Nhiều người đầu tư kiếm được nhiều tiền mật mã nhưng lại không có tiền mặt bởi vì họ không nhận được các khoản lãi bằng tiền mặt. Nguồn: Pixsell/AAP

 

 

 

 

Hai sự kiện vừa xảy ra gần nhau đều liên quan đến tiền kỹ thuật số. Một là sàn giao dịch tiền số MyCryptoWallet bị sụp đổ, chỉ định phát mãi tài sản, là sàn giao dịch thứ hai bị thất bại tại Úc trong vòng hai tháng qua. Hai là dữ liệu mới tung ra của cơ quan giám sát người tiêu dùng Úc cho biết người Úc bị mất 109 triệu Úc kim từ tháng 1 – 11/2021 vì bị lừa đảo tiền kỹ thuật số.

 

 

Các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số ở Úc có thể đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn từ lừa đảo tiền ảo đến sự bất định của các sàn giao dịch đồng tiền này, với hai sàn giao dịch lớn ở Úc đã bị sụp đổ chỉ trong vòng hai tháng qua. 

 

-Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số quan trọng tại Úc bị vỡ nợ.

-Đây là sàn giao dịch tiền ảo thứ hai ở Úc bị sụp đổ chỉ trong vòng hai tháng.

-Nhà phân tích nói người tiêu thụ cần phải ý thức về rủi ro gởi tiền vào các sàn giao dịch tiền ảo vì mảng này đang bị thiếu vắng quy định chế tài.

 

 

 

MyCryptoWallet thành lập năm 2017 và từng tuyên bố họ có tới 20,000 khách hàng.

 

 

Nền tảng giao dịch này cho phép mọi người có thể mua và bán các loại tiền kỹ thuật số như

 

bitcoin, ethereum, XRP và litecoin.

 

Hồi tháng Tư, Uỷ ban Đầu tư và Chứng khoán Úc ASIC được biết đã điều tra về nhiều cáo buộc khác nhau về sàn giao dịch MyCryptoWallet.

 

Các tài khoản thuộc công ty này từng bị đóng băng vào năm 2019 sau khi xảy ra tranh chấp với ngân hàng NAB.

 

ABC cho hay công ty SV Partners sẽ công bố phúc trình các chủ nợ đầu tiên vào ngày 17/12. Quản trị viên cũng đang tìm kiếm người có thể mua lại “cơ sở hạ tầng công nghệ” của công ty.

 

MyCryptoWallet là sàn giao dịch thứ hai bị sụp đổ trong vòng hai tháng qua ở Úc.

 

Hồi tháng Mười, công ty Blockchain Global Limited cũng bị vỡ nợ, với khoản nợ các nhà đầu tư lên đến 21 triệu đô la.

 

Rủi ro từ việc đầu tư tiền kỹ thuật số

 

Khi các nhà phát mãi được chỉ định để thanh lý sàn giao dịch tiền ảo, nghĩa là những nhà đầu tư có thể bị mất hết mọi thứ không thể lấy lại được vì hiện nay các sàn giao dịch này đang thiếu các quy định.

 

Không giống như ngân hàng, các sàn giao dịch tiền số không có sự bảo đảm từ chính phủ.

 

Cách an toàn nhất là nhà đầu tư lấy tiền số ra khỏi các sàn giao dịch và cất tiền vào một “cái túi”, chẳng hạn USB hoặc ổ cứng.

 

Tuy nhiên, khi bạn cần dùng đến tiền này để giao dịch mua bán cho những nhu cầu khác, chẳng hạn mua bất động sản hoặc tiếp tục đầu tư, thì rủi ro có thể xảy ra từ các giao dịch tiền số giả mạo và lừa đảo trên mạng.

 

ABC dẫn lời đại diện Cảnh sát Liên bang Úc cho hay các vụ lừa đảo tiền điện tử đã “bùng nổ” trong đại dịch. Dữ liệu mới từ cơ quan giám sát người tiêu dùng Úc cho thấy mức thiệt hại tăng lên 172% từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2021, với tổng giá trị mất mát lên tới 109 triệu đô la.

 

Các vụ lừa đảo đến từ các nền tảng giao dịch tiền số giả mạo cho đến mua bán cổ phiếu tiền ảo.

 

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc cho biết thiệt hại cho các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử có khả năng cao hơn nhiều so với con số 109 triệu đô la mà cơ quan này ghi nhận được trong năm nay.

 

Nhiều nạn nhân quá đau khổ hoặc xấu hổ không muốn kể lại kinh nghiệm của họ.

 

ABC trích dẫn đại diện Cảnh sát Liên bang Úc nói những người tiêu dùng nhận ra mình bị lừa đảo nên ngay lập tức gởi đơn kiện đến trang mạng của chính phủ, Report Cyber, sau đó trường hợp của họ sẽ được gởi ngay cho cảnh sát.

 

Điều quan trọng là cần thông báo sớm, thông báo cho dịch vụ tài chánh hoặc ngân hàng của bạn, sau đó báo cáo thông qua Report Cyber sẽ ​​làm tăng thêm cơ hội thu hồi số tiền đã mất và cơ quan thực thi pháp luật có thể thực hiện các biện pháp xử lý.