Đang có nhiều lời kêu gọi ở Úc thắt chặt các luật liên quan đến nô lệ thời hiện đại. Nguồn: AP
Một phúc trình cho biết các công ty Úc hiện thiếu sót bổn phận khi đối phó với nạn nô lệ tân thời và chỉ có 27 phần trăm có hành động ứng đối hữu hiệu. Bản phúc trình hỗn hợp do Trung tâm Luật pháp Nhân quyền hướng dẫn tìm thấy, có hơn phân nửa các công ty đã không xem xét để xác định các rủi ro trong việc mua bán nô lệ tân thời qua hoạt động của mình.
Cuộc nghiên cứu từ Liên minh các tổ chức nhân quyền, các nhóm nhà thờ và những học giả đã cho thấy, các công ty lớn nhất của Úc hiện không tuân thủ đầy đủ các luật về chế độ nô lệ hiện đại của nước này.
Theo Đạo Luật Chống Nô Lệ Hiện Đại của Úc, ước tính có khoảng 3 ngàn công ty phải báo cáo hàng năm về những rủi ro của chế độ nô lệ hiện đại trong các hoạt động và chuỗi cung ứng của họ, đồng thời nêu chi tiết cách chống lại những rủi ro đó.
Thế nhưng một báo cáo mới đã tiết lộ rằng, có 77 phần trăm công ty không đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cần thiết, để giải quyết các rủi ro lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ.
Luật sư cao cấp tại Trung tâm Luật Nhân quyền và đồng tác giả báo cáo Freya Dinshaw nói với SBS News rằng, hiện tại không có biện pháp nào đối với các công ty không tuân thủ luật chống nô lệ hiện đại của Úc.
Luật sư Freya Dinshaw nói “Vì vậy với hành động nô lệ hiện đại, tôi nghĩ là khá bất thường đặc biệt là bản chất nghiêm trọng của những gì chúng ta đang nói đến".
"Ý tôi muốn nói là, nó có ý nghĩa về một hành động bảo vệ những người làm ra quần áo chúng ta mặc, những người đặt thức ăn trên các kệ siêu thị của chúng ta".
"Thế nhưng ở Úc, không có sự quan tâm thực sự nào, cho việc không đưa ra tuyên bố hàng năm về chế độ nô lệ, hoặc đưa các tuyên bố gây hiểu lầm, hay không đầy đủ về hình thức nô lệ tân thời”.
Trong khi đó bản báo cáo có tựa đề là 'Lời hứa trên giấy phải không', đã đánh giá tác động ban đầu của Đạo luật Nô lệ Hiện đại của Úc, bằng cách xem xét các tuyên bố do 102 công ty nạp vào sổ đăng ký Chế độ Nô Lệ hiện đại của Chính phủ, từ 102 công ty thuộc các lãnh vực có nguy cơ nô lệ hiện đại nổi tiếng, bao gồm hàng may mặc từ Trung Quốc, găng tay cao su từ Malaysia, hải sản từ Thái Lan và sản phẩm tươi sống từ Úc.
Khoảng 50 phần trăm trong số các công ty này, không xác định được những rủi ro rõ ràng về chế độ nô lệ hiện đại và chỉ có 27 phần trăm công ty đang thực hiện hành động hiệu quả để giải quyết những rủi ro này.
Đạo luật Chế độ Nô lệ Hiện đại sẽ được xem xét vào cuối năm nay.
Freya Dinshaw nói “Vâng, nếu chính phủ quan tâm đặc biệt về việc chấm dứt nạn nô lệ tân thời trong các chuỗi cung cấp hàng hoá cho công ty, thì chính phủ cần giúp cho đạo luật nầy có thể thực hành được và biến chuyển các hành động sai trái".
"Việc nầy giúp cho nó không chỉ là một đạo luật đòi hỏi các công ty phải báo cáo, mà còn yêu cầu họ phải thực sự hành động nữa”.
Trong khi đó bản phúc trình cũng tìm thấy có 75 phần trăm các công ty nhập hàng may mặc từ Trung Quốc, đã không lưu ý về bất cứ rủi ro nào đối với việc cưỡng bách lao động người Duy Ngô Nhĩ, trong chuỗi cung ứng hàng hoá của họ.
Bà Ramila Chanisheff, là Chủ tịch của Hiệp hội Tangritagh của Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Úc, cho biết “Không may người mua hàng lại ưa chuộng những thứ nào rẻ hơn và hợp với túi tiền hơn, thế nhưng họ không nhận thức được với giá cả như vậy, quí vị biết những người anh em họ chẳng hạn như người anh họ tôi bị mất tích trong 4 năm trời".
"Chúng tôi không biết anh ta ở đâu, có bị giam giữ không, hay ở trong một trại lao động cưỡng bách và tôi không phải là người duy nhất tại nước Úc này".
"Tôi đại diện cho cộng đồng rộng lớn người Duy Ngô Nhĩ và những người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ đông Turkestan, thân nhân họ hiện sống ở Nam Úc và mọi nơi trên nước Úc, mọi người chúng tôi đều bị ảnh hưởng và luôn sống trong lo âu”.
Được biết, người tiêu thụ cũng được thúc giục tìm kiếm thêm các thông tin về xuất xứ và làm thế nào hàng hoá được nhập vào Úc.