Cách tiếp cận ngoại giao cứng rắn, cùng việc gây áp lực kinh tế đối với Úc có thể không giúp Trung Quốc đạt mục tiêu, thậm chí phản tác dụng, khiến Canberra bật lại và công chúng nước này thêm thiếu thiện cảm với Bắc Kinh.
Quan hệ chính trị Úc-Trung Quốc xấu đi trong nhiều năm qua khi xung đột về chiến lược ngày càng gia tăng, nhưng điều thú vị là quan hệ thương mại song phương lại ở mức cao kỷ lục. Tuy vậy, cuộc tấn công của dịch Covid-19 dường như đã đánh trúng “lãnh địa yên ả” nhất trong mối quan hệ Canberra và Bắc Kinh, làm thay đổi bản chất mối quan hệ này.
Cuộc chiến thuế quan?
Nhờ vào sức mạnh ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang tỏ ra cứng rắn với các nước khiến họ không hài lòng và Úc đang chỉ là một trong số đó. Giới quan sát cho rằng, những động thái mới đây, ngoài việc “nắn gân” Úc, Trung Quốc còn muốn gửi thông điệp “răn đe” đến các đồng minh khác của Mỹ, sau việc Tổng thống Trump tiên phong kêu gọi điều tra Trung Quốc về nguồn gốc dịch Covid-19.
Tháng trước, Trung Quốc áp thuế với lúa mạch và dừng nhập thịt bò từ bốn lò mổ lớn nhất Úc. Hai tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến Úc vì “tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng đáng kể đối với người Trung Quốc và người châu Á”. Vừa mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc lại đưa ra cảnh báo tương tự với du học sinh chuẩn bị trở lại các trường đại học Úc khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng Bảy.
Nhiều lo ngại cho rằng, những động thái trên của Bắc Kinh mới chỉ là những phát súng “khai màn” cho một cuộc chiến thương mại kéo dài. Dù Canberra khẳng định sẽ không để căng thẳng biến thành một cuộc chiến thuế quan, tuy nhiên, với Bắc Kinh, không chỉ có những mâu thuẫn song phương, Úc còn là đồng minh thân thiết của Mỹ chống lại Trung Quốc. Bởi vậy, động thái tiếp theo của Bắc Kinh có lẽ phụ thuộc vào cách Canberra tiếp tục phản ứng thế nào đối với cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19.
Ai cần ai?
Báo cáo của Viện chính sách The Henry Jackson Society (Anh) cho thấy, Australia đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác trong liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhân) (gồm Úc, Mỹ, Anh, Canada (Gia Nã Đại) và New Zealand (Tân Tây Lan)). Trong đó, Úc là quốc gia phụ thuộc chiến lược nhất vào Trung Quốc, với 595 loại hàng hóa quan trọng chiến lược, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong nhóm, trong khi con số này của Mỹ và Anh lần lượt là 414 và 229.
Úc cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng hóa thiết yếu đối với các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm Internet vạn vật (Internet of Things), quản lý kỹ thuật số siêu tốc và nhiều loại công nghệ khác, trong đó có công nghệ sinh học. Sự thống trị của Bắc Kinh còn được ghi nhận trong sản xuất magiê, vốn rất cần thiết trong ngành vận tải, năng lượng và xây dựng, cũng như trong sản xuất các hoạt chất dược phẩm.
Phụ thuộc tới 33% tổng thương mại quốc tế vào Trung Quốc, khiến Úc dễ bị tổn thương, không chỉ bởi sự ép buộc kinh tế mà còn cả về cạnh tranh chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Úc lại có những lý do riêng để không quá vội vàng khuất phục trước “đòn cảnh cáo của Bắc Kinh”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới hơn 230 tỷ AUD/năm. Kể cả đến nay, bất chấp các vướng mắc về chính trị, thương mại giữa Úc và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng, dù có chậm chạp. Nhưng trong bốn tháng đầu năm, trong hơn 40 tỷ USD hàng hóa mà Trung Quốc nhập của Úc, than vẫn tăng 77%, nhu cầu đối với quặng sắt cũng đang có xu hướng tăng lên, nhờ những chi tiêu tăng vọt cho cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc hậu dịch Covid-19, trong khi đối thủ cạnh tranh về lĩnh vực này là Brazil vẫn trong tình trạng sản xuất đình đốn.
Trung Quốc vẫn rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và giá cạnh tranh từ Úc. Còn Úc lại đang có nhiều tiến bộ khi phát triển công nghiệp khai khoáng và sản xuất đất hiếm. Úc là nhà cung cấp 2/3 sản lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Việc thay thế nhà cung cấp Úc sẽ không phải là mục tiêu dễ dàng, mà còn là một quyết định có chi phí rất lớn và mất nhiều năm. Đó là điều Bắc Kinh không sẵn sàng.
Trong khi đó, Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt nguy cơ tài chính nghiêm trọng. Sau nhiều năm kích thích kinh tế, nợ Chính phủ Trung Quốc tương đương 45% GDP, tổng nợ tăng vọt tới 40.000 tỷ USD vào đầu năm 2019, khoảng 303% GDP. Mỗi khi Bắc Kinh cố gắng kiềm chế nợ nần, thì lại một lần nữa bị kéo sâu vào vòng luẩn quẩn, năm ngoái là chiến tranh thương mại chưa hồi kết với Mỹ, năm nay là Covid-19.
Quan điểm đã thay đổi
Hiện rất ít chính trị gia tại Canberra và Bắc Kinh tin tưởng quan hệ hai nước sẽ có “tương lai tươi sáng” trong ngắn hạn.
Căng thẳng thương mại vào đúng thời điểm này khiến cho người Úcnhận ra, quá rủi ro khi có mối quan hệ gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh càng cố tình dùng thương mại làm vũ khí gây sức ép, thúc đẩy trừng phạt thương mại đơn phương thì sẽ càng có ít tiếng nói ở Australia kêu gọi làm lành. Người Úc thất vọng, vì Trung Quốc đã nhắm đúng vào mặt hợp tác tích cực nhất giữa hai bên. Dư luận thậm chí ác cảm đến mức những người kêu gọi làm lành với Trung Quốc, như trùm khai thác mỏ Andrew Forrest, bị gọi là “kẻ phản bội”.
Và bối cảnh hiện nay có thể là động lực để Úc gia tăng tìm kiếm thị trường mới bên ngoài Trung Quốc. Dù “chi phí” trước mắt từ sức ép kinh tế sẽ tác động trực tiếp lên xuất khẩu của Úc, đến cả dòng chảy kinh tế từ thất nghiệp, nguồn thu từ thuế, phúc lợi của người dân giảm… Tuy nhiên, Úc lại có kỳ vọng vào chiến lược đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, trong đó, Ấn Độ có thể là một đối tác sáng giá, để Bắc Kinh không còn “tự tin” gây sức ép.
Theo chuyên gia từ Đại học Quốc gia Úc Đại Lợi, Dominic Meagher, từ 15 năm kinh nghiệm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, quan điểm của người Úc với Trung Quốc đã thay đổi. “Giờ, người Úc bớt quan tâm đến việc Bắc Kinh có giận họ hay không. Lối suy nghĩ bây giờ là nếu Trung Quốc cứ tức giận với tất cả mọi người vì những vấn đề nhỏ nhặt, thì thay vì phải cố gắng tránh làm mất lòng Trung Quốc, tốt hơn là quen với cơn tức giận của họ”.