Bang Victoria của Úc đã phải giết chết một số lượng lớn gia cầm, trong số đó bao gồm hàng nghìn con gà con, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. (Ảnh minh họa: Getty)
Bang Victoria của Úc đã phải giết chết một số lượng lớn gia cầm, trong số đó bao gồm hàng nghìn con gà con, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm.
Không còn cách nào khác, những người chăn nuôi gia cầm ở bang Victoria đã buộc phải tiêu hủy đàn gia súc của họ, với một con số khổng lồ gồm 400.000 con gà tây, gà và đà điểu (cả 2.000 con non nữa) bị giết vì lo sợ chúng có thể là nguy cơ lây truyền bệnh.
Nhóm nông dân chăm nuôi gia cầm lấy trứng - Egg Group thuộc Liên đoàn Nông dân Victoria (Victorian Farmers Federation) nói rằng tổn thất này sẽ rất nặng nề đối với cả các nhà sản xuất lớn và nhỏ “không chỉ về mặt tình cảm mà còn cả về tài chính”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia David Littleproud rất thông cảm với khó khăn của người nông dân, và đảm bảo rằng chính phủ hiểu “tác động của những quyết định khó khăn cần phải được thực hiện”.
Trong khi đó, ít nhất 8 quốc gia đã tạm thời cấm nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của bang Victoria trong bối cảnh tình trạng bùng phát dịch cúm gia cầm của bang vẫn tiếp diễn.
Và nếu tính đến cả loại vi khuẩn "ăn thịt người" bí ẩn (bệnh loét Buruli) hiện đang càn quét bang Victoria, chúng ta có thể thấy rằng tiểu bang này thực sự đang phải trải qua những khó khăn vô cùng tồi tệ.
Chiến dịch tiêu hủy này được khởi động sau khi bệnh cúm gia cầm lần đầu tiên được phát hiện tại một trang trại đà điểu và một trang trại trứng ở Victoria vào cuối tháng Bảy. Các nhà chức trách đã cách ly các cơ sở này, đồng thời đưa ra lời khuyên cho nông dân địa phương.
Những con gia cầm bị nhiễm bệnh đã được tìm thấy ở sáu trang trại gia cầm trên khắp Victoria.
Bộ Nông nghiệp Victoria cho biết đã phát hiện ba chủng virus có mức độ nghiêm trọng khác nhau, điều đó có nghĩa là các đợt bùng phát không liên quan đến nhau.
Dịch cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm mà chủ yếu ảnh hưởng đến gà, vịt, ngỗng, gà tây, gà sao, chim cút, gà lôi và đà điểu. Mặc dù có rất nhiều chủng virus có tính lây lan, chúng hầu hết bị tiêu diệt bằng cách nấu chín.
Tuy nhiên, một số trong số chúng có nguy cơ gây nguy hiểm đối với con người, đáng chú ý nhất là chủng H5N1, có thể lây nhiễm sang người. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. Nguy cơ lớn nhất đối với con người bắt nguồn từ việc tiếp xúc gần với các loài gia cầm bị nhiễm bệnh. Điều này có nghĩa là người nông dân trực tiếp chăn thả và xử lý gia cầm có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác.
(Theo ntdvn.com)