Dự luật của thành viên đảng Tự do, Ben Hood, đã làm bùng nổ cuộc tranh luận công khai xung quanh luật phá thai ở Nam Úc. (ABC News: Steve Opie)

 

 

NAM ÚC - Ba vấn đề chi phối cuộc tranh luận về chính sách xã hội trong các nhiệm kỳ nghị viện gần đây ở tiểu bang Nam Úc  — cái chết tự nguyện được hỗ trợ, việc phi hình sự hóa mại dâm và phá thai.

 

Chúng đã gây ra nhiều cuộc biểu tình ở North Terrace, các cuộc họp đêm khuya, hàng nghìn chữ ký vào các bản kiến ​​nghị, cũng như các ý kiến gây chia rẽ ​​trong các đảng phái chính trị.

 

Các luật xung quanh hai trong số ba vấn đề — cái chết tự nguyện được hỗ trợ và phá thai — đã thay đổi đáng kể trong nhiệm kỳ trước, khi đảng Tự do nắm quyền.

 

Tuy nhiên, một thành viên bảo thủ thuộc phe đối lập hiện tại cho rằng luật phá thai cần được xem xét lại một lần nữa, mặc dù mới chỉ có hiệu lực trong hơn hai năm.

 

 

Bản sửa đổi dài ba trang của ông Hood kiến nghị một số thay đổi về chữ nghĩa của luật hiện hành. (ABC News: Stephen Opie)

 

 

Ben Hood không chỉ khơi lại cuộc tranh luận công khai về luật phá thai ở tiểu bang Nam Úc mà động thái của ông còn thổi bùng căng thẳng âm ỉ trong nội bộ Đảng Tự do, mặc dù vấn đề này được coi là vấn đề theo quan điểm lương tâm cá nhân của các nghị sĩ.

 

Ông Hood, là bộ trưởng phe đối lập và địa phương phía đông nam, tin rằng dự luật của ông "đưa ra một phương pháp thay thế" về cách ứng xử cho việc chấm dứt thai kỳ muộn theo luật hiện hành.

 

Các sửa đổi của ông sẽ cho phép những người muốn chấm dứt thai kỳ từ 27 tuần và sáu ngày trở đi phải sinh em bé còn sống thay vì sinh ra đã chết.

 

Vào tuần cuối tháng Chín, ông Hood cho biết "Những gì chúng tôi đang làm là cố gắng cân bằng quyền của người phụ nữ trong việc lựa chọn chấm dứt thai kỳ, nhưng cũng là quyền của đứa trẻ".

 

Vincent Tarzia, Lãnh đạo Đảng Tự do Tiểu bang Nam Úc, cho biết những thay đổi được kiến nghị xung quanh việc chấm dứt thai kỳ muộn không phải là chính sách của đảng mà là vấn đề của mỗi cá nhân.

 

Những đồng nghiệp khác trong Đảng Tự do, có cả cố vấn lập pháp có tư tưởng ôn hòa, Michelle Lensink, đã bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về kế hoạch của ông Hood.

 

Vào ngày 25/9, bà nói về dự luật của ông Hood rằng, "Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy nhiều điều thú vị trong nghị viện",

"Dự luật này phải được xếp vào một trong những dự luật tệ nhất mà tôi từng thấy được soạn thảo".

 

Cựu bộ trưởng về gia cư đã giúp đưa ra các cải cách luật phá thai trước đó cho nghị viện, trong đó phi hình sự hóa hành vi này và cho phép chấm dứt thai kỳ muộn sau khi được hai chuyên gia y tế đánh giá.

 

 

Nghị sĩ đảng Tự do, Michelle Lensink, cho biết bà sẽ bỏ phiếu chống lại dự luật của ông Hood. (ABC: Angus Llewellyn)

 

 

Những thay đổi về phá thai có hiệu lực trước khi ông Hood vào thượng viện tiểu bang Nam Úc, nơi ông là thành viên chỉ trong 18 tháng.

 

Và sự thăng tiến của ông diễn ra tương đối nhanh chóng.

 

Trong vòng năm tháng, ông đã được bổ nhiệm làm trợ lý bộ trưởng phe đối lập trước khi đảm nhiệm các lĩnh vực giao thông, hạ tầng cơ sở, và trách nhiệm của chính quyền trong cuộc cải tổ tháng trước, được khơi ra do sự từ chức của cựu lãnh đạo David Speirs.

 

Ông Hood cũng là đại diện cho sự đổi mới của đảng ở tiểu bang Nam Úc.

 

Ông ấy thuộc phe cánh hữu — hay Tự do bảo thủ, bao gồm các chính trị gia như Thượng nghị sĩ Alex Antic, nghị sĩ liên bang Tony Pasin và cựu thành viên Boothby và hiện là ứng cử viên cho ghế này, Nicolle Flint.

 

Giống như ở các nơi khác ở đất nước, trong những năm gần đây, phe cánh hữu đã giành được quyền kiểm soát ngày càng tăng của phân khu Tự do Nam Úc từ những thành viên ôn hòa, từ cấp chi nhánh cho đến cơ quan hành pháp tiểu bang.

 

Mặc dù điều đó chưa hoàn toàn chuyển thành quyền kiểm soát nhóm nghị viện tiểu bang, nhưng khối phiếu bầu của phe cánh hữu là chìa khóa giúp ông Tarzia kế nhiệm ông Speirs vào tháng Tám.

 

 

Những câu hỏi được đặt ra về thời điểm

Một số nhân vật của Đảng Tự do đã gợi ý với ABC News rằng sự thay đổi lãnh đạo đã khuyến khích phe cánh hữu thúc đẩy cải cách luật phá thai, khi phe này không hài lòng với cách giải quyết vấn đề trong chính quyền do Steven Marshall lãnh đạo.

 

Nhiều người khác nói rằng dự luật của ông Hood đã được chuẩn bị trong một thời gian trước khi ông Tarzia được bổ nhiệm làm lãnh đạo phe đối lập, nhưng thời điểm công bố đã gây ra nhiều câu hỏi bên trong và bên ngoài đảng.

 

Cùng ngày tin tức về kế hoạch của ông Hood được công bố, cuộc tuyển chọn sơ bộ các ghế cấp tiểu bang do Đảng Tự do nắm giữ đã diễn ra trước cuộc bầu cử năm 2026.

 

 

Susan Close suy nghĩ về động cơ của ông Hood. (ABC News: Ethan Rix)

 

 

Phó Thủ hiến, Susan Close, suy nghĩ về động cơ của ông Hood và liệu có mối liên hệ nào giữa hai sự kiện này hay không.

 

Bà nói "Ông ấy đang tham gia vào kiểu chính trị đảng phái nội bộ có lẽ được thiết kế cho các cuộc bầu chọn trước đang diễn ra ngay lúc này, chứ không phải là cải cách thực sự".

 

Ông Hood phủ nhận việc ông đang chơi trò chính trị với vấn đề phá thai.

Ông nói "Các cuộc bầu chọn trước của hạ viện đã bắt đầu... Tôi đang ở thượng viện. Thực tế, tôi thấy điều này là sự xúc phạm",

"Đây là điều mà tôi đã thiết tha trong nhiều năm, thậm chí trước khi tham gia chính trị".

 

 

Ben Hood đã phủ nhận việc chơi trò chính trị với vấn đề phá thai. (ABC News: Daniel Litjens)

 

 

Có thể đúng như vậy, nhưng một số đảng viên đảng Tự do nói trên tư cách cá nhân rằng động thái đưa ra dự luật mới về vấn đề phá thai là một sự sao nhãng và gây tổn hại nội bộ tương tự các sự kiện khác trong hai tháng qua.

 

Chúng ta đừng quên rằng điều đó bao gồm việc ông Speirs từ chức, tiếp theo là cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo gây tranh cãi, sau đó là việc công bố đoạn phim dường như cho thấy ông ta đang hít một loại bột trên một chiếc đĩa bằng tờ tiền giấy cuộn tròn mà ông ta nói là “hình ảnh giả tạo bằng trí thông minh tạo” ("deepfake").

 

Và giống như nhiều nỗ lực cải cách chính sách xã hội trước đây trong những năm qua, cuộc tranh luận mới nhất về vấn đề phá thai lần này có thể chẳng đi đến đâu từ góc độ lập pháp.

 

Không chắc chắn rằng dự luật của ông Hood có đủ sự ủng hộ cần thiết để thông qua Hội đồng Lập pháp — chứ đừng nói đến hạ viện — nếu nó được đưa ra thảo luận tại đó.