Bộ trưởng Thương mại Anh Quốc, Liz Truss, tại thủ đô Luân Đôn (London) ngày 17/3/2020. Ảnh: Supplied
Ngày 17/6, Anh Quốc và Úc Đại Lợi đã khởi động các cuộc đàm phán chính thức nhằm tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do song phương, với hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận "táo bạo và tham vọng" vào dịp Giáng sinh 2020.
Bộ trưởng Thương mại Úc Đại Lợi, Simon Birmingham, cho biết các cuộc đàm phán ước tính sẽ đem lại thêm hàng trăm triệu Mỹ kim giá trị thương phẩm xuất cảng cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp và các doanh nghiệp nước này.
Ông Birmingham cũng thông báo các cuộc đàm phán thương mại Úc - Liên minh Châu Âu (EU) đang được đẩy nhanh, với vòng đàm phán thứ 7 đã kết thúc tháng trước.
Cùng với Úc, Tân Tây Lan (New Zealand) cũng là nước mà Anh ưu tiên khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại tự do để triển khai chính sách độc lập thương mại sau khi rời Liên Minh Châu Âu (EU) cuối tháng 1 vừa qua. Bộ Thương mại Anh ước tính xuất khẩu của nước này có thể tăng thêm 1 tỷ bảng Anh nếu đạt được thỏa thuận thương mại với Úc và Tân Tây Lan.
Các mục tiêu đàm phán của Anh với Úc và Tân Tây Lan (New Zealand) gần như tương đương, tập trung chủ yếu vào tăng trao đổi hàng hóa và dịch vụ và đầu tư. Thỏa thuận với Úc sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, đổi mới, nghiên cứu và phát triển, trong khi thỏa thuận với Tân Tây Lan hướng đến việc bảo vệ các cam kết về biến đổi khí hậu của hai nước.
Vòng đám phán đầu tiên với hai nước này dự kiến diễn ra trong những tuần tới theo phương thức trực tuyến.
Anh tiến hành đàm phán thương mại với các quốc gia ngoài Liên Minh Châu Âu (EU) song song với các cuộc đàm phán thương mại với EU, đối tác lớn nhất của nước này sau Brexit. Hai bên vẫn chưa đạt tiến triển đáng kể sau 4 vòng đàm phán trong khi thời gian đàm phán chỉ còn lại chưa đầy 6 tháng. Vì vậy, ngày càng nhiều quan ngại về khả năng Anh và EU sẽ khởi động mối quan hệ mới bằng những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một kịch bản được cho là sẽ dẫn tới những gián đoạn nghiêm trọng trong trao đổi thương mại song phương và Anh chịu thiệt hại nặng nề hơn EU.
Ngày 16/6, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Jean-Yves Le Drian, cho biết nước này không loại trừ khả năng Liên Minh Châu Âu (EU) sẽ không đạt được thỏa thuận trong mối quan hệ thương mại với Anh thời kỳ hậu Brexit nhưng thực sự không muốn khả năng này xảy ra.
Trước đó, phát biểu trước các thành viên Ủy ban Các vấn đề châu Âu của Thượng viện Pháp ngày 11/6, Bộ trưởng châu Âu của Pháp, Amelie de Montchalin, cũng nhận định Liên Minh Châu Âu (EU) và Anh sẽ khó hoàn tất đàm phán về quan hệ thương mại giai đoạn hậu Brexit trong vòng vài tháng tới.
Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh với Liên Minh Châu Âu (EU) sẽ phải kết thúc vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, kết thúc vòng đàm phán thứ tư vào ngày 5/6 vừa qua, hai bên chưa đạt được đột phá đáng kể do vẫn tồn tại những bất đồng lớn trong 4 vấn đề chính là đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng, quyền cơ bản trong tư pháp hình sự và quản trị mối quan hệ đối tác trong tương lai. Dự kiến vào cuối tháng 6 này, hai bên sẽ tiếp tục quay lại bàn đàm phán với một lịch trình dày đặc hơn.