Một chuyên gia cho biết, Dự luật Đối ngoại mới của Thủ tướng Scott Morrison sẽ hàn gắn các lỗ hổng giữa chính quyền liên bang, các tiểu bang và địa phương và ngăn chặn sự lợi dụng của chính quyền Bắc Kinh. (Getty)

 

 

 

 

 

Một chuyên gia cho biết, Dự luật Đối ngoại mới của Thủ tướng Scott Morrison sẽ hàn gắn các lỗ hổng giữa chính quyền liên bang, các tiểu bang và địa phương và ngăn chặn sự lợi dụng của chính quyền Bắc Kinh.

 

 

Ngày 27/8, Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), nói với The Epoch Times, rằng giá trị của một chiến lược quốc gia gắn kết giữa các cấp chính quyền địa phương đã được thể hiện trong đại dịch COVID-19, và chiến lược này là rất cần thiết để giải quyết những lỗ hổng trong hoạt động đối ngoại.

 

 

Ông nói: “Chính sách của Trung Quốc là một lĩnh vực cho thấy điều này rõ ràng là quan trọng và luật mới sẽ vô cùng hữu ích”.

 

 

Ngày 27/8, Thủ tướng Úc cùng Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne đã công bố Dự luật Quan hệ Đối ngoại sẽ trao quyền cho chính phủ liên bang để xem xét kỹ lưỡng và có khả năng phủ quyết các thỏa thuận giữa các chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc với các chính phủ nước ngoài.

 

 

Theo Luật mới của Úc, Sáng kiến Vành đai và Con đường, các Viện Khổng Tử có thể bị hủy bỏ. Các thỏa thuận do các trường đại học và hội đồng địa phương ký kết có thể cũng sẽ có kết cục như vậy.

 

 

“Những gì Australia đang làm là để đảm bảo rằng các thỏa thuận do chính phủ các bang và vùng lãnh thổ thực hiện là vì lợi ích quốc gia của Australia”, Ngoại trưởng Payne nói với Channel Nine cùng ngày 27/8.

 

 

Bà nói: “Quan trọng nhất là chúng ta cần thẩm định các thỏa thuận đó và đảm bảo rằng chúng phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Liên bang Úc.

 

 

Trong vòng sáu tháng cho đến ngày hiệu lực của luật mới này, các tiểu bang và các thực thể khác sẽ phải hoàn thành kiểm kê đối với các thỏa thuận hiện hành để xem xét và đánh giá lại.

 

 

Có hơn 135 thỏa thuận trên 30 quốc gia khác nhau sẽ được thẩm định.

Ông Shoebridge chỉ ra rằng sau khi luật mới được thông qua, thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của tiểu bang Victoria có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên.

 

 

Ông Shoebridge nói: “Không cần phải viện đến luật mới để khiến Chính phủ tiểu bang Victoria phải điều chỉnh phù hợp với chính sách đối ngoại của chính phủ liên bang, cơ quan có trách nhiệm và quyền lực theo hiến pháp trong lĩnh vực này, mà đó là điều mà dường như họ cần thiết phải làm”. 

 

 

“Việc Bắc Kinh lôi kéo Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews tham gia vào dự án BRI là một ví dụ tiêu biểu nhất về việc lỗ hổng giữa các cấp chính quyền khiến nảy sinh vấn đề”.

 

 

Ngày 23/5, Clive Hamilton, tác giả cuốn “Cuộc xâm lược thầm lặng”, đã viết trên tờ The Age rằng việc chính phủ Victoria ký kết với BRI là một ví dụ về cách Bắc Kinh chuyển trọng tâm chính trị từ cấp liên bang sang cấp tiểu bang khi sự hoài nghi về quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên nổi bật hơn trong môi trường chính trị quốc gia.

 

 

Ngày 27/8, Salvatore Babones, phó giáo sư tại Đại học Sydney, nói với The Epoch Times, rằng Dự luật Quan hệ Đối ngoại hợp nhất chính sách đối ngoại về tay chính phủ liên bang.

 

 

Ông Babones nói: “Nếu các chính quyền tiểu bang và các trường đại học hành xử có trách nhiệm, thì sẽ không cần thiết phải có dự luật này”.

“Năm 2019, các trường đại học đã đưa ra các hướng dẫn về sự can thiệp của nước ngoài để cố gắng giải quyết vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc của họ, nhưng nỗ lực tự quản đó hầu như đều thất bại”

 

 

Ngày 12/5, có thông tin cho biết, 13 trường đại học của Úc có Viện Khổng Tử đã không đăng ký vào Chương trình minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài được đưa ra năm 2018 trong nỗ lực nhằm tăng cường tầm nhìn về bản chất của ảnh hưởng nước ngoài ở Úc.

 

 

Các tổ chức đại diện hợp pháp cho một chính phủ hoặc tổ chức nước ngoài để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị đã được khuyến khích đăng ký.

 

 

Các Viện Khổng Tử đã bị giám sát vì có khả năng trở thành “con ngựa thành Troy” cho các nỗ lực quyền lực mềm của ĐCSTQ ở các quốc gia phương Tây. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc Dan Tehan đã công bố các hướng dẫn mới cho khối đại học để tự bảo vệ mình khỏi sự can thiệp nước ngoài.

 

 

Ông Babones hy vọng rằng chính phủ liên bang sẽ không cần phải thực thi các quyền hạn được trao bởi luật Quan hệ Đối ngoại mới.

 

 

Ông nói: “Tôi hy vọng và cảm giác rằng chính phủ sẽ cẩn trọng hơn nhiều đối với việc can thiệp trực tiếp vào các thỏa thuận khác”.

“Mặc dù có thể là do thiếu trách nhiệm mà các tiểu bang và trường đại học đã ký thỏa thuận với chính phủ độc tài Trung Quốc, nhưng câu trả lời tốt nhất cho chủ nghĩa toàn trị ở nước ngoài là giáo dục tại gia, không ép buộc người dân phải có những hành động trái với nguyện vọng,” ông tiếp tục cho biết.

 

 

Ông Shoebridge nói thêm rằng dự luật sẽ buộc các trường đại học tiết lộ sự hợp tác trong lĩnh vực học thuật với các cơ sở học thuật của Trung Quốc mà có thể có liên đới với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hoặc có liên quan tới các chương trình thuộc Chương trình Nghìn Nhân tài.

 

 

Ông nói: “Luật mới có giá trị bảo vệ rất mạnh mẽ và một thực tế đơn giản là việc các thỏa thuận với chính phủ nước ngoài phải được đăng ký công khai có thể cải thiện những hành vi mà chúng ta đã chứng kiến hiện nay”.

(Theo ntdvn.com)