(Ảnh: SBS)

 

 

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh vì một số loại thực phẩm cho trẻ em ở Úc không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới WHO. Nhiều công ty sản xuất thực phẩm cho trẻ em dán sai nhãn mác, khiến cha mẹ và người chăm sóc hiểu lầm rằng các sản phẩm này lành mạnh.

 

Các cha mẹ có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang được cảnh báo phải cẩn thận vì nhiều loại thực phẩm cho trẻ em trên thị trường Úc không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Nghiên cứu mới của Viện Sức khỏe Toàn cầu George đã tiết lộ một số lượng đáng báo động các tuyên bố không được kiểm soát trong nhiều sản phẩm thức ăn dành cho trẻ em trên khắp cả nước khiến cha mẹ hiểu lầm rằng những sản phẩm chứa nhiều đường này là lành mạnh.

 

78% sản phẩm thiếu hụt dinh dưỡng

 

Nghiên cứu phát hiện ra rằng 78% không đáp ứng được các tiêu chuẩn dinh dưỡng của WHO. Tất cả các sản phẩm đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn của WHO về tiếp thị và quảng cáo, chủ yếu là do lạm dụng nhiều ‘lời lẽ đao to búa lớn’.

 

 

Tiến sĩ Daisy Coyle, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia nghiên cứu tại Viện George, mô tả vấn đề này đáng thất vọng.

“Tình trạng hiện tại giống miền Tây hoang dã ngoài kia. Có rất nhiều vấn đề được nêu ra từ nghiên cứu này. Một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phát hiện ra là hàm lượng đường trong các sản phẩm này. Hơn một nửa không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về hàm lượng đường phù hợp với thức ăn cho trẻ sơ sinh. Đó là điều mà chúng ta cần phải khắc phục.”

“Ngoài ra còn có nhiều vấn đề xung quanh việc sử dụng tên thành phần, tuyên bố sai sự thật và số lượng tuyên bố được phép in trên bao bì.”

 

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 309 sản phẩm thức ăn dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, được đánh giá theo Mô hình dinh dưỡng của Văn phòng khu vực Châu Âu của WHO, được công bố vào năm 2022, vốn được coi là chuẩn mực.

 

Các chuyên gia nghiên cứu của Viện George phát hiện ra rằng chỉ có 22% đạt tất cả các tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng của WHO, phần lớn không đạt hàm lượng đường và calo, không có sản phẩm nào lại không in các lời quảng cáo đường mật bị cấm như 'không chứa màu và chất tạo hương vị', 'hữu cơ' và 'không thêm đường'.

 

Thức ăn trẻ em đựng trong túi là mặt hàng thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi phổ biến nhất tại Úc, có mức lạm dụng các tuyên bố bị cấm cao nhất, trong khi chỉ một nửa đáp ứng được tổng lượng đường yêu cầu của WHO.

 

Lạm dùng từ ngữ, tuyên bố gây hiểu lầm

 

Tiến sĩ Elizabeth Dunford, là tác giả chính của nghiên cứu, nói “Chúng tôi phát hiện ra rằng hầu hết các loại thực phẩm dành cho trẻ em ở Úc có rất nhiều tuyên bố. Chúng tôi phát hiện, trung bình có khoảng sáu hoặc bảy lời quảng cáo trên mỗi sản phẩm, một số sản phẩm có tới 21 tuyên bố trên một bao bì.”

 

Điều này thực sự dẫn đến một số chiến thuật gây hiểu lầm, lừa dối và gây nhầm lẫn cho các bậc cha mẹ đang cố gắng mua thức ăn cho trẻ.

 

Ví dụ, tôi là một bà mẹ của hai đứa con nhỏ, ngay cả tôi, với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực này cũng thấy rất khó để nhận biết, trước số lượng tuyên bố mà các sản phẩm này dùng trên bao bì."

 

Tiến sĩ Dunford cho biết việc dùng các tuyên bố về sức khỏe và dinh dưỡng sai lệch cùng thông điệp về sức khỏe trên các loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến những gì cha mẹ mua cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi trong những năm đầu đời quan trọng.

 

 

Bà cho biết rất nhiều bậc cha mẹ bận rộn dựa vào các sản phẩm này như một nguồn dinh dưỡng tốt có thể quyết định quỹ đạo sức khỏe của con cái họ.

"Dựa trên nghiên cứu v khẩu vị của trẻ, bắt đầu từ khi trẻ mới hai tuổi, do đó, trẻ có sở thích về khẩu vị ngọt hoặc mặn. Bạn có thể tưởng tượng rằng một số sản phẩm này, đặc biệt là những sản phẩm có thêm nhiều đường hoặc muối có thể định hình thói quen ăn uống của trẻ, khiến chúng thực sự muốn ăn những thực phẩm mặn và có đường sau này.”

“Hy vọng rằng, bằng cách đưa ra nghiên cứu như thế này, chúng ta có thể khuyến khích chính phủ đưa ra một số quy định trong lĩnh vực này, để trẻ em ít tiếp xúc với những loại sản phẩm này hơn."

 

Giám đốc điều hành của Liên minh Thực phẩm vì Sức khỏe Jane Martin cho biết những phát hiện này rất đáng lo ngại.

"Cha mẹ có thể khó biết được thực phẩm có lành mạnh hay không. Vì vậy, việc thực hiện những thay đổi do WHO khuyến nghị như xóa các tuyên bố trên bao bì, dán nhãn chính xác, giảm lượng đường và natri trong những thực phẩm này sẽ thực sự giúp cha mẹ mua được những sản phẩm lành mạnh hơn cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi của họ."

 

Tiến sĩ Coyle cho biết một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các nguyên nhân chính gây ra bệnh mãn tính từ thời thơ ấu là rất quan trọng, vì sức khỏe lâu dài của các thế hệ tương lai phụ thuộc vào điều này.

"Tin tốt là chính phủ đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Các bộ trưởng thực phẩm vừa mở một cuộc tham vấn với công chúng để có được quan điểm về những bước tiếp theo cho lĩnh vực này.”

“Với tư cách là một nhóm y tế công, chúng tôi đang thúc đẩy việc ban hành quy định bắt buộc với các sản phẩm này, hy vọng rằng tất cả các sản phẩm được bán và tiếp thị đều lành mạnh và phù hợp với nhóm tuổi này, đây không phải là những gì chúng tôi đang thấy hiện nay."

 

các bộ trưởng thực phẩm Úc và New Zealand đã có cuộc họp vào tháng Bảy, khởi động một cuộc tham vấn công khai để cải thiện thực phẩm thương mại cho trẻ sơ sinh và trẻ em sau sự gia tăng các bệnh liên quan đến béo phì mãn tính.

 

Chính phủ liên bang cho biết mục tiêu của họ là cải thiện thành phần, nhãn mác và kết cấu của thực phẩm thương mại dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để điều chỉnh chế độ ăn của các em phù hợp hơn với hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi của Úc và New Zealand, đồng thời đáp ứng mong đợi của cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc.