Ông Anthony Albanese nói rằng các cộng đồng đa văn hóa là những cộng đồng dễ bị tổn thương. Nguồn: AAP

 

 

 

 

 

Theo sau một số các lỗi về thông dịch gây chú ý gần đây, áp lực đang ngày càng gia tăng đối với các chính phủ tiểu bang và liên bang trong việc cung cấp thông tin về coronavirus bằng nhiều ngôn ngữ. Cùng với đó, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra về việc làm thế nào để cung cấp thông tin một cách hiệu quả nhất đến các cộng đồng đa văn hóa và đa ngôn ngữ trên toàn nước Úc.

 

 

Cư dân ở Melbourne, Ismene Panaretos đã tham gia vào những quảng cáo về coronavirus gần đây ở Victoria.

 

 

Cô đã được gửi đến các bản dịch một tuần trước khi kiểm tra lại một lần nữa với gia đình gốc Hy Lạp của cô.

 

“Tôi nghĩ bản dịch rất tốt nhưng có một điều đó là có một lỗi khá lớn về cú pháp câu. Nó như là dịch từng từ một.”

 

Panaretos đã có thể đưa ra một số thay đổi cho bản dịch này.

 

 

Thế nhưng có nhiều lỗi trong các bản dịch ở các ngôn ngữ khác không được phát hiện trong các tài liệu về coronavirus của cả chính phủ liên bang và chính phủ tiểu bang Victoria.

 

Trong một trường hợp, cả hai ngôn ngữ Ba Tư (Farsi) và Ả Rập (Arabic) đều được sử dụng trong một thông điệp y tế của chính phủ Victoria.

 

 

Thủ hiến Daniel Andrews nói rằng vấn đề trên đã được xử lý.

 

“Vâng đó là một điều lo ngại, tôi được biết là nó đã được sửa chữa. Bạn biết rằng đó là một khối công việc lớn, đôi lúc sẽ có một số điều không hoàn hảo, nhưng mà điều quan trọng là nó đã được sửa chữa bởi vì nó đã khiến chúng tôi để ý đến.” 

 

Trong một vấn đề về thông dịch khác, một thông điệp về đeo khẩu trang bằng tiếng Arabic đã bị chỉ trích, khi mà nhiều người nói rằng nó không có nghĩa gì hết.

 

Lãnh đạo Đối lập Anthony Albanese nói rằng các cộng đồng đa sắc tộc có thể gặp rủi ro nếu như họ không hiểu được các lời khuyên y tế.

 

“Một số các điểm bùng phát có nguy cơ cao hơn trong những cộng đồng đó, một trong số các nguyên nhân đó là có các thông tin không được dịch thuật một cách chính xác”.

 

Tổng trưởng Y tế Greg Hunt nói rằng hiện chính phủ liên bang đang thực hiện kiểm tra thường xuyên các lời khuyên y tế, và các bản dịch sẽ được xem xét lại qua mạng trực tuyến.

 

“Chúng tôi đã có các quảng cáo bằng 20 ngôn ngữ, các bản thông tin dưới 60 ngôn ngữ. Có một quy trình kiểm tra lại liên tục. Đây là một yếu tố mà chúng tôi mới thêm vào. Mỗi ngày, chúng tôi lại thêm vào các công việc phải làm.”

 

 

Một phát ngôn nhân từ Bộ Y tế nói với SBS rằng các sắp xếp với dịch vụ thông dịch bao gồm các cơ chế giảm thiểu tối đa lỗi sai trong các tài liệu được dịch thuật, và các bản dịch được kiểm tra lại bởi một thông dịch viên thứ hai.

 

Đối với việc lần dấu tiếp xúc, Bộ Y tế NSW xác nhận rằng họ cung cấp thông tin tìm kiếm tiếp xúc sử dụng nhiều ngôn ngữ, và Victoria cũng sử dụng dịch vụ thông dịch.

 

 

Đại diện cơ quan các dịch vụ Định cư Quốc tế (SSI) Yamamah Agha nói rằng các thông dịch viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm rằng tất cả mọi người đều hiểu các chi tiết.

“Bộ Y tế NSW họ sử dụng thông dịch viên bởi vì đó là một quy trình phức tạp và có các thông tin phức tạp, và nhiều câu hỏi liên quan.”

 

 

Tuy nhiên kể cả khi thông tin được dịch và phân phối đến cộng đồng đa dạng, các vấn đề vẫn tiếp tục nổi lên khi mà các thông điệp bị lãng quên.

 

SSI đã thực hiện một khảo sát khách hàng ở Sydney, và cho thấy rằng người trên 56 tuổi ở trong nhóm ít phản ứng nhất trước các khuyến cáo y tế về COVID-19.

 

“Có một tỷ lệ nhỏ người dân - khoảng 12 phần trăm, họ không nghĩ rằng đại dịch này là nghiêm trọng và chính họ ở trong nhóm rủi ro cao nhất, người cao niên.”

 

Dân biểu Lao động Andrew Giles cho rằng các cộng đồng đa sắc tộc cần phải trở thành một phần trong tiến trình chia sẻ thông tin.

 

“Việc giao tiếp không chỉ là về đưa ra thông điệp, nó còn là về bảo đảm rằng thông điệp đó được tiếp nhận”.

 

"Do vậy đó là mối quan ngại của chúng tôi, rằng chưa có đủ những điều cần làm để lắng nghe tiếng nói từ các cộng đồng sắc tộc, bảo đảm rằng họ đóng vai trò trong việc đưa ra các thông điệp, trong việc thông dịch và có mối tương tác sâu sắc hơn với các cộng đồng trong thời điểm khó khăn hiện tại.”

 

 

Giáo sư Helen Skouteris từ trường Đại học Monash đồng ý rằng, sẽ cần thêm các cải thiện trong việc giao tiếp với cộng đồng đa sắc tộc.

 

“Từ góc nhìn về khoa học hành vi, chúng ta thấy rằng chỉ riêng thông tin sẽ không dẫn tới một sự thay đổi trong hành vi. Đặc biệt trong cộng đồng đa văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta, có rất nhiều ngôn ngữ khác được sử dụng, so với số lượng các ngôn ngữ được thông dịch.”

 

 

Đại học Monash mới đây đã nghiên cứu về việc cung cấp thông tin coronavirus cho các cộng đồng đa văn hóa và cách thức truyền đạt thông điệp mạnh mẽ để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Các tác giả nghiên cứu đề xuất thiết lập một cơ quan cố vấn quốc gia để giúp giới hữu trách phát triển các thông điệp y tế đến cộng đồng.

 

Trong khi đó, vào cuối tháng này, các lãnh đạo các cộng đồng thiểu số dự kiến sẽ tham gia một cuộc điều trần tại quốc hội Victoria vào việc ứng phó của chính phủ tiểu bang trước đại dịch.