Chất chloramphenicol là chất gì?

Chất chloramphenicol là một kháng sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa.

 

 

Trung Quốc tiếp tục đưa vào “danh sách đen” doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò thứ năm của Australia không được vào nước này với cáo buộc thịt chứa dư lượng kháng sinh- chất chloramphenicol.

 

 

Các nhà phân tích cho rằng, đây là động thái trả đũa tiếp theo của Bắc Kinh đối với chính quyền của Thủ tướng Úc Scott Morisson sau hàng loạt những ồn ào căng thẳng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

 

 

Theo đó, ngày 28/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo, cáo buộc các sản phẩm thịt bò của doanh nghiệp hàng đầu Australia là John Dee sẽ buộc phải ngừng bán các sản phẩm sang Trung Quốc sau khi phát hiện có chứa "dư lượng kháng sinh" bị cấm trong một số sản phẩm. Động thái mới này cũng buộc các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, cần chú ý hơn đến chất lượng thịt nhập khẩu.

 

 

Như vậy, John Dee đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò thứ năm của Australia bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc,  với cùng một lý do là thịt bò nguồn gốc từ Úc còn tồn dư chất chloramphenicol - một loại kháng sinh đã bị cấm ở cả hai quốc gia.

 

 

Theo giới quan sát, thông báo của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison úp mở một kế hoạch có thể cho phép Bộ Ngoại giao Australia phủ quyết bản thỏa thuận của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) đã được ký kết giữa bang Victoria của nước này và Trung Quốc. Điều này được viện dẫn từ một điều luật cho phép chính phủ liên bang Úc có quyền từ chối cho phép các thỏa thuận cấp bang mà nước này cho là không vì "lợi ích quốc gia".

 

 

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích nhìn nhận, vụ việc mới phát sinh giữa Bắc Kinh và Canbera không thể không đặt trong bối cảnh căng thẳng thương mại song phương gia tăng trong thời gian gần đây, theo chiều hướng ngày một xấu đi.

 

 

Trả lời báo giới sau “lệnh cấm nối dài” của Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu thịt bò trong nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia David Littleproud cho hay, chất chloramphenicol hoàn toàn là một "nguyên tố tự nhiên".

 

Trong khi đó, giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp thịt Australia Patrick Hutchinson cho biết, không lạ gì với những tình huống như vậy trong hoạt động thương mại thịt đỏ và nó "một chiêu bài của Trung Quốc".

 

 

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Yu Lei, việc hạ thấp các vấn đề chất lượng thịt bò của Úc có thể là một nỗ lực để cứu vãn thanh thế của Bắc Kinh và đồng thời nó cũng hàm chứa những hiệu ứng lan tỏa sang các thị trường xuất khẩu khác.

 

 

"Chloramphenicol vốn dĩ có hại cho sức khỏe con người và không thể bỏ qua bất kỳ sự cố có thể gây mất an toàn thực phẩm tiềm ẩn nào. Tuy nhiên việc bổ sung thêm chất phụ gia kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi trong ngành công nghiệp chăn nuôi quy mô lớn không phải là hiếm", ông Yu nói với tờ Global Times.

 

 

Theo ông Yu, bất chấp những tuyên bố của giới chức Trung Quốc, hiện sản phẩm thịt bò của Australia cũng vẫn xuất khẩu số lượng đáng kể sang các nước như Indonesia và Singapore.

 

 

Trước đó, hồi tháng 5, bốn lò mổ thịt bò hàng đầu của Australia đã bị Trung Quốc cấm không cho xuất bán sản phẩm sang nước này do các vấn đề về chất lượng.  Ngoài ra Trung Quốc cũng áp mức thuế chống bán phá giá lên tới 80% đối với sản phẩm lúa mạch của Úc.

 

Theo SCMP, bốn công ty này đã xuất khẩu tổng cộng 122.000 tấn thịt sang Trung Quốc trong năm 2019, chiếm khoảng 35% tổng lượng thịt bò xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân.

 

 

Hiện giao dịch thịt bò của Úc đã đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, theo tờ ABC.net, doanh nghiệp John Dee hiện đã xuất bán được khoảng 30 - 40% lượng thịt bò sang Trung Quốc.

 

 

Hồi tuần trước, phía Trung Quốc cũng bắt đầu mở cuộc điều tra về hoạt động xuất khẩu rượu vang của Australia với cáo buộc bán phá giá.