Ảnh: Getty Images/Matteo Colombo

 

 

 

 

AUSTRALIA - Úc là một trong những quốc gia có tỷ lệ ung thư da cao nhất trên thế giới. Hầu hết các bệnh ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính, xảy ra sau khi các tế bào da bị tổn thương do tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím hoặc tia UV, bức xạ từ mặt trời. Vậy làm thế nào để tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư da và an toàn với ánh nắng mặt trời ở Úc?

 

 

Cristiane Holman-Lee sinh ra ở Brazil và lớn lên ở Ý. Cô đến Úc cách đây 8 năm và hiện đang sống ở Brisbane. Cô nhận thấy ánh nắng mặt trời ở Úc khắc nghiệt hơn nhiều so với ở Ý.

 

“Ánh nắng mặt trời ở Úc gay gắt hơn nhiều so với ở Ý, đó là lý do tại sao tôi không bao giờ phơi mình dưới ánh nắng mặt trời ở đây. Tôi luôn che dù hoặc đi dưới bóng cây. Tôi không thích ánh mặt trời ở đây, nó quá mạnh đối với tôi.”

 

 

Úc cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới.

 

 

Theo Nha Thống kê, trong số những người Úc sống chung với bệnh ung thư trong giai đoạn 2017-2018, gần một phần ba bị ung thư da, loại ung thư phổ biến nhất.

 

 

 

Ảnh: Getty Images/MB Photography

 

 

 

 

 

Vậy lý do nào dẫn đến tỷ lệ ung thư da cao ở Úc?

David Whiteman là Trưởng nhóm Kiểm soát Ung thư và Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa QIMR Berghofer. Ông nói rằng nhiều yếu tố kết hợp là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ung thư da cao ở Úc.

 

“Ở Nam bán cầu, nước ta nằm ở vĩ độ khá thấp nên lượng ánh sáng Mặt trời chiếu xuống mặt đất ở Úc nhiều hơn so với châu Âu, Bắc Á và các nơi khác trên thế giới, vì vậy có rất nhiều tia cực tím chiếu vào bề mặt Trái đất nơi chúng ta đang sống.”

 

 

Bên cạnh vị trí của Úc, nguyên nhân còn do cách Trái đất quay quanh Mặt trời.

 

“Ở Nam bán cầu, do cách Trái đất quay quanh Mặt trời vào Mùa hè ở Úc, cường độ thực tế của các tia Mặt trời mạnh hơn bởi vì chúng ta ở gần Mặt trời hơn một chút so với thời gian tương đương ở Bắc bán cầu đối với Mùa hè - nơi Trái đất cách xa Mặt trời hơn một chút”.

 

 

 

Giáo sư Whiteman nói rằng hầu hết người ở Úc có loại da không phù hợp với môi trường sống của họ.

 

“Chúng tôi có nguồn gốc chủ yếu là người châu Âu. Mọi người chủ yếu có loại da trắng, không thích ứng với môi trường ánh sáng mặt trời cao.”

 

 

 

Ánh nắng mặt trời gây bệnh ung thư như thế nào?

Ahmad Hasanien là Bác sĩ gia đình ở Sydney có bằng cấp chuyên về ung thư da. Ông cho biết việc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tia cực tím (UV) từ mặt trời có thể gây ra tổn thương ADN cho các tế bào da.

 

“Khi bức xạ tia cực tím chiếu vào da, nó bắt đầu thay đổi ADN của các tế bào lớp ngoài cùng. Chúng ta đang nói về độ sâu 1 đến 2 mm đầu tiên trên da. Ngày qua ngày, năm này qua năm khác, các tế bào ung thư bắt đầu phát triển - cho dù đó là ung thư nhẹ, tiền ung thư, đến ung thư tiến triển và u ác tính đe dọa tính mạng.”

 

Nếu tổn thương này không được khắc phục bởi cơ chế sửa chữa và bảo vệ của ADN bên trong cơ thể, các tế bào bị lỗi có thể bắt đầu lan rộng, khiến các tế bào phát triển bất thường, cuối cùng trở thành ung thư.

 

 

Bác sĩ Hasanien cho biết chỉ số UV vào một ngày mùa hè điển hình ở Úc cao đến mức nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không có sự bảo vệ thì sẽ có nguy cơ cao.

 

“Vào một ngày hè điển hình, chỉ số UV của ánh nắng mặt trời ở Úc là 12, có lẽ tôi sẽ tránh ra ngoài, có lẽ tôi sẽ tránh đưa con tôi đi chơi. Chỉ số UV vào một ngày mùa đông có thể tối đa là 3 hoặc 4”

 

"Mức độ nhẹ đến trung bình và khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vài giờ. Nhưng vào mùa hè, trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều, chỉ số UV hầu như luôn đạt mức từ 12 đến 14”.

