Thủ tướng Anthony Albanese phát biểu tại lễ hội Garma Festival, đông bắc Arnhem Land, Vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, vào thứ Bảy, ngày 30 tháng Bảy, 2022 - Aaron Bunch

 

 

AUSTRALIA - Thủ tướng Anthony Albanese đã khuyến nghị thay đổi hiến pháp tiến tới Úc đang thực hiện một bước đi lịch sử thiết lập Tiếng nói Bản địa trước Nghị viện.

 

Thủ tướng Anthony Albanese đã tiết lộ câu hỏi sẽ được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý tới tất cả người Úc về việc công nhận hiến pháp của Người bản địa.

 

Câu hỏi được viết như thế này, "Bạn có ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nhằm thiết lập cơ quan đánh giá lập pháp The Voice dành cho người Thổ dân và Người dân đảo Torres Strait không?" ("Do you support an alteration to the Constitution that establishes an Aboriginal and Torres Strait Islander Voice?")

 

Phát biểu trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Lễ hội Garma ở Arnhem Land - nơi có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Bản địa từ khắp nơi trên đất nước - ông Albanese cho biết:

"Các bạn, tôi rất vui được trở lại Garma trong chuyến thăm lần thứ tư. Và tôi rất vui vì Garma đã trở lại. Tại đây, những gì đã, đang, và sẽ luôn là đất của Thổ dân. Hôm nay tôi xin khẳng định lại lời hứa long trọng của chính phủ sẽ thực hiện đầy đủ Tuyên Bố Uluru Statement from the Heart."

 

Thủ tướng cũng đề nghị thêm vào Hiến pháp ba câu để công nhận những tộc người đầu tiên của Úc.

 

Ba câu này bao gồm việc thành lập một cơ quan được gọi là - Aboriginal and Torres Strait Islander Voice, là cơ quan đại diện của Người thổ dân tại Nghị Viện để đánh giá các đề xuất lập pháp trước Nghị Viện Úc về những vấn đề có thể ảnh hưởng đến người bản địa First Nations.

 

Ông nói rằng nhiều người đã đợi điền này hàng thập niên, và ông tin rằng đất nước đã sẵn sàng cho cuộc cải cách:

"Đây là một cuộc cải cách mà tôi tin rằng mọi người Úc từ mọi tầng lớp xã hội, từ mọi tín ngưỡng, bối cảnh và truyền thống đều có thể chấp nhận. Bởi vì nó nói lên những giá trị mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ và tôn vinh: đó là công bằng, tôn trọng, khuôn phép. Lắng nghe và tôn trọng một cơ quan như The Voice sẽ là một thành tựu của quốc gia. Nó sẽ vượt lên trên chính trị, đó là một khoảnh khắc hòa hợp của nước Úc."

 

Thủ tướng cho biết ông đã tiếp cận vấn đề bằng một sự khiêm nhẫn và hy vọng:

"Tôi tiếp cận nhiệm vụ này và công việc thay đổi hiến pháp này với sự khiêm nhường và hy vọng. Khiêm nhường là bởi vì hơn 200 năm thất hứa và phản bội, khởi đầu sai lầm và thất bại. Rất nhiều lần mà khoảng cách giữa lời nói và việc làm của các chính phủ. Do đó việc này đòi hỏi sự khiêm nhường. Nhưng cũng hãy hy vọng - hãy hy vọng vào khả năng của bạn với tư cách là những người ủng hộ, và hãy vận động như những nhà vô địch cho chính nghĩa này. Hãy hy vọng, bởi vì tôi tin rằng chúng ta đang có sự thuận lợi hơn bao giờ hết. Tôi tin rằng đất nước này đã sẵn sàng cho cuộc cải cách."

 

Ông Lulian Leiser, phát ngôn viên về Tư pháp của phe Đối lập, tại Lễ hội Garma, cho biết thông báo của Thủ tướng là một bước đi đúng hướng:

"Hôm nay tôi hoan nghênh thông báo của chính phủ về việc sửa đổi hiến pháp và câu hỏi mà chính phủ đề xuất đưa ra để trưng cầu dân ý với người dân Úc. Đây là một bước tích cực trong cuộc thảo luận về công nhận hiến pháp ở Úc."

 

Tuy nhiên, ông đã có một cảnh báo và một số lời khuyên cho Chính phủ:

"Vì chúng ta đang nói về việc công nhận hiến pháp, điều quan trọng là chính phủ phải trả lời các câu hỏi hợp lý của người dân về cơ quan The Voice - ai sẽ làm việc trong cơ quan đó? Họ sẽ được chọn như thế nào? Cơ quan đó sẽ làm những gì? Và nó sẽ giải quyết các vấn đề mà Người Úc bản địa trong cộng đồng của họ quan tâm như thế nào? Tôi đã tham gia vào cuộc bàn thảo này lâu rồi. Tôi đã tham gia vào quá lâu và thấy nó thất bại, bởi vì chính phủ đã không trả lời những câu hỏi hợp lý của mọi người về những gì mà cơ quan The Voice sẽ làm."

 

Với Linda Burney - một nghị sĩ kỳ cựu gốc Bản địa và là Tổng trưởng phụ trách Thổ Dân Nội Vụ của chính phủ, và cũng là phụ nữ Thổ dân đầu tiên nắm giữ vị trí đó, nói rằng thông báo của Thủ tướng là một khoảnh khắc xúc động.

"Tôi vô cùng cảm kích, tôi thật sự xúc động đến chảy nước mắt. Hiển nhiên là chúng tôi đã biết được là Thủ tướng sẽ thông báo, nhưng tôi nghĩ đó là một sự tiến bộ khi nghe điều này được xướng lên về một cuộc lấy ý kiến trên toàn quốc về Tiếng nói Thổ dân tại quốc hội, một cuộc trưng cầu dân ý cho tất cả mọi người .... Đó là một lời mời cho tất cả mọi người tham gia."

 

Nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành thì đây sẽ là cuộc trưng cầu đầu tiên trong hơn 20 năm.

 

Chỉ có 8 trong số 44 cuộc trưng cầu dân ý ở Úc đã thành công kể từ năm 1901.