đời bạo lực của mình – một người sinh ra tại New Zealand.

 

 

Bà nói  “Anh ấy thường xuyên nói với cô rằng ‘lý do duy nhất mà cô có thể ở lại Úc là nhờ visa của tôi’ – sự thật là anh ấy nói đúng”.

 

“Và trong trường hợp này, cô ấy nói tiếng Anh rất giỏi.”

 

Bà Segrave cho biết nếu chính phủ thực sự muốn giải quyết nạn bạo hành gia đình đối với phụ nữ và trẻ em di dân, thì họ lẽ ra nên cho phép các phụ nữ giữ visa tạm trú được tiếp cận các dịch vụ và phúc lợi xã hội, ngay cả khi điều này sẽ khiến một số cử tri bất mãn.

 

 

Bà nói  “Chính các công dân và thường trú nhân Úc đang thực hiện hành vi bạo lực này và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về nó, và chúng ta hoàn toàn không thể cho phép điều đó xảy ra,”

 

“Và nếu chúng ta nói rằng một số phụ nữ có thể tiếp cận hỗ trợ còn các phụ nữ khác thì không, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề ngược đãi và lạm dụng.”

 

 

Nghị sĩ Đảng Lao động, Julian Hill. Nguồn: AAP

 

 

Dân biểu Lao động Julian Hill hiện kêu gọi chính phủ ban hành luật để giải quyết nạn lạm dụng tục lệ trao của hồi môn (Dowry abuse). 

 

 

Ông nói rằng thượng nghị sĩ Tudge đã đúng khi đề cập đế tình trạng dễ bị ức hiếp của phụ nữ di dân, đặc biệt là những người giữ visa tạm trú.

 

 

Ông nói  “Tuy nhiên, trong quá trình ráo riết truy quét những người nhập cư, chính phủ đã thất bại trong việc đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ phụ nữ,”

 

 

Thế nhưng thượng nghị sĩ Tudge khẳng định, tất cả phụ nữ, bất kể tình trạng visa của họ, đều có thể tiếp cận “các dịch vụ tuyến đầu” nếu họ là nạn nhân của bạo hành gia đình.

 

 

Ông nói  “Tất cả những người ở Úc là nạn nhân của bạo hành gia đình, kể cả những người giữ visa tạm trú, đều có thể tiếp cận các dịch vụ tuyến đầu,”

 

“Bộ của tôi có những nhân viên được đào tạo về chống bạo hành gia đình, những người làm việc chặt chẽ với nạn nhân để cho họ sự linh hoạt về visa, và giới thiệu họ tới các cơ quan hỗ trợ thích hợp.”

 

 

Ông cũng bênh vực cho các yêu cầu bổ sung đối với visa bạn đời, và nói rằng chúng không gây trở ngại cho bất kỳ ai cả.

 

“Khả năng nói tiếng Anh cũng sẽ hỗ trợ các di dân hiểu luật pháp Úc và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu họ là nạn nhân của bạo hành gia đình hoặc bị lạm dụng.”