Source: Getty Images

 

 

 

 

 

 

Việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đã bắt đầu triển khai toàn quốc, cùng thời gian này những email và tin nhắn lừa đảo mời gọi chích ngừa cũng xuất hiện nhiều hơn.

 

 

 

Từ lấy cắp thông tin, cho đến chào mời trả tiền để được tiêm vắc-xin sớm

 

 

Các chuyên gia mạng và các nhà chức trách đang cảnh báo về những chuyện lừa đảo xung quanh vắc-xin trong bối cảnh nước Úc đã bắt đầu triển khai việc tiêm vắc-xin từ 22/2/2021.

 

 

Những vụ lừa đảo xung quanh vấn đề vắc-xin cũng đã xảy ra tương tự ở Mỹ và Anh.

 

 

Cụ thể, theo CEO của công ty nghiên cứu an ninh mạng Security in Depth., Michael Connory trả lời Financial Reviews, thì số trang mạng đăng ký tên miền liên quan đến vắc-xin đã tăng 300% với hơn 5,000 trang mạng mới đã được đăng ký.

 

 

Ông Connory nói  “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ lừa đảo liên quan đến vắc-xin xảy ra ở Hoa Kỳ, nhưng đặc biệt là ở Anh quốc, con số những vụ ăn cắp thông tin trên mạng liên quan đến vắc-xin là rất lớn, hình thức chủ yếu là gửi đường dẫn để lừa người xem nhấp chuột vào, từ đó ăn cắp thông tin cá nhân, hoặc ăn cắp tiền”.

 

 

Tại Anh quốc, những tin nhắn lừa đảo thường sẽ trông có vẻ như được gửi từ Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS).

 

 

Tin nhắn lừa đảo sẽ gửi một đường dẫn đến cho người nhận, khi nhấp vào sẽ dẫn đến trang mạng được thiết kế giống với trang mạng của NHS, từ đó yêu cầu người nhận điền thông tin cá nhân. Các thông tin này sau đó sẽ được bán cho thị trường đen.

 

 

Ông Connory cho hay  “Chúng tôi đã thấy hàng triệu những email kiểu này ở Anh trong khoảng thời gian 6 tuần trước. Tình trạng này phổ biến nhanh đến mức chỉ trong 24 giờ mà đã có hơn 1,000 khiếu nại”.

 

 

Ông Connoroy cho biết những vụ tấn công này được biết là xuất phát từ Nga, sử dụng hạ tầng cơ sở của Hoa Kỳ để che giấu những vụ lừa đảo.

 

 

Công ty Norton, công ty chuyên cung cấp giải pháp an ninh mạng, cho biết, những kẻ lừa đảo về chuyện tiêm vắc-xin đang tấn công vào những người dễ bị tổn thương

 

 

Công ty Norton giải thích  “Nhiều người đang rất mong mỏi được chích ngừa nhanh chóng, điều đó khiến họ dễ bị lợi dụng vì họ muốn tin rằng những tin nhắn lừa đảo kia là tin nhắn quảng cáo. Điều đó khiến họ không còn nghi ngờ gì khi nhận các tin nhắn lừa đảo”.

 

 

Ngoài ra, một số những chiêu lừa đảo còn bao gồm việc chào mời chích ngừa sớm, hoặc đưa vào danh sách chờ để tiêm vắc-xin, hoặc chào mời sẽ chích vắc-xin tại nhà, và tất nhiên, tất cả đều bị tính phí.

 

 

Như một trường hợp điển hình đã xảy ra ở Anh, một kẻ lừa đảo đã gõ cửa nhà một cụ bà 92 tuổi, tiêm cho bà loại vắc-xin giả với giá $285 và nói rằng bà có thể khai lấy lại tiền từ NHS.

 

 

Thiệt hại hơn $7.5 triệu cho các vụ lừa đảo liên quan đến COVID-19 ở Úc.

 

Theo 9News, bà Jacqueline Jayne, đến từ KnowBe4, cơ quan chuyên đào tạo nâng cao nhân thức an minh mạng, nhắc nhở người dân Úc phải cẩn trọng với bất kỳ email hoặc những tin nhắn không mong đợi, và phải luôn kiểm tra lại nếu như những tin nhắn hoặc email đó yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân.

 

 

“Người dân Úc phải đặc biệt cẩn trọng với những email hoặc tin nhắn có liên quan đến vắc-xin, đặc biệt là những email hoặc tin nhắn có chứa các tập tin hoặc đường dẫn yêu cầu phải nhấp vào,” bà Jayne đưa ra lời khuyên.

 

 

“Đây là thời điểm khá nhạy cảm, cảm xúc của mọi người rất dễ bị lung lạc, cho nên quan trọng là mọi người phải giữ lập trường kiên định trước bất kỳ đường dẫn, hay trang mạng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

 

 

“Nếu nghi ngờ điều gì, phải liên lạc ngay với bác sĩ hoặc các trung tâm y tế đáng tin cậy và không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ trang mạng, tin nhắn hoặc cuộc gọi nào mà không rõ danh tính.”

 

 

Theo Cơ quan giám sát tiêu dùng ACCC, đã có hơn 5,866 báo cáo về những trường hợp lừa đảo có dính dáng đến coronavirus kể từ khi đại dịch xảy ra. Tổng cộng những nạn nhân ở Úc đã mất khoảng hơn $7.5 triệu cho những vụ lừa đảo liên quan đến COVID-19.

 

 

“Cơ quan ACCC thúc giục mọi người cẩn trọng và phải luôn cảnh giác với những vụ lừa đảo coronavirus.

 

“Những kẻ lừa đảo hi vọng quý vị có thể mất cảnh giác. Do đó đừng bao giờ cung cấp những thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay số quỹ hưu bổng cho người lạ.”