AUSTRALIA - DIGI, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện ngành công nghệ kỹ thuật số ở Úc, công bố thành lập ủy ban giám sát nhằm đánh giá khiếu nại của công chúng xem các công ty công nghệ lớn có vi phạm bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch không.
DIGI đã ban hành bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch vào tháng 2-2021, dựa trên yêu cầu của Chính phủ Úc và do cơ quan quản lý truyền thông giám sát.
Bà Sunita Bose, giám đốc điều hành của DIGI, cho biết bộ quy tắc được thiết kế nhằm giảm sự lan truyền thông tin sai lệch và các nội dung độc hại trên Internet, đồng thời cung cấp cho các công ty công nghệ một khuôn khổ nhất quán và minh bạch, giúp các công ty này nhanh chóng đưa ra cảnh báo thường xuyên đối với người dùng về mức độ đáng tin cậy của các nguồn thông tin báo chí và quảng cáo.
Để các quy tắc này có thể đi vào đời sống thực tế, DIGI đã ký kết thỏa thuận thực thi với các công ty công nghệ lớn toàn cầu như: Apple, Adobe, Facebook, Google, Microsoft, Redbubble, TikTok và Twitter.
Tuy nhiên, do bộ quy tắc mang tính tự nguyện và Hiệp hội DIGI sẽ không có quyền trừng phạt, ngoài khả năng đưa ra tuyên bố công khai rằng một công ty công nghệ nào đó đã không tuân thủ quy tắc.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu công ty công nghệ được nêu tên không có điều chỉnh phù hợp, DIGI chỉ có thể loại bỏ công ty đó ra khỏi danh sách các thành viên đã ký kết tham gia bộ quy tắc.
Việc ban hành bổ sung ủy ban giám sát được DIGI lý giải là nhằm hoàn thiện hơn nữa hiệu quả của bộ quy tắc.
Ý tưởng này gần giống với sáng kiến của ban giám sát Facebook đã được công bố vào tháng 5-2021. Bà Bose cho biết bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch của Úc đã cung cấp khuôn khổ vững chắc, để tạo ra sự hành động và minh bạch trong ngành công nghệ quốc gia.
Các thành viên của ban giám sát bao gồm tiến sĩ Anne Kruger, nhà lãnh đạo của First Draft, một tổ chức toàn cầu chuyên giúp cộng đồng khắc phục thông tin sai lệch và gây hiểu lầm, chuyên gia kỳ cựu trong ngành quảng cáo Victoria Rubensohn và nhà chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng chiến dịch cho người tiêu dùng Christopher Zinn.
Thành viên của ban giám sát sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các khiếu nại của công chúng Úc về việc liệu các công ty công nghệ có vi phạm quy tắc tự nguyện hay không, từ đó đưa ra kết luận và tư vấn cho việc thực thi bộ quy tắc.
Thông báo của DIGI được đưa ra sau khi Tòa án tối cao Úc, vào giữa tháng 9-2021, ra phán quyết yêu cầu các công ty truyền thông phải chịu trách nhiệm về những bình luận mà người đọc đăng tải dưới các bài báo xuất hiện trên tài khoản họ tại các trang mạng xã hội.
Tuần trước, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Phó thủ tướng Barnaby Joyce đã tạo áp lực hơn nữa, khi lên tiếng phản đối sự thiếu trách nhiệm của các nhà điều hành mạng xã hội với những thông tin sai lệch đăng tải trên nền tảng của họ.
Ông Morrison công khai ủng hộ kế hoạch thắt chặt quản lý của Chính phủ Mỹ đối với các công ty công nghệ lớn như Facebook và nói rằng các nền tảng mạng xã hội cần quản lý được thông tin người dùng đăng tải, để nhanh chóng loại bỏ những nội dung độc hại.
Cơ quan Truyền thông và báo chí Úc (ACMA) hoan nghênh trách nhiệm giải trình bổ sung của ủy ban giám sát mới dành cho bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch, nhưng lo ngại rằng các khiếu nại về một số bài đăng tiêu cực trên mạng xã hội sẽ không được giải quyết triệt để.
Ông Nerida O’Loughlin, chủ tịch ACMA, cho biết cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ những động thái mới của DIGI, xem bộ quy tắc sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế và liệu việc mở rộng phạm vi hoạt động của ủy ban có cần thiết hay không.