Olivia Stokes (thứ hai từ trái sang) cùng các thành viên khác của Hiệp hội Điều dưỡng và Hộ sinh UTS (Ảnh: SBS News)
AUSTRALIA - Chính phủ Albanese cho biết sắp có nhiều cải cách trong lĩnh vực giáo dục, và những sáng kiến này sẽ giúp giảm áp lực về chi phí sinh hoạt xóa bỏ một số bất cập, đồng thời mở rộng đường hơn cho việc tiếp cận giáo dục. Ngân sách liên bang (ngày14 tháng 5) sẽ giảm nợ cho sinh viên, và trợ cấp cho sinh viên các ngành công tác xã hội, giảng dạy, điều dưỡng và hộ sinh khi thực tập.
Chuẩn bị cho việc thực tập của mình vào cuối năm nay, sinh viên điều dưỡng năm thứ hai, 19 tuổi Olivia Stokes đọc các yêu cầu dành cho sinh viên thực tập mà phát hoảng.
Để tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành 800 giờ thực tập.
"Là một sinh viên đi thực tập toàn thời gian, bạn sẽ không thể có nhiều giờ để đi làm thêm kiếm tiền, nếu không muốn nói là không thể nào đi làm nổi. Nó căng thẳng thực sự. Đúng vậy, bạn sẽ không đủ sức hay còn có thì giờ. Ví dụ như bạn nghĩ 'à tôi cần phải làm đi làm vào cuối tuần này', nhưng mà sau một tuần với tám tiếng mỗi ngày thực tập toàn thời, bạn sẽ thấy rất mệt, và có khi ngay cả việc đi thực tập tuần sau cũng đã thực sự khó khăn - bởi vì bạn khó mà có thể làm tốt nhất như mình mong muốn được."
Là thành viên của Hiệp hội Điều dưỡng và Hộ sinh tại Đại học Công nghệ Sydney UTS, cô cho biết đây là điều có tác động rất lớn đến các sinh viên khác trong xã hội.
"Rất nhiều sinh viên đã bỏ học vì không đủ khả năng chi trả, điều này thực sự đáng buồn và đáng tiếc vì chúng ta cần thêm y tá. Hy vọng rằng việc thực tập được trả lương này sẽ thu hút nhiều người học ngành y tá hơn vì giờ đây nó bớt căng thẳng hơn rất nhiều."
Chính phủ liên bang đã xác nhận rằng họ sẽ áp dụng khuyến nghị được đưa ra trong một cuộc đánh giá lớn được thực hiện bởi Hiệp Hội các trường Đại học vào hồi tháng Hai - là cung cấp một khoản thanh toán để hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, công tác xã hội, y tá, điều dưỡng và hộ sinh trong lúc đang thực tập.
Số tiền trợ cấp sẽ vào khoảng $320 mỗi tuần được trả trong thời gian thực tập.
Nó sẽ được đưa vào thực hiện thử nghiệm từ ngày 1 tháng Bảy năm sau.
Dự kiến nó sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 68.000 sinh viên đại học; và 5.000 học viên các trường học nghề.
Tổng trưởng Giáo dục Liên bang Jason Clare cho biết chính phủ liên bang sẽ đưa ra phản hồi đầy đủ hơn đối với 47 khuyến nghị trong bản đánh giá Hiệp Hội Đại học.
Ông nói, một phần của việc đưa ra phản hồi đó sẽ bao gồm việc tập trung vào việc bảo đảm sinh viên có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp hơn có thể tiếp cận giáo dục đại học.
"Vào giữa thế kỷ này, chúng ta cần 80% lực lượng lao động có bằng đại học hoặc bằng cấp TAFE và chúng ta phải phá bỏ rào cản giữa TAFE và đại học để giúp mọi người dễ dàng tiếp cận hơn và chuyển tiếp giữa hai cấp trường này. Chúng ta cũng phải phá bỏ rào cản vô hình đã ngăn cản nhiều trẻ em tại những nơi như nơi tôi đã lớn lên vào đại học ngay từ đầu, nhằm giúp mở ra những cánh cửa cơ hội cho các em. Những gì chúng ta nói đến hôm nay là về chi phí sinh hoạt, cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc giảng dạy sinh viên, sinh viên điều dưỡng và sinh viên công tác xã hội. Những gì mà bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều trong đêm ngân sách là cái giá của việc bỏ lỡ cơ hội học đại học ngay từ những ngày đầu của những em trẻ."
88% y tá ở Úc là nữ, với tỷ lệ giới tính tương tự ở các ngành nghề chăm sóc khác.
Ông Clare cho biết biện pháp mới sẽ cải thiện bình đẳng giới.
"Và tôi đoán một quan sát khác là khoảng 60% sinh viên tại trường đại học là nữ, và đây là những công việc quan trọng. Những công việc mà không phải ai bắt đầu học cũng có thể đi đến cùng để tốt nghiệp. Hai người học sư phạm thì chỉ có một người học đến khi tốt nghiệp ra đi dạy. Một phần là do ngành học. Một phần là do những thách thức trong việc chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày khi bạn đang thực tập."
Chính phủ liên bang đã thông báo vào cuối tuần (ngày 5 tháng 5) rằng ngân sách liên bang cũng sẽ xóa khoản nợ sinh viên trị giá 3 tỷ đô-la.
Điều đó có nghĩa là tiết kiệm được $1.200 cho những cá nhân có khoản nợ sinh viên trung bình là $26.500.
