Úc Đại Lợi tăng cường ngoại giao với các nhà lãnh đạo và tổ chức châu Âu ở một mức độ chưa từng thấy sau khi nước này bước đầu chiến thắng đại dịch Covid-19, và Thủ tướng Scott Morrison thúc đẩy nỗ lực kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của đại dịch.
Thủ tướng Úc, Scott Morrison, liên tục có những cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo quốc gia và tổ chức châu Âu, thảo luận về đàm phán thương mại cũng như chia sẻ mối lo ngại chiến lược đối với Trung Quốc. (Nguồn: ABC)
Trong những tuần qua, ông Morrison đã có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp với một loạt nhà lãnh đạo quốc gia và tổ chức châu Âu trong bối cảnh nước này tiến hành các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại mới với Liên Minh Châu Âu (EU) và Anh hậu Brexit, cũng như mối lo ngại chiến lược về Trung Quốc đang gia tăng.
Kể từ đầu tháng 4, ông Morrison đã có các cuộc họp trực tuyến với hơn 10 nhà lãnh đạo quốc gia và tổ chức châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức, Angela Merkel, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh, Boris Johnson, Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, Chủ tịch Liên Minh Châu Âu, Ursula von der Leyen, và Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte.
Ngoài ra, ông Morrison cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều cuộc trao đổi với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
Mặc dù tập trung vào công tác ứng phó đại dịch, môt nhóm các quốc gia "đi đầu trong việc khống chế đại dịch" đã phân công trách nhiệm cho từng quốc gia, trong đó Úc đảm trách việc thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Nhóm các nước này cũng đã làm việc về cách đảm bảo các chuỗi cung ứng mới cho các mặt hàng thiết yếu độc lập với Trung Quốc.
Các lĩnh vực ưu tiên khác được thảo luận bao gồm tác động của các hệ thống mạng, nghiên cứu khoa học và giáo dục, đặc biệt là việc mở lại các trường học và đại học. Sau cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của một số quốc gia đi đầu trong việc chống lại đại dịch Covid-19, do Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, tổ chức, ông Morrison đã tham gia ba phiên họp khác, trong đó có cả Israel và Singapore.
Ông Morrison khẳng định các cuộc họp này rất có ý nghĩa trong cuộc chiến chống Covid-19, cho thấy nhu cầu cần duy trì sự hợp tác và phối hợp mạnh mẽ trong nghiên cứu về vaccine, chuỗi cung ứng cũng như củng cố các nền kinh tế.
Đáng chú ý, trong ngày 16/6, phát biểu tại Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Úc Đại Lợi (ANU) ở thủ đô Canberra, Ngoại trưởng Úc Đại Lợi, Marise Payne, tuyên bố những thông tin sai lệch của Trung Quốc đang phá hoại nền dân chủ và tạo ra "một bầu không khí sợ hãi", đồng thời cam kết Úc sẽ nỗ lực củng cố các quy tắc quốc tế quan trọng đối với an ninh của nước này.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Úc Đại Lợi tuyên bố, Canberra sẽ tăng cường tham gia vào các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, để giúp "hình thành một thế giới an toàn hơn", qua đó giúp cho đất nước an toàn hơn