 

 

Paige Preston là Chủ tịch Ủy ban Ung thư Da tại Hội đồng Ung thư Úc.

 

 

Cô khuyến khích tất cả người Úc kiểm tra mức độ tia cực tím cho vị trí cụ thể của họ trước khi ra ngoài - sử dụng ứng dụng Sunsmart hoặc kiểm tra trang web của Cục Khí tượng.

 

“Chúng tôi khuyến nghị tất cả người dân Úc sử dụng nhiều hình thức bảo vệ chống nắng khi mức độ UV từ 3 trở lên, sử dụng quần áo chống nắng che phủ da càng nhiều càng tốt, hãy thoa một ít kem chống nắng, loại có chỉ số SPF 30 trở lên hoặc kem chống nắng quang phổ rộng và có khả năng chống nước, đội mũ che kín mặt, cổ và tai, tìm kiếm bóng râm và đeo kính râm. Vì vậy, sử dụng năm hình thức bảo vệ này sẽ cung cấp sự bảo vệ tốt nhất.”

 

 

 

Ảnh: Getty Images/Stuart Westmoreland

 

 

 

 

 

Có phải những người có làn da sẫm màu thì ít có nguy cơ bị ung thư da?

Ông Whiteman cho biết những người có màu da sẫm hơn có sắc tố melanin giúp bảo vệ khỏi tổn thương ADN.

 

“Có làn da sẫm màu chắc chắn sẽ bảo vệ khỏi bị ung thư da, bởi vì sắc tố melanin mà da của chúng ta tạo ra tự nhiên thực sự là một hàng rào bảo vệ chống lại bức xạ UV. Nó đặt một rào cản nhỏ xung quanh nhân tế bào da, giống như một tấm chắn và hấp thụ tất cả bức xạ tia cực tím, đồng thời ngăn chặn sự hư hại của ADN trong các tế bào đó”.

 

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là những người làn da sẫm màu không có nguy cơ ung thư da.

 

 

Bác sĩ Hasanien cho biết nhiều bệnh nhân ung thư da có màu da sẫm hơn. Ông kêu gọi mọi người hãy biết cách bảo vệ thông minh dưới ánh nắng mặt trời.

 

“Mọi người đều khác nhau. Trong y học, một bác sĩ giỏi sẽ nói với bệnh nhân của mình, ‘Hãy tránh yếu tố rủi ro'. Tương tự, một bác sĩ tim mạch sẽ nói với một bệnh nhân, ‘Tôi muốn bạn ngừng hút thuốc, tôi muốn bạn ăn uống lành mạnh, tôi muốn bạn bắt đầu tập thể dục. Vì vậy, bức xạ tia cực tím là một nguy cơ gây ung thư da. Khi một người da sẫm màu và một người da sáng cùng tiếp xúc với một yếu tố nguy cơ, người da sẫm màu có được sự che chở nhưng không có nghĩa là luôn được bảo vệ. Bất cứ ai cũng có thể bị ung thư da ngay cả khi bạn là người da đen, tôi nhận thấy điều đó trong quá trình làm việc của mình.”

 

 

Sự thiếu hụt Vitamin D.

 

 

Nhưng không ra ngoài nắng có thể đồng nghĩa với việc thiếu vitamin D, nhất là những người da sẫm màu. Paige Preston từ Hội đồng Ung thư cho biết những người như vậy nên nói chuyện với bác sĩ của họ về việc bổ sung vitamin D thay vì phơi nắng trong thời gian dài.

 

“Có một số nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D, đó là những người có màu da sẫm hơn, những người che phủ da vì lý do tôn giáo hoặc văn hóa, và cả những người cao tuổi, nhưng điều quan trọng cần nhớ là họ vẫn có thể phát triển ung thư da do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ. Vì vậy, cách tốt nhất là nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa về mức độ vitamin D của bạn và thảo luận xem bổ sung vitamin D có phải là lựa chọn tốt hơn hay không. Và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian kéo dài là không được khuyến khích vì điều đó sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.”

 

 

Ông Whiteman nhắc mọi người không nên cố gắng để có được làn da rám nắng vào mùa hè vì rám nắng gây tổn thương đáng kể cho da và ADN.

“Làn da của chúng ta rám nắng cũng giống như một phản ứng kêu cứu vì chúng ta chỉ bắt đầu rám nắng sau khi các tế bào da của mình bị tổn thương và khi đó da cố gắng ngăn chặn bất kỳ tổn thương thêm. Nếu bạn có làn da sẫm thì nó cho bạn khả năng bảo vệ trước ánh nắng mặt trời, nhưng đối với những người có làn da sáng màu, cách duy nhất họ có được làn da rám nắng là gây tổn thương cho da và ADN.”