Giám đốc điều hành Supply Nation, bà Kate Russell, phát biểu tại buổi ra mắt Báo cáo Doanh nghiệp Bản địa được tổ chức tại Trung tâm Sự kiện Business Sydney ở Sydney, vào thứ Hai, ngày 7 tháng Bảy năm 2025. Nguồn Ảnh: AAP/Steven Markham; AAP / STEVEN MARKHAM/AAPIMAGE

 

 

Một báo cáo mới từ tổ chức phi lợi nhuận Supply Nation cho thấy các doanh nghiệp bản địa tại Úc đang chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm của họ, cùng với sự gia tăng hoạt động xuất cảng ra nước ngoài. Các doanh nghiệp bản địa được ghi nhận thu nhập hơn 40 tỷ đô la giá trị mỗi năm, góp phần thúc đẩy các mục tiêu của chương trình "Closing the Gap" (Thu hẹp Khoảng cách), đồng thời củng cố mối liên kết văn hóa và tinh thần với đất và tổ tiên.

 

"Tôi sẽ khiến cả thế giới nói Jala Jala. Nhưng ước mơ của tôi là mở một cửa hàng riêng, nơi vừa phục vụ khách du lịch, vừa sản xuất, để tôi có thể giới thiệu sản phẩm ở quy mô lớn nhằm tôn vinh chính bản thân, sô-cô-la, văn hóa của tôi, và biến nơi đó thành một không gian bao gồm mọi người đến, trải nghiệm và cảm nhận."

 

Đó là lời của nữ doanh nhân Sharon Brindley, người sáng lập thương hiệu Jala Jala Treats, công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất bang Victoria do một phụ nữ bản địa điều hành.

 

Bà là người gốc Yamatji và Noongar, hiện đang bắt đầu quá trình xuất cảng các sản phẩm sô-cô-la và trà sử dụng nguyên liệu bản địa sang Nhật Bổn, Tân Gia Ba, và Mãi Lai Á.

 

"Công việc này rất căng thẳng, rất khó khăn, nhưng có lẽ là điều xứng đáng nhất mà tôi từng làm. Nó giúp tôi cảm thấy tự hào về bản thân, giúp tôi được sống trọn vẹn, và đưa cộng đồng của tôi vươn ra tầm quốc tế."

 

Giấc mơ xuất cảng của bà đang được hỗ trợ bởi Asialink – trung tâm quốc gia chuyên kết nối với Châu Á trực thuộc Đại học Melbourne. Tổng giám đốc của Asialink, ông Leigh Howard, cho biết các doanh nghiệp như bà Brindley ngày càng thu hút sự chú ý từ các thị trường trong vùng và đã trở nên phổ biến nhất so với thời trước.

 

Ông Howard nói rằng sản phẩm bản địa đang thực sự có nhu cầu ở nước ngoài.

“Các doanh nghiệp và công ty xuất cảng Úc cần suy nghĩ nghiêm túc về yếu tố nào sẽ giúp họ nổi bật trên thị trường. Đó là lý do tôi tin rằng các công ty xuất cảng bản địa và sản phẩm của họ có lợi thế riêng, và họ nên khai thác điều đó – đồng thời cân nhắc làm sao để phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu.”

 

Dữ liệu từ Austrade cho thấy các công ty xuất cảng sản phẩm bản địa đã tạo ra hơn 670 triệu đô-la doanh thu trong năm tài chánh 2022–2023.

 

Bây giờ, một báo cáo mới từ Supply Nation – tổ chức phi lợi nhuận sở hữu cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bản địa lớn nhất nước Úc – cho thấy các doanh nghiệp bản địa đang tạo ra hơn 42 tỷ đô-la giá trị xã hội mỗi năm.

 

Giám đốc điều hành của Supply Nation, bà Kate Russell, một phụ nữ gốc Awabakal, cho biết lợi ích từ các doanh nghiệp này lan rộng, tác động đến chủ doanh nghiệp, nhân viên và cả cộng đồng.

 

"Chúng tôi định nghĩa ‘giá trị xã hội’ từ góc nhìn của người bản địa về sự an lành. Điều này bao gồm sức khỏe tinh thần, thể chất, giáo dục, nhà ở, cũng như niềm tự hào và khát vọng của các doanh nghiệp bản địa, gia đình họ và nhân viên bản địa."

 

Bà nói rằng mỗi đô la doanh thu tạo ra tương đương ba đồng 66 cent giá trị xã hội và kinh tế.

 

"Điều quan trọng là những doanh nhân đó tạo ra giá trị chỉ thông qua hoạt động kinh doanh... bởi vì không nên kỳ vọng rằng các doanh nghiệp bản địa phải làm nhiều hơn mức thông thường, hay phải cung cấp những chương trình mà chúng ta không đòi hỏi từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác."

 

Bà Brindley đồng tình với điều đó

 

Bà cho biết mình thành lập công ty sô-cô-la như một cách để chia sẻ ngôn ngữ qua ẩm thực.

Sharon Brindley nói, “Nhu cầu về những câu chuyện gắn liền với thực phẩm của chúng tôi đang thực sự tăng cao. Tôi không chỉ là người làm sô-cô-la, tôi còn là nhiều hơn thế, tôi vượt lên cả sô-cô-la.”

 

Tác động của các doanh nghiệp bản địa cũng đang lan rộng trong nước Úc.

 

Mục tiêu mua sắm từ các doanh nghiệp bản địa của chánh phủ liên bang đã được nâng lên 3% trong năm tài chánh này, với kế hoạch đạt 4% vào cuối thập kỷ.

 

Tuy nhiên, một cuộc kiểm toán gần đây của Chánh phủ Liên bang cho thấy hai phần ba hợp đồng đã được các bộ ngành miễn trừ kể từ năm 2016 – thường là không có lý do rõ ràng.

 

Chánh phủ cho biết Cơ quan Quốc gia về Người bản địa Úc (NIAA) đang xây dựng các quy trình hiệu quả hơn.

 

Vượt qua mọi thử thách, những doanh nhân như bà Brindley vẫn hướng về tương lai.

 

"Đừng bao giờ ngừng theo đuổi ước mơ của mình, vì dù tôi không biết và vẫn chưa biết làm sao để đạt được bước tiếp theo... Hãy luôn theo đuổi đam mê, dù bạn bắt đầu từ đâu, bạn sẽ không bao giờ biết được mình sẽ đi đến đâu."

 

 

(Theo SBS)