Các nạn nhân bị bỏng nặng có thể được điều trị bằng phương pháp ghép da tốt hơn sau các thử nghiệm lâm sàng về phiên bản da nhân tạo tiên tiến. Ảnh: được cung cấp, SBS News.

 

 

Các nạn nhân bị bỏng nặng có thể được điều trị bằng phương pháp ghép da tốt hơn, sau các thử nghiệm lâm sàng về phiên bản tiên tiến của da nhân tạo. Các thử nghiệm được Bệnh viện Alfred của Melbourne thực hiện cho kết quả khả quan và sẽ được mở rộng trên toàn nước Úc.

 

 

Cô Kate Sanderson bị mắc kẹt trong đám cháy rừng trong một cuộc chạy siêu marathon vào năm 2011. Cô bị bỏng 60% cơ thể, mất một nửa bàn chân trái và một số ngón tay bị dính liền với nhau.
 

 

Cô Kate cho biết cô đã trải qua các ca ghép da truyền thống để điều trị vết thương.
“Mỗi lần ghép da, bạn bị đỏ rát trong nhiều ngày và họ không thể tiếp tục làm trong khoảng 3 tuần. Bạn cảm thấy rất khó chịu, nhưng không có lựa chọn nào khác. Các chuyên gia y tế đang cố gắng cứu sống tính mạng của bạn, nên đó là lựa chọn duy nhất có thể."

 

 

Hiện nay, Heather Cleland, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và hiện là Trưởng khoa Bỏng ở người lớn tại bệnh viện Alfred, cho biết bà hy vọng có thể cách mạng hóa cách điều trị bỏng.
 

“Sự phát triển này có thể được xem như cuộc cách mạng trong phẫu thuật bỏng. Mọi người đã cố gắng, và chúng tôi đã tham gia vào nỗ lực này trong nhiều năm, để tạo ra một loại da thay thế có hiệu quả hoặc thậm chí tốt hơn so với việc lấy da ghép của chính bệnh nhân. Thực sự đã mất hơn 50 năm."

 

 

Các chuyên gia nghiên cứu tại Bệnh viện Alfred, ở thành phố Melbourne, cho biết bằng cách lấy một mẫu nhỏ da không bị tổn thương của một người và nuôi các tế bào đó trong lồng ấp, các tế bào đó sau đó được truyền vào một tấm hydrogel và ghép vào da.

 

Sử dụng tế bào của chính bệnh nhân giúp giảm nguy cơ đào thải khi sử dụng da hiến tặng.

 

Nhóm nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của da nhân tạo của họ trên những người bị bỏng nặng, chiếm ít nhất 20% cơ thể.

 

Bác sĩ Cleland cho biết các thử nghiệm lâm sàng đó cho thấy những dấu hiệu khả quan cho tương lai của phương pháp điều trị bỏng.

 

Heather Cleland - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Trưởng khoa Bỏng ở người lớn tại Bệnh viện Alfred, nói “Cho đến nay, chúng tôi đã điều trị cho hai bệnh nhân. Mặc dù thử nghiệm lâm sàng mà chúng tôi đang tiến hành vẫn còn ở giai đoạn đầu, chúng tôi rất ấn tượng với kết quả thực tế ở những bệnh nhân bị bỏng nặng”.

 

 

Sự phát triển của da nhân tạo bắt đầu vào những năm 1970.

 

Những lần lặp lại trước đó chỉ sử dụng lớp biểu bì - lớp ngoài cùng của da và được sử dụng kết hợp với các ca ghép da truyền thống.

 

Mặc dù những tiến bộ y học đã đạt được nhiều kết quả khả quan, vẫn còn nhiều việc phải làm.

 

 

Giáo sư Shiva Akbarzadeh từ phòng thí nghiệm kỹ thuật sinh học da Alfred cho biết mặc dù kết quả ban đầu của thử nghiệm là tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế mà các chuyên gia nghiên cứu đang nỗ lực cải thiện.
 

“Vẫn còn thiếu tế bào hắc tố nên hiện tại không có sắc tố và cũng không có tuyến mồ hôi và nang lông. Vì vậy, mặc dù nó hoạt động như một mảnh ghép da tự nhiên để đóng vết thương, nhưng cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa."
 

 

Các chuyên gia nghiên cứu hiện sẽ mở rộng thử nghiệm này trên toàn nước Úc.