SADA Fresh được chế biến tại SA bằng sữa có nguồn gốc địa phương.(ABC Rural: Selina Green)
NAM ÚC - Sau một thập niên "rất khó khăn", những người chăn nuôi bò sữa ở Nam Úc đang ăn mừng sự thành công của thương hiệu sữa của họ, thương hiệu này đã huy động được hàng triệu đô-la để dùng vào việc bảo vệ tương lai của ngành.
Hiệp hội Nông dân chăn nuôi bò sữa Nam Úc (South Australian Dairyfarmers' Association - SADA) đã ra mắt thương hiệu SADA Fresh cách đây 10 năm để đáp lại "cuộc chiến sữa" giá 1 đô-la/1 lít khi ấy nổ ra trên khắp các siêu thị lớn.
Robert Brokenshire, chủ tịch của SADA, cho biết đây là cuộc đấu tranh kéo dài, nhưng, những người chăn nuôi bò sữa ở tiểu bang cuối cùng đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Ông nói: “Trong 10 năm qua, chúng tôi đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn - có lẽ khoảng 7 trong số 10 năm qua thực sự khó khăn đối với ngành sản xuất sữa”.
"Bây giờ chúng tôi bắt đầu nhận được mức giá mua sửa tươi khả thi hơn nhiều tại trang trại."
Ông Brokenshire nói rằng ông muốn thấy sản lượng sữa của tiểu bang tăng lên. (Ảnh: Cung cấp bởi Hiệp hội sữa tươi của tiểu bang Nam Úc)
Ông Brokenshire cho biết số tiền thu được sẽ được sử dụng để hỗ trợ nông dân.
Ông nói: “Sự độc đáo của thương hiệu này là cứ mỗi lít sữa được bán trong siêu thị, thì 20 xu sẽ được lấy ra và đưa vào quỹ phát triển ngành sữa”.
“Kết quả là, chúng tôi đã có các dự án và khoản tài trợ trị giá ít nhất 2,1 triệu đô-la được trao cho các tập đoàn sữa khác nhau, đồng thời vận động để giúp phát triển ngành này.”
Các dự án này bao gồm các chương trình trường học nhằm thúc đẩy sự nghiệp làm nông, phát triển dự án truy xuất nguồn gốc sữa, và các sáng kiến về sức khỏe tinh thần cho nông dân.
Hiệp hội hy vọng sẽ mở rộng khả năng cung cấp thương hiệu SADA Fresh.(ABC Rural: Selina Green)
SADA Fresh ban đầu được bán tại 60 siêu thị Coles.
Ông Brokenshire cho biết các cơ hội khác đang được khám phá, chẳng hạn như nhãn hiệu pho mát, nhưng điều đó đòi hỏi ngành này phải mở rộng.
Ông nói: “Thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện tại là sản xuất đủ sữa cho nhu cầu của các công ty chế biến, và chúng tôi đang làm việc với nông dân để giúp họ phát triển hoạt động kinh doanh để chúng tôi có thể sản xuất nhiều sữa hơn tại địa phương trong tiểu bang của mình”.
Hiệp hội đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 20 phần trăm ở Nam Úc trong những năm tới và ông Brokenshire cho biết có những dấu hiệu tích cực “khi bạn nhìn vào nhu cầu về sữa trên toàn thế giới”.
Ông Brokenshire nói “Mặc dù hiện tại chúng tôi đang ở trạng thái chậm lại một chút do tình hình kinh tế, nhưng chắc chắn nhu cầu dài hạn đang có vẻ tốt và chúng tôi muốn định vị Nam Úc để có thể tiếp tục là nơi đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sữa trị giá 10 tỉ đô-la của nước Úc.”
Sản lượng sữa toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây, nhưng người ta hy vọng tình hình sẽ sớm tốt lên trở lại. (ABC Rural: Selina Green)
Michael Harvey, chuyên gia phân tích ngành công nghệp sữa của Rabobank, cho biết thập niên vừa qua rất khó khăn đối với lĩnh vực này, nhưng dù sao cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong thời gian đó.
Ông nói: “Trong 10 năm qua… đã có rất nhiều hoạt động xoay quanh việc đổi mới sản phẩm và xây dựng thương hiệu và rõ ràng có sự thâm nhập rất mạnh mẽ của nhãn hiệu riêng”.
Ông Harvey cho biết giá sữa và phô mai tăng do lạm phát là điều tốt cho ngành này, hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu.
Ông nói: “Rõ ràng là nó tạo ra những thách thức cho người tiêu dùng, nhưng những gì nó làm là mang lại lợi nhuận tốt hơn trong tương lai cho một ngành đang gặp một số thách thức”.
“Chúng tôi đã mất rất nhiều nguồn cung cấp sữa trong vài năm qua vì hạn hán và chu kỳ thị trường.”
“Nó gây ra khủng hoảng về năng lực sản xuất và đó là những gì chúng ta đang thấy về việc đóng cửa các nhà máy trên khắp miền nam nước Úc.
“Tình trạng hiện tại của chúng tôi chắc chắn sẽ là tin tốt cho chuỗi cung ứng, khi thấy nguồn sữa ổn định và thực sự bắt đầu thấy sự tăng trưởng trở lại.”