Phương pháp chỉ số hóa sẽ được thay đổi để theo kịp tỷ lệ lạm phát hoặc chỉ số giá tiền lương - tùy theo mức nào thấp hơn.
Năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong ba thập kỷ, nghĩa là nợ sinh viên tăng 7,1% so với 3,2%, vốn là tỷ lệ của chỉ số giá tiền lương.
Thủ tướng Anthony Albanese cho biết ngân sách liên bang sẽ tập trung vào việc cân bằng việc giảm chi phí sinh hoạt với nhu cầu kiểm soát lạm phát - và cả lợi ích quốc gia.
"Tôi đã nói vào đêm bầu cử rằng tôi muốn mở rộng cánh cửa cơ hội. Đó là những gì chính phủ Đảng Lao động làm; và đó là những gì chính phủ của tôi đang làm. Chúng ta cũng nên bảo đảm rằng những người muốn tham gia khóa học trở thành giáo viên trở thành y tá đang ngần ngại không theo học được vì 'không đủ khả năng để theo nó dù tôi thực sự muốn học ngành' họ có thể vượt qua được. Và đó là lý do tại sao biện pháp này lại thiết thực và quan trọng đến vậy."
Carolyn Evans, Hiệu Phó trường Đại học Griffith, cho biết cả hai biện pháp này đã được khu vực đại học kêu gọi từ lâu.
Cô cho biết các trường đại học đã cố gắng hết sức để cung cấp các khoản tài trợ một lần để hỗ trợ sinh viên, nhưng ngành này không có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề lớn này.
Nhất là khi nói đến chuyện nghèo trong lúc thực tập, cô nói rằng có nó ảnh hưởng một cách thấy rõ đến khả năng tốt nghiệp của sinh viên - luôn cả những sinh viên có nguồn gốc văn hóa đa dạng.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện một số công việc tại Griffiths liên quan đến các khóa học điều dưỡng hộ sinh của chúng tôi. Điều này cho thấy rằng một tỷ lệ khá lớn, có thể lên tới 15% những người đã bỏ học vì áp lực tài chính trong thời gian thực tập. Và chúng tôi còn nghe một số chuyện nói rằng thậm chí nó là thứ khiến một số người ngần ngại đăng ký những khóa học đó ngay từ đầu. Một số khu vực mà Griffith có các trường đại học, chẳng hạn như Logan, là nơi dân số rất đa văn hóa, nhưng đây cũng có một số vấn đề về thu nhập cũng như tài chánh khá sâu sắc. Chúng tôi nghe từ các hiệu trưởng các trường học, từ các sinh viên, và đôi khi từ chính các bậc phụ huynh rằng mối quan tâm về chi phí đi học đại học là điều mà mọi người thường nghĩ đến khi họ quyết định có nên đi học đại học hay không. Và điều đó đặc biệt gay gắt đối với người đầu tiên trong gia đình hay cộng đồng của họ, cộng đồng người Bản địa, cộng đồng người tị nạn Maori và Pasifika, những cộng đồng mà trong lịch sử của họ không có mấy gia đình có con em đi học đại học hoặc học lên thêm sau trung học."
Cô nói rằng việc giảm khoản vay dành cho sinh viên HECS và HELP cũng có khả năng cải thiện sự công bằng, nhưng cô nói rằng cần phải điều chỉnh lại Gói hỗ trợ dành cho Sinh viên Tốt nghiệp Sẵn sàng Làm việc do chính phủ Liên Đảng Morrison đưa ra hồi tháng Một năm 2021, trong đó, tăng học phí các bằng cấp nhân văn một cách không cân xứng, với mục đích đã nêu là khuyến khích sinh viên học một môn STEM.
"Cái gọi là chương trình Sinh viên Tốt nghiệp Sẵn sàng Làm việc, nhìn chung không tạo ra nhiều thay đổi trong cách sinh viên chọn ngành nghề đăng ký học. Nhưng một số đồng nghiệp của tôi, đặc biệt là những người làm việc ở một số vùng nghèo hơn, họ thực sự đã chứng kiến việc trẻ em nghèo bị đẩy ra khỏi những ngành học nhân văn đó. Do đó mà nói, với các sinh viên có thu nhập trung bình và cao thì vẫn có sự lựa chọn, nhưng nhiều sinh viên ở trong hoàn cảnh tài chính bấp bênh hơn thì thấy là họ không nên đăng ký học vì không được khuyến khích để theo học những bằng cấp đó. Và những hỗ trợ mà chính phủ cấp cho sinh viên các bằng cấp ngành học khác nhau thì chênh lệch khá bất công. Tương tư, học phí cho các ngành học cũng vậy. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không có cơ sở tốt về chính sách công."
Nghiên cứu của Health Workforce Australia cho thấy, do lực lượng lao động già đi và nhiều yếu tố khác, có thể thiếu hơn 100.000 y tá vào năm 2025 - con số đó sẽ tăng lên 123.000 vào năm 2030.
Olivia cho biết cô cũng muốn thấy chính quyền các tiểu bang tiếp nhận rộng rãi hơn sáng kiến được công bố ở Queensland vào tháng Sáu năm ngoái về khoản trợ cấp 5.000 đô-la cho sinh viên điều dưỡng và hộ sinh để đi thực tập ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa của nước Úc trong năm cuối cùng của việc học của họ .
"Tôi chắc chắn rằng nhiều sinh viên muốn đi làm ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Đó là điều tôi rất muốn làm. Sẽ thật tuyệt nếu có được số tiền trợ cấp để làm điều đó. Bởi vì chúng ta chắc chắn cần thêm y tá ở những khu vực như vậy."