Thủ tướng Anthony Albanese và Đặc phái viên chống chủ nghĩa bài Do Thái, Jillian Segal, phát biểu với giới truyền thông. Nguồn: AAP / DAN HIMBRECHTS

 

 

Bản phúc trình được trông đợi từ lâu của Đặc phái viên Đặc trách Chống Bài Do Thái tại Úc hiện đã được trình lên chính phủ. Thủ tướng Anbanese khẳng định rằng chủ nghĩa bài Do Thái không có chỗ đứng ở Úc, đồng thời cam kết sẽ xem xét một cách nghiêm túc những đề nghị được nêu trong bản báo cáo.

 

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết phúc trình này là nền tảng để tiến bước về phía trước và chống lại nạn bài Do Thái không phải là vấn đề mới, mà là một tai họa ngầm nguy hiểm từ lâu đời.
Thủ tướng nói, “Bài Do Thái là một tai ương độc ác và không có chỗ cho thứ này trên đất nước Úc. Kiểu thù hận và bạo lực, mà chúng ta chứng kiến ngoài đường phố thời gian gần đây là đáng ghét và sẽ không được dung thứ. Tôi muốn những kẻ gây ra, phải chịu hết mức chế tài của pháp luật”.

 

 

Được biết bà Jillian Segal được chiánh phủ chỉ định làm Đặc phái viên Đặc trách vấn đề Bài Do Thái cách nay gần tròn một năm.

 

Nay bà kêu gọi một nỗ lực toàn quốc, để đối phó với điều mà bà gọi là, ‘một trong những hình thức thù hận cổ xưa nhất thế giới’.
 

“Kế hoạch dựa trên những giá trị cốt lõi của Úc, đó là linh hoạt và phù hợp với khuôn khổ pháp lý liên bang".

 

 

Bản kế hoạch cảnh báo rằng, các hành vi bài Do Thái đã lên tới mức ‘đáng quan ngại sâu sắc’, với số vụ việc tăng vọt hơn 300%.

 

Trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 9 năm 2024, đã ghi nhận hơn 2.000 vụ.

 

Jillian Segal nói, “Những vụ này bao gồm đe dọa, phá hoại, quấy nhiễu và bạo lực thân thể. Chúng ta đã chứng kiến xe cộ bị đốt cháy, giáo đường Do Thái bị thiêu rụi, các cá nhân người Do Thái bị làm phiền và tấn công. Tất cả điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

 

Chỉ trong tuần vừa qua, Đặc phái viên đã chỉ ra một vụ trong đó các phần tử quá khích cố gắng đốt một giáo đường Do Thái tại Melbourne, cũng như một nhà hàng sở hữu bởi người Do Thái bị người biểu tình xông vào. Nhóm thực hiện hành động này chối bỏ động cơ bài Do Thái, tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh rằng không có lý do nào có thể biện minh.

 

Thủ tướng Anthony Albanese nói, “Dù quý vị có bất mãn gì với tình hình Trung Đông, điều đó không thể được giải quyết bằng cách tấn công những người dân tại Úc, chỉ vì họ là ai, vì đức tin hay bản sắc của họ”.

 

Phúc trình cũng chỉ ra rằng ‘giới trẻ Úc có khuynh hướng mang định kiến bài Do Thái, nhiều hơn so với thế hệ lớn tuổi”’

 

Các đề nghị của Đặc phái viên bao gồm nhiều lãnh vực trong đời sống dân sự, từ xem xét và tăng cường pháp luật chống thù hận, giáo dục trong trường học, cải tổ đại học, quản lý không gian mạng, đến vai trò của các cơ quan truyền thông công cộng.

 

Ông Alex Ryvchin thuộc Hội đồng Lãnh đạo Cộng đồng Do Thái Úc, ủng hộ một phản ứng quy mô lớn lao.

Ông Alex Ryvchin nói, “Vấn đề này không chỉ thuộc phạm vi liên bang, mà phải được giải quyết trên toàn xã hội. Chính phủ giữ vai trò then chốt, vừa thực thi trực tiếp một phần kế hoạch, vừa truyền đi thông điệp rõ ràng rằng đây là con đường phải đi và tất cả mọi người cần chung tay”.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lo ngại về hệ lụy có thể xảy ra, nếu bản đề nghị được thông qua.

 

Trong một thông cáo, Hội đồng Do Thái Úc cảnh báo rằng kế hoạch này có nguy cơ làm suy yếu tự do dân chủ, thổi bùng và làm bền chặt những cách tiếp cận có tính chọn lọc với nạn kỳ thị chủng tộc, vốn chỉ để phục vụ cho nghị trình chánh trị.

 

 

 

Tiến sĩ Max Kaiser, Giám đốc điều hành nói với SBS rằng, ông cho rằng bản báo cáo đã đi sai hướng và có thể dẫn đến một làn sóng, đàn áp việc chỉ trích Israel.

Tiến sĩ Max Kariser nói, “Đây là chiêu trò sao chép từ đường lối của ông Trump. Nó chuyển hướng vấn đề bài Do Thái sang đổ lỗi cho dân di cư, các thiết chế văn hóa, trường đại học và hệ lụy là phong trào biểu tình. Chúng tôi cho rằng, đó không phải là căn nguyên thực sự của tình trạng bài Do Thái. Đúng là có những vấn đề nghiêm trọng về bài Do Thái trong xã hội Úc, nhưng chúng không thể được xử lý trong cô lập. Phải được giải quyết như một phần trong cuộc tranh đấu rộng lớn hơn, như chống kỳ thị chủng tộc trong toàn xã hội”.

 

Được biết Thủ tướng kết luận rằng, những khuyến nghị trong bản tường trình sẽ được chính phủ xem xét một cách cẩn trọng.

 

 

 

(Theo SBS)