Công ty trả lương thấp hoặc bóc lột người lao động nhập cư tại nơi làm việc của Úc sẽ là mục tiêu của cuộc đàn áp của Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) trong tháng Bảy. Ảnh: Unsplas
AUSTRALIA - Các chủ doanh nghiệp trả lương thấp hơn quy định hoặc bóc lột người lao động nhập cư sẽ là mục tiêu của Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc (ABF) trong tháng Bảy năm nay.
Các nhân viên của ABF sẽ kiểm tra hơn 200 nơi làm việc ở cả thành phố và vùng tỉnh tại Úc để phát hiện và ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động nhập cư, cũng như cung cấp thông tin cho người lao động nhập cư về các quyền tại nơi làm việc của họ.
Bên cạnh đó, chiến dịch Inglenook sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các cá nhân bóc lột những người giữ visa tạm trú.
Cho đến nay, hơn 175 người bị tình nghi lạm dụng chương trình visa tạm trú đã được ABF xác định thông qua chiến dịch Inglenook, với 15 người bị từ chối nhập cảnh vào Úc tại biên giới.
Quyền Tư lệnh ABF Vaughan Baxter cho biết Úc không dung thứ cho hành vi trả lương thấp hơn quy định và bóc lột người lao động nhập cư.
Ông nói “Người lao động nhập cư đóng một vai trò quan trọng trong việc lấp đầy tình trạng thiếu hụt nhân lực của Úc và hỗ trợ nền kinh tế phát triển mạnh, nếu họ bị trả lương thấp hơn quy định hoặc bị bóc lột thì điều đó không chỉ là không công bằng đối với người nhập cư mà còn có khả năng làm tổn hại danh tiếng quốc tế của chúng ta”.
“Tìm kiếm lợi nhuận từ việc bóc lột lao động ngoại quốc cũng tạo nên sự bất công đối với những người sử dụng lao động đang làm điều đúng đắn và đối xử đúng mực với tất cả những người lao động.”
“Các chủ doanh nghiệp vô đạo đức này nên xem đây là lời cảnh cáo. ABF và các đối tác thực thi pháp luật của chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào những tên tội phạm tìm cách trục lợi từ việc bóc lột lao động ngoại quốc.”
Ông Baxter cho biết các chủ lao động có nghĩa vụ tuân thủ Đạo luật Di trú 1958 và bảo đảm các nhân viên của họ làm việc hợp pháp.
Ông nói “Bóc lột lao động nhập cư có nhiều hình thức, bao gồm trả lương thấp hơn quy định, ép buộc làm việc trái với điều kiện visa, đe dọa hủy visa, làm việc quá giờ và môi trường làm việc không an toàn.”
“Nếu bất kỳ ai đang bị bóc lột, hoặc biết ai đó đang bị bóc lột theo một cách nào đó, họ có thể yên tâm rằng những lo ngại này có thể được báo cáo thông qua Border Watch, bất kể tình trạng visa.”
Luật sư Sanmati Verma thuộc Trung tâm Luật Nhân quyền nói với tờ
The Age rằng chìa khoá để giải quyết tình trạng bóc lột lao động nhập cư là xây dựng lại hệ thống di trú của Úc để bảo vệ người lao động ngoại quốc và khuyến khích họ lên tiếng chống lại sự ngược đãi mà không phải lo sợ bị trục xuất.
Trung tâm này cùng một số nhóm khác hiện kêu gọi chính phủ giới thiệu một loại visa tạm trú để cho phép những người lao động ngoại quốc ở lại Úc trong thời gian điều tra hoặc chờ đợi chủ doanh nghiệp bồi thường.
Một báo cáo do Viện Grattan công bố hồi tháng Năm cho thấy những người mới di cư đến Úc có nguy cơ bị trả lương thấp hơn 40% so với những người đã ở Úc một thời gian dài có cùng kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong cùng một công việc.
Cấm nhập cảnh những người đến Úc để ‘buôn bán tình dục’
Cũng trong khuôn khổ của chiến dịch Inglenook, kể từ tháng 11/2022, các nhân viên của ABF đã chặn 22 phụ nữ bị tình nghi đến Úc để làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, hầu hết là ở Sydney và Cairns.
Các phụ nữ này đến từ Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Hàn Quốc, và bị nghi ngờ là có ý định vi phạm các điều kiện visa của họ.
Gần đây nhất, vào ngày 28/6, hai người phụ nữ Nhật Bản đã bị từ chối nhập cảnh vào Úc sau khi họ thừa nhận bay tới nước này để
làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Cả hai người này đều giữ visa du lịch 601.
Các trường hợp bóc lột lao động nhập cư có thể được trình báo ẩn danh thông qua trang mạng Border Watch.
Các chủ doanh nghiệp bị phát hiện bóc lột người lao động nhập cư có thể bị phạt tiền và bị cấm bảo lãnh định cư cho người lao động ngoại quốc, cũng như bị đưa vào danh sách công khai Register of Sanctioned Sponsors của ABF.